Mới đây, những “con số biết nói” về lãng phí trong lĩnh vực công giai đoạn 2016-2021 được Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội công bố đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, cử tri cả nước.
Theo đó, số liệu dù mới được tổng hợp bước đầu cho thấy, trong giai đoạn 2016-202, phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; Lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng. Trong 6 năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện với số tiền 883,2 tỷ đồng. [1]
Nói đến lãng phí trong khu vực công là nhắc đến những dự án "treo", những công trình "đắp chiếu" qua hàng chục năm, sự lãng phí nguồn lực xã hội, lãng phí ngân sách Nhà nước...
Có thể điểm qua như dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đồng khởi công xây dựng cuối năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Sau gần 2 năm chậm tiến độ, đến tháng 10-2018, khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã chính thức được khánh thành. Thế nhưng sau gần 4 năm, việc đưa khu khám bệnh vào hoạt động vẫn chưa được thực hiện.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, tháng 10-2018 cũng diễn ra lễ khánh thành phòng khám bệnh đa khoa của bệnh viện. Thế nhưng đến tháng 3-2019, phòng khám này mới chính thức đón tiếp bệnh nhân khám chữa bệnh. Tuy nhiên sau một năm đi vào hoạt động, tháng 3-2020 bệnh viện thông báo chính thức tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. [2]
Tại Thanh Hóa, từ năm 2014 - 2020 đã thu hồi 24 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa vào sử dụng. [3]
Hay như ở Ninh Bình, dự án Xây dựng trường Đại học Hoa Lư có tổng mức đầu tư 1.352 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2011, sau hơn một thập kỷ vẫn bỏ hoang và chưa hẹn ngày hoàn thành, đưa vào sử dụng. [4]
Những câu chuyện trên cho thấy, đã đến lúc cần có các giải pháp để chấn chỉnh, chấm dứt vấn đề lãng phí hiện nay.
Cần áp dụng khung xử lý hình sự với trường hợp gây lãng phí
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: VPQH) |
Bàn về vấn đề lãng phí trong khu vực công, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhận định, hiện nay lãng phí xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ở các ngành, các cấp khác nhau. Tuy nhiên, việc xử lý chưa thực sự quyết liệt, nghiêm minh nên khó chấm dứt thực trạng này.
Đặc biệt trong ngành y tế, ngành giáo dục, nhiều dụng cụ, thiết bị mua sắm về nhưng không sử dụng.
Riêng trong môi trường giáo dục, còn tình trạng trường học bỏ hoang, dụng cụ học tập của học sinh mua về chỉ để trong kho và không được sử dụng gây lãng phí.
Dự án trường Đại học Hoa Lư phê duyệt năm 2010 trên diện tích 15ha trị giá hơn 400 tỷ đồng, đến nay dự án vẫn ngổn ngang, bị bỏ hoang gây lãng phí. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Nguyên nhân vì việc mua sắm thiết bị không xuất phát từ nhu cầu thực tế. Chúng ta mua đấu thầu tập trung, mua về nhưng không đúng với nhu cầu thực tiễn ở cơ sở, ở các trường học.
Đây cũng là một lỗ hổng lớn, rõ ràng, khi đấu thầu tập trung cũng phải xuất phát, tính toán nhu cầu thực tiễn ở các cơ sở như thế nào, bởi lẽ khi thiết bị mua về không phù hợp thì không thể sử dụng.
“Lãng phí xảy ra rất nhiều nhưng nếu ta chỉ đưa ra những con số mà không có hình thức xử lý vi phạm, không quyết liệt trong vấn đề chống lãng phí thì những con số ấy cũng không có ý nghĩa gì.
Tôi cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm với những cá nhân gây lãng phí, dựa vào mức độ gây thiệt hại đối với từng trường hợp.
Ví dụ, lãng phí gây thiệt hại ở mức nào thì sẽ xử lý hành chính, vượt qua mức nào sẽ phải xử lý hình sự, trở thành tội phạm. Làm nghiêm như vậy mới đủ sức răn đe và ngăn chặn hành vi lãng phí.
Phải quy rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị này gây lãng phí cái gì, gây thiệt hại bao nhiêu, nguyên nhân gây lãng phí là gì, trách nhiệm thuộc về ai?
Còn nếu chúng ta chỉ xử lý vi phạm bằng cách kiểm điểm, rút kinh nghiệm hay xử phạt hành chính thì năm nay gây lãng phí rồi, năm sau vẫn sẽ tiếp diễn tình trạng lãng phí”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.
Lãng phí trong giáo dục từ câu chuyện làm sách giáo khoa
Trong khu vực công, lãng phí trong giáo dục cũng là một vấn đề nan giải, cần được nhìn nhận một cách thấu đáo và có hướng giải quyết rõ ràng, bởi lẽ, trong giáo dục không đơn thuần là sự lãng phí về tiền bạc, của cải, mà còn cả sự lãng phí về thời gian, công sức, nguồn nhân lực,…
Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nói rằng, tham ô đã là vấn đề tai hại rồi nhưng lãng phí còn tai hại hơn. Ông cũng bày tỏ lo lắng, trong giáo dục hiện nay đáng lo nhất là lãng phí về thời gian.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, sự lãng phí trong giáo dục đáng lo nhất là lãng phí về thời gian. (Ảnh: Phạm Minh) |
“Như việc nghiên cứu đổi mới giáo dục, mục tiêu rõ ràng rất tốt đẹp nhưng chúng ta làm chưa được chu đáo. Chúng ta triển khai đổi mới từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực nhưng vẫn còn đó những vấn đề ngổn ngang.
Ví dụ hiện nay các trường đang lo lắng, loay hoay với 108 tổ hợp, đến câu chuyện Lịch sử trở thành môn tự chọn ở các lớp trung học phổ thông đang gây nhiều tranh cãi,… còn nhiều vấn đề chưa được xử lý, giải quyết thấu đáo. Nếu không giải quyết tốt, nó có thể gây nên sự sự lãng phí trong giáo dục”, thầy Bảo phân tích.
Cũng theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, một minh chứng rõ nét cho vấn đề lãng phí trong giáo dục phải kể đến chuyện làm sách giáo khoa hiện nay.
Trong hai năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, còn có những bộ sách giáo khoa chưa chuẩn chỉnh. Sách giáo khoa để lọt nhiều “sạn”, việc lựa chọn sách giáo khoa trong từng nhà trường chưa thực sự khách quan, công bằng khiến dự luận đặt ra những câu hỏi về vấn đề lợi ích nhóm.
Một điều đáng buồn và đáng lo ngại là sách giáo khoa hiện nay khó có thể được kế thừa qua các thế hệ học sinh, năm nay học sinh học bộ sách này nhưng năm sau, các em học sinh khóa tiếp theo lại học bộ sách khác, đó là biểu hiện của sự lãng phí.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng, câu chuyện làm sách giáo khoa là biểu hiện của sự lãng phí. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
“Phải thừa nhận hiện nay với tốc độ và sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, chúng ta cần có sự chuyển động, cần có sự thay đổi. Song sự thay đổi cũng phải ở mức tương đối ổn định trong một khoảng thời gian”, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo trăn trở.
Cũng theo thầy Đặng Quốc Bảo, muốn ngăn chặn vấn đề lãng phí trong giáo dục cần phải chú tâm ba vấn đề.
Thứ nhất là phải hết sức chu đáo trong việc ra các chủ trương, chính sách, đừng để ra những chủ trương, chính sách về đổi mới giáo dục bất cập và không theo kịp với sự vận động của thực tiễn.
Thứ hai, khi đã có chủ trương chính sách đúng rồi thì cần có sự điều hành hẳn hoi.
Thứ ba, việc triển khai thực hiện phải thật chu đáo, phải thực hiện được theo lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trường ra trường, lớp ra lớp/ Thầy ra thầy, trò ra trò/ Dạy ra dạy, học ra học”.
“Chống lãng phí đồng thời là phải biết tiết kiệm. Như Bác Hồ đã từng căn dặn chúng ta về Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Kiệm là tiết kiệm, là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi.
Nhưng Cần, Kiệm, Liêm cuối cũng vẫn phải là “Chính”. Muốn chống lãng phí, tham ô thì mỗi nhà quản lý giáo dục, mỗi người hiệu trưởng, mỗi thầy giáo phải có sự chính trực trước tiên”, thầy Bảo khẳng định.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vov.vn/chinh-tri/mo-rong-tan-cong-tham-nhung-va-lang-phi-post936697.vov
[2] https://tuoitre.vn/hai-benh-vien-lon-nhat-mien-bac-khanh-thanh-roi-dong-cua-20220426163803975.htm
[3] https://tienphong.vn/thanh-hoa-thu-hoi-24-du-an-dau-co-cham-dua-dat-vao-su-dung-post1402909.tpo
[4] https://baotainguyenmoitruong.vn/ninh-binh-can-canh-du-an-truong-hoc-nghin-ty-hon-10-nam-van-bo-hoang-337461.html