Lời chia sẻ "cuối nhiệm kỳ” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh: “Không tiếp tục đổi mới, Việt Nam sẽ khó khăn tụt hậu”, được dư luận đánh giá cao về tư duy, góc nhìn thẳng vào một sự thật mà không phải ai - ở vị trí như ông - cũng dám nói ra.
Nền kinh tế của chúng ta vẫn bị trói buộc trong vòng lẩn quẩn của tư duy “lúa nước” khi mà: “Xuất hiện rất nhiều giấy phép con trở lại, doanh nghiệp vẫn bị “đòi phí” trắng trợn”, lời Bộ trưởng Vinh.
Ai đã đẻ ra những giấy phép con, phí “bôi trơn” để hành doanh nghiệp? Con người hay cơ chế? Chung quy lại, cơ chế cũng do con người tạo ra.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, “Xuất hiện rất nhiều giấy phép con trở lại, doanh nghiệp vẫn bị “đòi phí” trắng trợn”. Ảnh: doanhnhan.vneconomy. |
Xây dựng luật thì vẫn duy trì theo quy trình “làm văn tập thể”, để rồi khi luật có hiệu lực mới thấy còn một khoảng cách quá xa, quá dài với thực tế. Lại sửa, lại chỉnh khiến đối tượng chịu điểu chỉnh của luật cứ nháo nhào, dư luận “nhao nhao” phản đối.
Luật ban hành còn phải chờ đợi dài cổ mà thông tư, nghị định vẫn còn… đang “ngâm cứu”. Doanh nghiệp mà “cầm đèn” chạy trước thông tư, nghị định hướng dẫn nhiều khi dính án tù như chơi, mà đợi thì cũng dăm ba năm mới có.
Vấn đề mà Bộ trưởng Vinh muốn truyền tải một thông điệp, mấu chốt vẫn chính là con người. Ông nhấn mạnh: “Lịch sử cho thấy những người tài có thể biến đất nước từ không có gì thành đất nước phát triển. Đó là động lực quan trọng nhất, chứ không phải là tài nguyên”.
Chẳng cần nói chuyện “đao to búa lớn”, chỉ cần kể lại chuyện quanh ta mới thấy nguyên nhân nào đang kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Hàng nghìn biển báo giao thông không còn hợp lý, không còn phù hợp vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, thành cái bẫy với người dân, cuối cùng cũng phải đến Bộ trưởng Đinh La Thăng lên tiếng “chưa thay được thì nhổ vứt đi”.
Cả Cục đường bộ Việt Nam đã lặng im nhìn những tấm biển báo, đến khi Bộ trưởng chỉ đạo mới dám bỏ, dám vứt là sao?
Đơn kêu cứu của 8 “đại gia” ngành sữa Việt Nam gửi đến Thủ tướng về việc Tổng cục Hải quan truy thu thuế mà họ cho “sai luật”. |
Đến cái biệt phủ của đại gia vàng xây trái phép ở đèo Hải Vân cũng muốn chờ… ý kiến Thủ tướng. Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) đâu phải là thành Cổ Loa, chỉ xây trong một đêm là xong mà không ai hay biết. Nó to vật vã, lù lù hàng mấy năm trời, để rồi xây xong lại đập, lại phá vì không đúng giấy phép.
Một chiếc xe tải chở cá sấu được xác định là có nguồn gốc hẳn hoi mà vẫn bị Tổng cục Hải quan giam cho mấy tháng trời, dân kêu khắp nơi không thấu…
Tất cả đều bộc lộ một quy trình xử lý theo tư duy sợ trách nhiệm. Cấp dưới thì xin ý kiến cấp trên “nhỏ” và cứ đùn đẩy lên cấp cao hơn. Một vụ việc kéo hết cơ quan này sang cơ quan khác vào cuộc. Người dân thì ròng rã gõ cửa khắp chốn, cùng nơi… cuối cùng lại kêu đến Thủ tướng, Chủ tịch nước.
Tâm lý “giữ ghế”, sợ trách nhiệm đang hiện diện khắp nơi.
Nếu ví như người dân ở Lương Sơn (Hòa Bình) không rần rần kéo nhau ra đường quốc lộ “ăn trực nằm chờ” phản đối phí BOT giá cắt cổ thì làm sao họ được chủ đầu tư giảm đến 60% so với mức phí ban đầu. Doanh nghiệp vận tải đang lao đao với phí BOT, tìm đường tránh như “trốn chui, trốn lủi”.
Hay người dân kêu than thì Ngân hàng Nhà nước mới có động thái cho Công ty SJC gia công vàng miếng.
Người tài năng có tâm huyết với đất nước thì sẽ không còn tình cảnh đợi chờ Thủ tướng, đợi chờ Bộ trưởng… mới dám làm.
Người tài của đất nước phải chăng đang như lá mùa thu?