Nhiều đoàn đi nước ngoài thực chất đi chơi, du lịch
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương giai đoạn từ 2012-2016.
Theo đó, đoàn đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại các Bộ: Tài chính, Công thương, Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai và Tiền Giang.
Riêng Bộ Tài chính, Bộ Công thương có gần 42.000 lượt cán bộ đã xuất ngoại trong 4 năm (từ 2012-2016) với số tiền chi từ ngân sách lên đến 1.004 tỷ đồng.
Phải chấm dứt lấy tiền nhà nước đi du lịch nước ngoài, gắn mác nghiên cứu |
Đáng chú ý, năm 2015 cựu Bộ trưởng Bộ Công thương – ông Vũ Huy Hoàng giữ “kỷ lục” xuất ngoại lên đến 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm.
Trong các lãnh đạo địa phương, bà Phan Thị Mỹ Thanh (thời điểm bị thanh tra là bà Thanh là Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cũng bị xếp vào danh sách “kỷ lục” vì có số lần đi nước ngoài quá nhiều trong năm.
Có năm bà Phan Thị Mỹ Thanh xuất ngoại đến 10 lần. Từ năm 2012-2017, bà Thanh làm trưởng đoàn của 17 đoàn tỉnh Đồng Nai đi nước ngoài.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc các bộ ngành, địa phương tổ chức đoàn đi nước ngoài cũng mang lại một số lợi ích như góp phần thành công trong các đàm phán các hiệp định thương mại, quảng bá hình ảnh, tiếp thu kinh nghiệm...
Tuy nhiên có nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là để kết hợp đi tham quan, du lịch.
Riêng Bộ Công thương có 23 chuyến ra nước ngoài sử dụng kinh phí do doanh nghiệp mời, tài trợ. Năm 2016, bộ này cử đoàn đi nước ngoài bằng tiền của Tổng công ty Thuốc lá, chi phí cho 5 cán bộ là gần 1,4 tỉ đồng.
Tỉnh Đắk Lắk có các ông Nie Thuật (bí thư Tỉnh ủy), Mai Hoan Niê và Đinh Văn Khiết (phó chủ tịch) cũng có 5 chuyến đi nước ngoài bằng tiền doanh nghiệp.
Trong số các chuyến đi tốn kém nhất từ năm 2012-2016 là chuyến đi "Tìm hiểu thị trường nguyên liệu và dự hội chợ tại Cuba, Argentina và Panama kéo dài tới 12 ngày năm 2016.
Tổng chi phí chuyến đi này, riêng phần chi cho 5 cán bộ của Bộ Công Thương lên tới gần 1,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng chi phí cho cựu Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa lên tới trên 320 triệu đồng; bà Lê Thị Thu Hương hết 207 triệu đồng; ông Phan Chí Dũng (thời điểm đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công Thương) chi phí hết 353,7 triệu đồng; ông Đào Vân Hải cũng hết 353,7 triệu đồng; bà Vi Thị Ngọc Trâm chi hết 153,35 triệu đồng.
Trong đoàn đi còn có 2 cán bộ ở cơ quan quản lý khác, chi phí cho 2 người này cũng lên tới...992 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, tình trạng doanh nghiệp "bao" trọn gói cho cán bộ, công chức đi du lịch nước ngoài học hỏi kinh nghiệm rất nhiều. Ảnh: nguồn Tuổi trẻ |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhìn vào những con số đoàn đi nước ngoài bằng ngân sách và tiền doanh nghiệp tài trợ đã lắc đầu ngao ngán.
Ông Hải cho rằng: “Nhiều đoàn đi nước ngoài để học tập kinh nghiệm, tìm hiểu thị trường… nhưng thực chất có đoàn chỉ đi chơi, du lịch là đúng như kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Họ đi nước ngoài gắn mác đi học hỏi kinh nghiệp, học hỏi quản trị doanh nghiệp… nhưng sau đó về thì doanh nghiệp cũng chẳng có gì thay đổi, vẫn vậy.
Đoàn đi nước ngoài dùng ngân sách nhà nước, nói chính xác hơn là đồng thuế của dân đóng góp mà sai mục đích là làm trái quy định nhà nước. Đây không khác gì hình thức tham nhũng, tham nhũng từ hình thức công du”.
Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước “bao” trọn gói chuyến công du của một số lãnh đạo bộ, cơ quan chủ quản như Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba), các công ty thành viên của Tổng công ty này tài trợ cho cán bộ Bộ Công thương.
Năm 2013, Tổng công ty này đã tài trợ kinh phí cho 3 cán bộ của bộ Công Thương đi Hà Lan, Pháp, Bỉ 9 ngày để "tìm hiểu về công tác chống buôn lậu".
Năm 2014, cũng Tổng công ty này đã chi tiền cho 3 người của Bộ Công Thương đi Úc với thời gian lên tới ... 30 ngày để "nghiên cứu quản lý, quản trị doanh nghiệp".
Cũng trong năm này, Vinataba cũng chi tiền cho 4 người khác của Bộ Công Thương sang Úc 8 ngày để "nghiên cứu, khảo sát".
Đến năm 2016, Vinataba tiếp tục chi tiền cho 1 người của Bộ Công Thương đi Mỹ, Bỉ 7 ngày, chỉ để dự một cuộc triển lãm.
Về việc doanh nghiệp tài trợ cho bộ chủ quản đi công tác, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Mục đích nhằm lấy lòng lãnh đạo bộ chủ quản, làm hài lòng cán bộ cấp quản lý.
Doanh nghiệp nhà nước cũng là tiền ngân sách, việc doanh nghiệp chi tiền như vậy có đúng hay không phải làm rõ.
Làm rõ cả đơn vị tài trợ và người được mời đi được gì sau chuyến công du. Nếu đó là các khoản chi sai của doanh nghiệp nhà nước thì phải nộp lại nhà nước và truy trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp. Người được mời cũng phải làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đến nơi đến chốn.
Tiền của doanh nghiệp nhà nước cũng là tiền của nhân dân. Anh không thể sử dụng tùy tiện và phung phí được”.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mời cán bộ bộ chủ quản, mà còn có doanh nghiệp tư nhân cũng tài trợ cho cán bộ nhà nước đi công du kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng.
“Doanh nghiệp tư nhân đài thọ cho cán bộ, công chức đi công tác kết hợp đi du lịch có đúng quy định nhà nước hay không thì quy định đã chỉ rõ cán bộ không được phép.
Nhưng vì sao vẫn có tình trạng trên, thực tế, đó là xuất phát từ cơ chế xin cho, doanh nghiệp tư nhân họ bỏ ra một khoản phải được gì đó. Ví dụ như thủ tục hành chính phức tạp quá, hay xin dự án… doanh nghiệp phải lobby bằng những chuyến công du nước ngoài…”, ông Hải nói.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hải, thực tế doanh nghiệp mời cán bộ nhà nước đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm” là rất nhiều. Nhưng thời gian gần đây đã biến tướng rất tinh vi, khó phát hiện.
Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, thực tế nhiều đoàn cán bộ gắn mác đi nước ngoài học tập kinh nghiệm, nhưng thực chất đi chơi, du lịch bằng tiền ngân sách. Ảnh: N.Q |
Nhũng nhiễu, gây tốn kém cho doanh nghiệp
Đồng quan điểm, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Về nguyên tắc từ Luật Phòng chống tham nhũng đã chỉ rõ, anh lạm dụng quyền lực để lợi dụng, trục lợi cá nhân là tham nhũng.
Cần phải làm rõ các chuyến đi đó có đúng mục đích hay không? Trên giấy tờ mục đích đoàn đi học hỏi kinh nghiệm, công tác rất hay và cần thiết, nhưng thực tế lại là đi chơi, đi du lịch thì rõ ràng đó là một dạng tham nhũng.
Nhưng việc làm rõ họ đi công tác có kết hợp đi du lịch, đi chơi cũng không phải dễ.
Phải làm rõ doanh nghiệp tài trợ và cả cán bộ tham gia phải giải trình từ lý do, mục đích, đến kết quả ra sao sau chuyến công du sẽ rõ”.
Ông Phong cho biết: “Như ở một số nước trên thế giới, ngay cả việc anh lợi dụng chức vụ để dùng xe công vào việc tư như về quê, đi chơi là vi phạm và bị xử lý rất nghiêm.
Bởi vậy, việc anh đi công tác nước ngoài, tiện thể đi du lịch do doanh nghiệp tài trợ mà không đúng mục đích và đối tượng cũng là tham nhũng.
Cần có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng trong việc cử đoàn cán bộ đi nước ngoài như thế mới mong chấm dứt được tình trạng dùng ngân sách đi nước ngoài học chẳng được bao nhiêu mà tốn kém, không hiệu quả”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lo ngại: “Doanh nghiệp mời cán bộ, lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo địa phương đi có thể tạo ra những mối quên hệ không trong sáng dẫn đến hình thành “lợi ích nhóm”.
Việc doanh nghiệp mời cán bộ đi “học hỏi kinh nghiệm”, lạm dụng gây nhũng nhiễu và tốn kém cho doanh nghiệp. Hơn nữa, nguy cơ dẫn đến lợi ích nhóm. Thêm vào nữa là làm hư quan chức, thời gian đó anh được hưởng hương từ ngân sách, trách nhiệm của anh phải làm việc phục vụ nhân dân, đất nước thì anh lại đi chơi”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, đi nước ngoài học tập những cái mới, cái hay, tích cực về áp dụng tại Việt Nam thì quá tốt. Ví dụ làm doanh nghiệp nhà nước đi để học hỏi kinh nghiệm, mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp… về thay đổi doanh nghiệp theo hướng tốt hơn.
Nhưng ngược lại anh dùng nhiều tiền ngân sách để phục vụ mục đích cá nhân gây lãng phí, tốn kém cho ngân sách thì rất đáng lên án và quy trách nhiệm, xử lý kỷ luật.
Để các chuyến công cán ở nước ngoài không biến thành một dạng tham nhũng, cách duy nhất là minh bạch thông tin về những chuyến đi nước ngoài. Từ thành phần, mục đích, nội dung, kinh phí đến hiệu quả của chuyến đi, cần phải được bạch hóa.