Năm nào cũng lựa chọn sách giáo khoa, lãng phí và lãng nhách

20/03/2022 07:11
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” là đúng nhưng thực tế thì vẫn có những địa phương chỉ hướng vào một chương trình và “một bộ sách" mà thôi.

Đến năm học 2021-2022, các cấp phổ thông đã thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ 2018 ở các lớp 1, lớp 2 và lớp 6, đến năm học 2022-2023 tới đây sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Hiện tại, có 3 bộ sách giáo khoa mà các nhà trường đã đang lựa chọn cho đơn vị của mình là bộ sách Cánh Diều; Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống.

Việc Bộ chủ trương hướng dẫn các địa phương cho các trường học lựa chọn sách giáo khoa theo từng năm học cũng đã tạo cho các nhà trường chọn được những bộ sách giáo khoa phù hợp nhất để giảng dạy nhưng nó cũng đã bắt đầu bộc lộ những bất cập.

Bởi, có những bộ sách được các tổ chuyên môn lựa chọn ở năm học này thì đến năm học sau lại lựa chọn bộ khác nên dẫn đến sự lãng phí cho nhà trường, phụ huynh và cả công sức, tâm huyết mà một số giáo viên đã đầu tư ở năm học trước.

Vì thế, nếu như năm học nào các trường học cũng bắt buộc phải lựa chọn sách giáo khoa sẽ dẫn đến sự lãng phí và gây ra tâm lý hoang mang cho một bộ phận giáo viên ở các nhà trường.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Linh Hương

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Linh Hương

Những kiểu “quay xe” bất ngờ

Trước khi các trường học lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 thì các địa phương đã triệu tập giáo viên dự buổi Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa của các nhà xuất bản về 3 bộ sách giáo khoa mà Bộ đã phê duyệt.

Mỗi môn học, mỗi bộ sách được các nhà xuất bản giới thiệu bằng một video quay sẵn từ 20-30 phút (tùy từng bộ sách) để những tác giả sách giáo khoa giới thiệu những ưu điểm, cấu trúc về sách giáo khoa mà mình là Tổng chủ biên.

Sau đó, Sở, Phòng sẽ hướng dẫn các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tới đây và bước 1 của công việc này được Ban giám hiệu giao cho các tổ chuyên môn thực hiện.

Đa phần, các tổ chuyên môn sẽ tiếp tục lựa chọn bộ sách đã giảng dạy ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 vì nó quen với cấu trúc, nội dung kiến thức và cách trình bày của sách giáo khoa của các tác giả.

Tuy nhiên, cũng có những tổ chuyên môn đành phải “quay xe” bất ngờ. Chẳng hạn, năm nay lớp 6 chọn sách A nhưng khi tổ chuyên môn họp bàn để lựa chọn sách giáo khoa lớp 7 thì số đông lại chọn sách B hoặc sách C.

Lí do trong sự việc này là trong địa bàn phần lớn chọn 1 bộ sách B nên bộ sách A chỉ lác đác vài trường.

Vẫn biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì “chương trình” mới là pháp lệnh nhưng hàng ngày giáo viên dạy theo sách giáo khoa nên phần nhiều giáo viên vẫn xem sách giáo khoa là quan trọng hơn cả.

Khi nhiều đơn vị trong cùng một địa bàn cùng giảng dạy 1 bộ sách thì sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên và Hội đồng bộ môn cũng nhiều hơn, giáo viên tham khảo, chia sẻ với nhau về các đơn vị kiến thức của các bài học cũng thuận lợi hơn.

Một vài trường dạy bộ sách A sẽ cảm thấy lẻ loi, đơn độc, bị xem như “con ghẻ” nên ít được chú ý và thường xuyên phải đảm nhận những công việc chuyên môn do Hội đồng bộ môn phân công.

Bởi, khi thao giảng chuyên đề, tập huấn chuyên môn thì cấp trên vẫn phân công bộ sách này và bộ sách kia đan xen với nhau.

Điều đáng chú ý là khi lựa chọn sách giáo khoa thì giáo viên phải bỏ phiếu kín nên quyết định lựa chọn bộ sách nào được thực hiện theo lá phiếu của giáo viên trong tổ.

Vì thế, mới có chuyện tréo ngoe là lớp 6 thì dạy sách A nhưng sang lớp 7 thì tổ chuyên môn và nhà trường lại chọn sách B. Tất nhiên, lại phải làm quy trình để thay luôn cả sách lớp 6 vì không thể 1 môn học trong 1 cấp học mà trường lại dạy 2 bộ sách khác nhau.

Cho dù là cùng 1 chương trình nhưng triết lý của mỗi bộ sách đều khác nhau nên có những bài học được nhóm tác giả này bố trí ở lớp 6 nhưng nhóm tác giả của nhà xuất bản khác lại bố trí ở lớp 7 và ngược lại.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở thì các bài học Mây và Sóng; Cánh buồm; Thành ngữ đang được các bộ sách bố trí so le ở lớp 6 và lớp 7 khác nhau.

Vì thế, nếu tổ chuyên môn và nhà trường chọn sách B thì sách A (sách giáo khoa, sách bổ trợ, bài tập) của lớp 6 mà nhà trường đã mua sắm ở năm học này đành phải bỏ hoặc chỉ để làm… “tư liệu tham khảo”.

Ngoài ra, những phụ huynh có con năm nay là lớp 6 học xong sách giáo khoa lớp 6 thì sang năm con em lên lớp 6 cũng không thể sử dụng được. Nhiều giáo viên đã đầu tư công sức soạn giáo án, mua tài liệu ở năm này thì năm sau cũng phải bỏ để đầu tư cái mới vì nó đã không còn phù hợp nữa.

Một sự việc tưởng khách quan, khoa học nhưng vô tình lại gây lãng phí cho nhiều nhà trường, phụ huynh và giáo viên.

Không nên năm nào cũng yêu cầu giáo viên lựa chọn sách giáo khoa

Chúng tôi cho rằng việc lựa chọn sách giáo khoa chỉ nên thực hiện ở đầu cấp. Những lớp tiếp theo không nên yêu cầu lựa chọn lại mà chỉ lựa chọn lại sách giáo khoa khi đơn vị nhà trường thấy bộ sách đó không phù hợp hoặc sách có nhiều sai sót.

Năm nào cũng yêu cầu giáo viên dự hội thảo sách giáo khoa và yêu cầu lựa chọn sách giáo khoa cho lớp mới dẫn đến những bất cập không đáng có.

Bởi lẽ, phần nhiều giáo viên chưa tiếp cận sách giáo khoa lớp mới (cho dù các nhà xuất bản đã gửi link sách điện tử) nhưng vì tâm lý đám đông nên nhiều giáo viên đã thay đổi chính kiến.

Năm nay chọn sách này, sang năm lại chọn sách khác sẽ tạo cho một số giáo viên mất đi tâm huyết của mình bởi năm nay họ đầu tư giáo án cho sách này thì sang năm dạy bộ khác đành phải bỏ phí.

Kéo theo, sách nhà trường mua sắm sách giáo khoa, tài liệu cũng không dùng được vì tâm lý giáo viên và học sinh dạy sách nào thì người ta sẽ hướng vào sách đó chứ ít khi mua hoặc mượn bộ sách khác ở nhà trường.

Vì muốn tham khảo thì giáo viên đã có đường link sách điện tử họ vào đọc cho nhanh chứ lên thư viện làm gì cho mất thời gian và thêm nhiều thủ tục phiền hà.

Điều mà chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh là các Sở cũng cần chỉ đạo với bộ phận chuyên môn cần đối xử công bằng giữa các bộ sách với nhau, tránh tình trạng các trường trong tỉnh cùng lúc lựa chọn 2, 3 bộ sách nhưng khi chỉ đạo, hướng dẫn chỉ nhắm vào một bộ sách cụ thể.

Những bộ sách còn lại như những đứa con vô thừa nhận. Từ đó, dẫn đến sự chán nản, đơn độc cho nhiều tổ chuyên môn và giáo viên ở các nhà trường.

Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” là đúng là hay nhưng trong thực tế thì vẫn có những địa phương chỉ hướng vào một chương trình và “một bộ sách” mà thôi!

Vì thế, chủ trương, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ khó đạt được như mục tiêu ban đầu nếu vẫn thực hiện lựa chọn sách như hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang