Đó là Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh và Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJCO).
Những thông tin này vừa được ông Lê Minh Khái, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước chính thức thông báo sáng 18/2 trong buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN) |
Theo ông Khái, những đơn vị trên nằm trong kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính tại 42 tập đoàn, tổng công ty. Nội dung chính được ngành kiểm toán nhắm tới với những đơn vị này sẽ là việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước trong năm qua.
Trong số này, những đơn vị thuộc ngành bảo hiểm là một trong những trọng tâm được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh khi nói về những điểm khác biệt so với năm trước.
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn trong ngành bảo hiểm, hai đơn vị được phía Kiểm toán Nhà nước đặt trong tầm ngắm là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ (DATC).
Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ngoài những tổ chức tín dụng phía kiểm toán đặt trọng tâm trên, kế hoạch kiểm toán năm nay còn là Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) sau khi một loạt ngân hàng lớn được kiểm toán trong năm trước như Vietinbank, Vietcombank, Agribank,...
Cũng trong danh sách được ông Khái công bố, nhiều ông lớn doanh nghiệp Nhà nước cũng được "sờ gáy" dịp này như: Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico), Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco)...
Một trong những điểm nóng khác được ông Lê Minh Khái khẳng định trong kế hoạch kiểm toán năm 2014 là việc quản lý, sử dụng nguồn thu như lệ phí, học phí, viện phí, giao thông...
Đây là những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong năm qua. Bởi vậy, theo ông Khái, phía kiểm toán sẽ tổ chức 17 cuộc kiểm toán chuyên đề tại một số tỉnh như Hà Nội, Cần Thơ, Kiên Giang,... để đánh giá lại thực tế và hiệu quả những vấn đề nóng này.
Ngoài ra, trong 17 cuộc kiểm toán trên, chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách giá xăng, dầu giai đoạn 2011-2013 tại các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu hay việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ năm 2013 cũng là những điểm đáng chú ý trong kế hoạch vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.
Nói thêm về kết quả Kiểm toán năm 2013, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho hay đã thực hiện 151 cuộc kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính trên 22.000 tỷ đồng trong đó tăng thu hơn 4.000 tỷ đồng, giảm chi trên 5.000 tỷ đồng.
Qua kiểm toán, phía Kiểm toán Nhà nước đã làm thủ tục chuyển 5 vụ sang cơ quan chức năng, trong đó có 4 vụ cho cơ quan điều tra và 1 vụ cho thanh tra Ngân hàng Nhà nước để xử lý./.