Cách dạy học tiếng Việt sáng tạo của giáo viên ở vùng cao Ba Chẽ

22/04/2021 06:03
Hoàng Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ những đứa trẻ đến trường với tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2, đầy mới mẻ và lạ lẫm, thầy cô ở Ba Chẽ đã sáng tạo để việc học tiếng Việt cho tre hiệu quả.

Ba Chẽ là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh với hơn 80% là người dân tộc thiểu số, nhờ cách làm hiệu quả, sáng tạo của các trường, sau 5 năm thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, đến nay hầu hết trẻ mầm non người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được trang bị những kĩ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt theo nội dung chương trình giáo dục mầm non.

Một tiết dạy các từ vựng về đan lát cho trẻ em dân tộc Dao tại trường mầm non xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Nguyệt.

Một tiết dạy các từ vựng về đan lát cho trẻ em dân tộc Dao tại trường mầm non xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Nguyệt.

Cô Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) vui mừng thông tin: "Sau 5 năm triển khai Đề án, trẻ phát âm tương đối rõ ràng và chính xác; biết sử dụng từ ngữ tiếng Việt để giao tiếp với cô.

Vốn từ của trẻ phát triển khá tốt, góp phần vào việc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào lớp 1 đối với trẻ 5 tuổi, giúp trẻ tham gia học tập tốt hơn sau này. 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt.

Học sinh lớp 1 được thực hiện giãn thời lượng trong môn tiếng Việt, chất lượng môn tiếng Việt có chiều hướng tăng trong giai đoạn 2016-2020".

Theo cô Oanh, để đạt được những kết quả như trên, các thầy cô giáo tại đây đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, bởi có những xã như Đạp Thanh với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô Hoàng Thị Oanh nhớ lại thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án, khi đó tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại đây còn cao, nhận thức của đại bộ phận nhân dân về công tác giáo dục còn hạn chế; Trẻ trong độ tuổi mầm non thường chỉ giao tiếp với người thân trong gia đình, nhiều phụ huynh chưa nhận thức được rõ về tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho con em, chỉ nói chuyện với trẻ bằng tiếng dân tộc.

Vì vậy, khi các em đến trường tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2, đầy mới mẻ và lạ lẫm; vốn từ ít, khả năng nghe nói hạn chế. Trẻ rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, không biết bày tỏ nguyện vọng, nhu cầu của mình dẫn đến chất lượng học tập không cao.

Các trường trên địa bàn huyện có nhiều điểm lẻ, có những điểm lẻ nằm cách xa trung tâm, môi trường học tập tách biệt, không có nhiều điều kiện giao tiếp bằng tiếng Việt. Tài liệu cho giáo viên tham khảo để thực hiện nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số còn ít.

Đối với cấp Tiểu học thì kinh phí chi cho thực hiện Đề án còn hạn chế. Đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho dạy và học còn ít nên khi thực hiện hoạt động giáo viên còn phải tự làm nhiều đồ dùng phục vụ cho công tác dạy học.

Số lượng giáo viên sử dụng thành thạo tiếng dân tộc chỉ chiếm khoảng 30% trong khi đó số lượng học sinh dân tộc thiểu số lớn…

Ngay sau khi đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” được ban hành và triển khai thực hiện; bám sát sự chỉ đạo của Sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo, các trường đã chọn nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hằng năm của giáo dục mầm non.

Trong các giải pháp thực hiện đề án, các trường luôn coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Cô Oanh dẫn câu chuyện của trường mầm non xã Đạp Thanh. Thông qua các buổi họp phụ huynh, giáo viên thông báo kết quả học và khả năng tiếp thu kiến thức bài học bằng ngôn ngữ tiếng Việt của mỗi trẻ. Tuyên truyền tới phụ huynh về tầm quan trọng của tiếng Việt đối với sự phát triển của trẻ, đề nghị phụ huynh tích cực hợp tác với nhà trường, cùng thống nhất dạy tiếng Việt cho trẻ mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt khi trẻ ở nhà các thành viên trong gia đình cần dùng tiếng Việt giao tiếp với trẻ thường xuyên, quan tâm con em nhiều hơn trong môn học chữ cái.

Không chỉ dạy trẻ tiếng Việt, nhà trường còn động viên phụ huynh tham gia lớp tập huấn Tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số do Sở Giáo dục và Đạo tạo vf Phòng Giáo dục tổ chức tại huyện hằng năm.

Ban giám hiệu đến nhà gặp gỡ trao đổi với các trưởng thôn để nhận sự hỗ trợ. Tranh thủ những buổi sinh hoạt tại các thôn để tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, cộng đồng về ý nghĩa tầm quan trọng của tiếng Việt đối với sự phát triển của trẻ. Phụ huynh tích cực đồng thời là tuyên truyền viên nâng cao nhận thức, lan tỏa tinh thần trách nhiệm đối với các bậc phụ huynh khác.

Một buổi sinh hoạt chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” tại trường mầm non xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Sơn

Một buổi sinh hoạt chuyên đề “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số” tại trường mầm non xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Sơn

Các trường còn lập các nhóm lớp thiết lập hệ thống zalo thông tin, trao đổi, hướng dẫn phụ huynh dạy tiếng Việt cho trẻ tại nhà phù hợp với từng học sinh và lứa tuổi. Đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các giáo viên còn làm video hướng dẫn phụ huynh dạy trẻ nhận biết các chữ cái, số đã học để gửi lên nhóm zalo của lớp.

Bên cạnh việc sửa dụng tốt các thiết bị, đồ dùng, dồ chơi được trang bị từ nguồn ngân sách, giáo viên tại các điểm trường đã phối hợp cùng phụ huynh tiến hành tạo môi trường học tiếng Việt trong lớp học cho trẻ dân tộc thiểu số như: Xây dựng các góc hoạt động khác nhau trong lớp tạo điều kiện cho trẻ hoạt động theo các hình thức khác nhau đồ dùng đa dạng được bố trí thuận tiện, hợp lý linh hoạt.

Giáo viên cùng phụ huynh sưu tầm nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, rơm rạ, đá, lá cọ, lá mít… để cô và trẻ làm đồ dùng đồ chơi gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ như con trâu bằng lá mít, con mèo, con thỏ, con gà, chổi quét nhà bằng rơm rạ, lá cọ làm quạt nan, đá vẽ hình trẻ yêu thích, đồ dùng đồ chơi có ký hiệu, chú thích bằng tiếng Việt, thể hiện nét văn hóa chung của cộng đồng, địa phương và nét riêng của từng lớp học, đáp ứng nhu cầu hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ chơi mà học, học bằng chơi.

Môi trường giáo dục phong phú tạo điều kiện cho trẻ được tham gia nhiều các hoạt động trải nghiệm, khám phá từ đó giúp trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, tăng cường phát triển ngôn ngữ cho trẻ.

Song song với đó, các trường đã cử giáo viên tham gia các lớp học tiếng Dao do Sở giáo dục và Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh tổ chức, khuyến khích và tạo phong trào giáo viên tự học các tiếng dân tộc tại địa phương, nâng tỷ lệ giáo viên biết tiếng mẹ đẻ của trẻ để giảng dạy, giao tiếp trao đổi với phụ huynh và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, dạy tiếng Việt cho trẻ được tốt hơn.

Tổ chức các chuyên đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, các buổi sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức tăng cường tiếng Việt cho trẻ để giáo viên tham gia dự giờ nhằm chia sẻ kinh nghiệm.

Cho đến nay, với tỷ lệ tăng dần qua các năm, đã có 100% phụ huynh và nhân dân các thôn xã Đạp Thanh sử dụng song song 2 ngôn ngữ giao tiếp mẹ đẻ và tiếng Việt với trẻ khi ở nhà.

Các thầy cô nơi đây mong Nhà nước sẽ có chính sách tăng mức hỗ trợ đối với giáo viên dạy lớp tăng cường tiếng Việt. Có chính sách hỗ trợ giảm học phí đối với đối tượng trẻ nhà trẻ để tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ dân tộc thiểu số ra lớp. Cùng với đó là trang bị cấp thêm trang thiết bị; tài liệu, học liệu về tăng cường tiếng Việt cho nhà trường để việc dạy và học ở vùng cao Ba Chẽ sẽ được thuận lợi hơn.

Hoàng Hương