Cần những doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt nền kinh tế

02/06/2019 06:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp lớn cho nền kinh tế. Cần khuyến khích phát triển doanh nghiệp tạo thành những tập đoàn kinh tế lớn có vai trò dẫn dắt.

Năm 2018 được ghi nhận là năm thứ hai liên tiếp cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Năm 2018, đầu tư của khu vực tư nhân tăng 18,5% so với năm trước, chiếm tới 43,3% tổng đầu tư xã hội (tính theo giá hiện hành ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước và bằng 33,5% GDP).

Khu vực kinh tế tư nhân được xem là một trụ cột mới cho phát triển kinh tế.

Đại biểu Trần Anh Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Anh Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đánh giá về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kinh tế tư nhân ngày càng  có nhiều góp quan trọng cho đất nước, thể hiện thông qua các chỉ tiêu như cơ cấu đóng góp của kinh tế tư nhân. Ở đây là về mặt giá trị sản xuất, giá trị gia tăng. Nó ngày càng lớn so với các thành phần kinh tế khác.

“Các chỉ số liên quan đến giá trị sản xuất, giải quyết lao động việc làm, tính đa dạng hóa về sản phẩm xã hội, tính linh hoạt, chủ động trong sản xuất, chủ động nguồn lực của chính họ đều được đánh giá tốt.

Tất cả làm cho hiệu quả chung của kinh tế tư nhân ngày càng gia tăng sự đóng góp cho nền kinh tế chung (hiệu quả về đầu tư sản xuất, đóng góp về giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, vấn đề việc làm...).

Qua những chỉ tiêu đó ta thấy vai trò của kinh tế tư nhân có vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế.

Do đó tại các Hội nghị Trung ương gần đây trong các phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều khẳng định vai trò kinh tế tư nhân trong toàn bộ nền kinh tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Đại biểu dẫn chứng, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp tư nhân đã làm được một số công trình quan trọng được thực hiện một cách nhanh chóng về tiến độ và được đánh giá có chất lượng như sân bay, cơ sở hạ tầng...

Mặt khác, tính năng động của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế khá tốt.

“Họ có thể chuyển đổi, thay đổi ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng, xử lý một số vấn đề liên quan đến thị trường rất nhanh nhạy so với kinh tế Nhà nước.

Cho nên cần khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân tạo thành những tập đoàn kinh tế lớn có vai trò dẫn dắt.

Đó là một bài toán chúng ta cần lưu ý trong thời gian tới, chứ không thể nào để kinh tế tư nhân cứ ở mức vừa, nhỏ và siêu nhỏ”, đại biểu Tuấn nêu quan điểm.

Theo đại biểu, phải có những doanh nghiệp kinh tế tư nhân đầu đàn. Hiện nay cũng đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân.

Tuy nhiên so với nền kinh tế quy mô ngày càng lớn, cộng đồng kinh tế tư nhân với số lượng doanh nghiệp khoảng hơn 700.000 doanh nghiệp thì con số doanh nghiệp lớn chiếm tỉ trọng chưa tới 2% là quá nhỏ.

Theo ông Tuấn: "Cần phát triển mạnh, có cơ chế đột phá hơn nữa mới có thể đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thành những tập đoàn lớn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải có những liên kết mạnh với nhau (liên kết dọc, ngang) để có thể phát triển được các thế mạnh, làm tăng khả năng tầm nhìn trong quản lý giúp vươn xa và mạnh hơn nữa".

Về các cơ chế chính sách, vị Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay chúng ta có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát triển kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm đột phá


Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào các mảng như đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp liên quan tới các ngành mang tính mũi nhọn...

“Chúng ta đã có quy định rồi nhưng để đưa nó vào thực tiễn thì cần các các văn bản hướng dẫn cụ thể nhanh chóng, hoàn thiện hơn. Đặc biệt là các nguồn lực về tài chính để thực hiện còn hạn chế”, đại biểu đánh giá.

Ngay cả trước khi luật trên có hiệu lực, chúng ta cũng có nhiều cơ chế khuyến khích doanh nghiệp như cơ chế tiếp cận tín dụng, đổi mới máy móc khoa học công nghệ, kể cả đổi mới sáng tạo... đã hình thành. 

Tuy nhiên việc tiếp cận được các nguồn lực còn hạn chế cả về mặt quy mô và cơ chế tiếp cận.

“Nếu chúng ta tập trung nguồn lực cho tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ phân tán nguồn lực.

Vì thế, cần sớm xác định cụ thể ngành nào ưu tiên, ngành nào Nhà nước không cần nắm giữ để thu hút các doanh nghiệp thành phần kinh tế tư nhân tham gia", đại biểu Tuấn nhận định.

Đỗ Thơm