Cát Bà hướng đến Di sản thiên nhiên thế giới

22/03/2012 14:49
Theo Báo KTVN
Quần đảo Cát Bà có trên 300 đảo lớn, nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo chính Cát Bà rộng khoảng 100 km2.

Khu du lịch Cát Bà
Khu du lịch Cát Bà
Cùng với danh thắng Tràng An, quần đảo Cát Bà cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Dự kiến vào tháng 9/2012 hồ sơ sẽ được đệ trình lên UNESCO.
Quần đảo Cát Bà có trên 300 đảo lớn, nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo chính Cát Bà rộng khoảng 100 km2. Quần đảo này tiếp nối với các đảo của vịnh Hạ Long tạo nên một quần thể đảo và hang động trên biển. Đây còn là nơi hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái tiêu biểu: hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, thảm rong, cỏ biển, các rạng san hô và đặc biệt là hệ thống hang động, thung áng.

Cát Bà còn được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều các bãi tắm đẹp như: bãi tắm Cát Cò, Cát Dứa, Cát Ông, Cát Đá Bằng,… Những bãi tắm ở đây nhỏ xinh, với cát trắng mịn, nước biển có độ mặn cao, trong suốt, nhìn rõ cả nền cát vàng dưới đáy. Cùng với biển, vùng đảo này còn có những khu rừng nguyên sinh với nhiều loài động thực vật ...

Chính sự phong phú, đa dạng đó nên quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu bảo tồn sinh quyển thế giới và hiện đang được UBND thành phố Hải Phòng cùng các cơ quan liên quan lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng, dự kiến ngày 30/9 sẽ trình hồ sơ quần đảo Cát Bà lần đầu và ngày 1/2/2013 trình hồ sơ chính thức lên UNESCO. Hiện Cát Bà nhận được rất nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các chuyên gia du lịch, các nhà khoa học cũng như du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong buổi làm việc mới đây của ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hải Phòng với ông Engel Hardt, chuyên gia cao cấp của tổ chức UNESCO về việc đề nghị công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới; ông Engel Hardt đã ghi nhận và đánh giá cao những thế mạnh về sản vật quý hiếm ở Cát Bà. Tuy nhiên, theo ông Engel Hardt để Cát Bà tiến tới là di sản thiên nhiên thế giới, phải đưa ra và định lượng được 39 loài, định nghĩa và xác định rõ vùng lõi, vùng đệm nơi mà 39 loài sinh sống.

Cùng nhận định với ông Engel Hardt, nhiều nhà khoa học cho rằng: Cát Bà có thế mạnh để trở thành Di sản thiên nhiên thế giới, vì  nơi đây hội tụ của nhiều loài, nguồn gien, hệ sinh sản động thực vật được ghi trong sách đỏ thế giới, nên mở rộng tầm của Cát Bà ra phía Bắc là vùng lõi 1 đến đảo Long Châu; đặc biệt, ngay từ bây giờ các cấp ngành, nhân dân và du khách phải có ngay cách ứng xử của di sản thiên nhiên thế giới, theo đó phải có những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ…

Cát Bà là nơi hội tụ giữa rừng với biển. Biển và rừng hoà quyện vào nhau đã tạo cho Cát Bà phong cảnh nên thơ và khí hậu vô cùng trong lành. Chính vì thế, nơi đây được coi là trung tâm du lịch sinh thái cấp quốc gia và đang là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bởi thế, không chỉ người dân Cát Bà, mà người dân cả nước và bạn bè năm châu đều đang hy vọng Cát Bà sẽ trở thành Di sản thiên nhiên thế giới trong một ngày gần nhất.
Theo Báo KTVN