Ngày 11/10, tại Thành phố Thái Bình, Hội Dầu khí Việt Nam (VPA) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội thảo khoa học “Nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ khí của khu vực đồng bằng Bắc Bộ tới năm 2035”.
Tham dự hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí – Than (Bộ Công Thương) Trần Thanh Tùng, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, Thành viên HĐTV PVN Đinh Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Thập cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên, lãnh đạo các Ban/Văn phòng Tập đoàn.
Về phía Hội Dầu khí Việt Nam có Chủ tịch Ngô Thường San, Tổng thư ký VPA Nguyễn Huy Quý, Chủ tịch các Chi hội Hà Nội, Thái Bình…
Hội thảo khoa học “Nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ khí của khu vực đồng bằng Bắc Bộ tới năm 2035”. |
Những năm qua, nhu cầu sử dụng khí đang ngày một lớn cho phát triển kinh tế và công nghiệp tại các tỉnh duyên hải miền Bắc. Sử dụng khí tự nhiên không chỉ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực gốm sứ, giao thông vận tải… nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm mà còn giảm thiểu phát thải khí độc cũng như chất thải công nghiệp vào môi trưởng.
Trong vài thập niên qua, tiềm năng dầu khí tại khu vực bể Sông Hồng đã được nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò và bắt đầu khai thác công nghiệp từ năm 2015 với hệ thống thu gom và sản xuất khí đồng hành do Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) đầu tư tại Tiền Hải – Thái Bình.
Sau gần 5 năm vận hành, sản lượng của hệ thống này đã đạt khoảng 200 triệu mét khối khí/năm. Đặc trưng của các mỏ dầu khí tại khu vực này là những mỏ nhỏ, cận biên, trữ lượng và khả năng khai thác công nghiệp thấp.
Để giải bài toán khai thác tiềm năng dầu khí tại khu vực phía Bắc Bể Sông Hồng sao cho hiệu quả là một vấn đề đầy phức tạp và thách thức đối với người dầu khí.
Hội thảo đã lắng nghe một số báo cáo, tham luận, nghiên cứu khoa học giá trị của các chuyên gia như: Tiềm năng dầu khí và nghiên cứu khả năng phát triển khí khu vực phía Bắc Bể Sông Hồng; Quy hoạch khí và chiến lược phát triển công nghiệp khí Bắc Bộ; Hiện trạng khai thác, hạ tầng công nghiệp khí, cân đối cung cầu khu vực Bắc Bộ; Giải pháp giảm chi phí trong khoan nhằm tăng tính khả thi phát triển các mỏ nhỏ tại Vịnh Bắc Bộ.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi, đưa ra nhiều ý kiến xây dựng nhằm hoàn thiện báo cáo khoa học về bức tranh tổng thể tương lai công nghiệp khí tại khu vực phía Bắc. Trong đó, khẳng định khả năng khả thi khai thác, vận hành công nghiệp khí tại Thái Bình và các tỉnh phía Bắc, đề ra phương án khả thi thăm dò, thẩm lượng khí tại một số mỏ có tiềm năng tốt nhất trong khu vực.
Để phát triển, khai thác các mỏ khí tại khu vực Bể Sông Hồng là điều cực kỳ khó, đầy thách thức đối với PVN và các đối tác quốc tế. Vì vậy cần những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa trong các hợp đồng dầu khí… mới có thể đưa công nghiệp khí phát triển, hiệu quả tại khu vực này.
Tổng kết hội thảo, Tổng giám đốc PVN - ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, bên cạnh các thuận lợi cho thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực này như vùng nước nông, gần bờ, khu vực này lại chỉ có tiềm năng khai thác các mỏ có quy mô nhỏ, vùng cận biên, mức độ ổn định sản lượng thấp nên chi phí khai thác, sản xuất sẽ cao.
Bởi vậy không có giải pháp về chính sách, cơ chế đặc biệt sẽ rất khó đầu tư, chuyển đổi tình trạng kinh doanh khí trong khu vực. Đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng khí tự nhiên, phát triển thị trường khí công nghiệp tại miền Bắc.
Từ thực tế nêu trên, PVN cùng các đơn vị thành viên, các nhà khoa học cần làm rõ, cụ thể, nghiên cứu tổng thể nhu cầu thị trường, chỉ ra từng phân khu, dự báo tăng trưởng kinh tế, công nghiệp miền Bắc… để từ đó đầu tư thăm dò khai thác. Cần sớm có chính sách ưu tiên hỗ trợ khai thác mỏ nhỏ, mỏ cận biên, PVN mới có thể triển khai có hiệu quả.