CĐ Công nghiệp Việt Đức "cắt" giờ đào tạo: Sai phạm nghiêm trọng trong dạy nghề

15/11/2022 06:36
Phúc Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù thời gian học ít hay nhiều, sinh viên đều được cấp bằng tốt nghiệp như nhau thì đâu là thước đo chất lượng đầu ra của trường đào tạo nghề đó?.

Liên quan đến các sai phạm tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết phản ánh. Đặc biệt, trong Kết luận số 6919/KL-BCT của Bộ Công thương đã chỉ ra việc, nhà trường đã để thiếu giờ đào tạo trung bình toàn khóa của khóa 46 là 21,38% nhưng vẫn "tạo điều kiện" để học sinh học hệ Trung cấp của trường này tốt nghiệp.

Kết luận cũng chỉ rõ, thời gian đào tạo bị thiếu chủ yếu là giờ thực tập nghề nghiệp khi học sinh đi thực tập tại các doanh nghiệp liên kết với nhà trường.

Vụ việc này làm dấy lên các lo lắng về chất lượng đào tạo thực tế tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc để thiếu các giờ dạy kiến thức lý thuyết đã là thiệt thòi với các học sinh. Trong khi Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức lại để thiếu cả giờ dạy thực hành, một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến tay nghề của học sinh trường nghề thì chất lượng thực sự của khóa học đó sẽ ra sao?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: T.D

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: T.D

Trao đổi về việc này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Vụ việc này cho thấy các đơn vị quản lý các trường dạy nghề vẫn còn buông lỏng trong chuyện này.

Đào tạo "bát nháo" như vậy thì sẽ tạo ra các sản phẩm không đúng thực chất và kém chất lượng. Những sai phạm được kết luận của Bộ Công thương nêu ra về việc cắt xén chương trình đào tạo tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức cho thấy sự nghiêm trọng của sự việc. Không có gì để có thể biện minh cho sai phạm của việc làm như thế được".

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu cơ quan quản lý đã phát hiện ra trường hợp nào như vậy thì nên có những biện pháp mạnh tay để xử lý mới có sức răn đe những cơ sở khác, nếu cơ sở đó vẫn còn vì mục đích lợi nhuận kinh tế mà bỏ qua các giá trị đích thực mà trường đào tạo nghề đang hướng tới.

Đồng thời, Tiến sĩ Khuyến cho rằng, nên xử lý ở mức độ là cấm không cho cơ sở đó tiếp tục tuyển sinh hay đào tạo chứ không phải chỉ dừng lại ở việc là "chịu trách nhiệm".

"Trong sự việc diễn ra vừa qua tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức, mặc dù Bộ Công thương là chủ quản của nhà trường nên trách nhiệm chính là thuộc về Bộ này. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nên vào cuộc để chấn chỉnh công tác đào tạo tại đây.

Bên cạnh đó, phía Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước của mình đối với các cơ sở dạy nghề", Tiến sĩ Khuyến chia sẻ.

Nhấn mạnh về yêu cầu việc khắc phục theo kết luận của Bộ Công thương, khi Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức phải tổ chức đào tạo bổ sung khóa 46 dù các học sinh này đã tốt nghiệp và ra trường, Tiến sĩ Khuyến cho rằng, đây là việc rất khó để thực hiện.

Tiến sĩ Khuyến lý giải, để thực hiện việc đào tạo bổ sung khi trước đó một số chương trình đã bị cắt xén số giờ trong chương trình tổng thể là không hề đơn giản vì sẽ bị chồng chéo nhiều yếu tố. Có thể, để tổ chức các lớp đào tạo bổ sung như vậy, người dạy không biết bắt đầu từ đâu, dạy những học phần nào, vì đa phần thời gian tốt nghiệp của các học sinh này đã quá lâu. Thậm chí là phải cho các học sinh đó học lại toàn bộ chương trình nếu muốn đảm bảo chất lượng đầu ra với số lượng học sinh đã bị cắt xén giờ đào tạo.

Liên quan đến việc này, Thạc sỹ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cũng đã có một số chia sẻ.

Theo đó, Thạc sĩ Thoan cho rằng: "Không thể phủ nhận có thực trạng đáng buồn là, dù đã có trong tay tấm bằng tốt nghiệp nhưng tay nghề thực sự của các học sinh, sinh viên tại một số trường đào tạo nghề ở nước ta hiện nay không thể đáp ứng với yêu cầu làm việc thực tế.

Điều này là bởi, một phần do các trang thiết bị máy móc thực hành trong các nhà trường đã lạc hậu, cũ kỹ so với các đồ dùng, trang thiết bị đang được sử dụng ở ngoài đời thực. Hơn nữa, nhiều trường đào tạo nghề quá coi trọng việc dạy lý thuyết, khiến cho học sinh, sinh viên khi ra trường vẫn còn rất mơ hồ. Đây là thiệt thòi lớn nhất với các em khi đi xin việc hoặc thử việc tại các công ty, xí nghiệp.

Vì thế về mặt pháp lý, việc một trường đào tạo nghề cắt đi số giờ thực hành trong tổng thể cả một chương trình học cho học sinh, sinh viên thì nghiễm nhiên trường đó đã có hành vi vi phạm rồi.

Bởi trên nguyên tắc, với một mức học phí đã đóng, người học đó phải được hưởng quyền lợi theo đúng chương trình học được công bố. Khi cắt bỏ số giờ đào tạo, đồng nghĩa với việc, khung chương trình cũng bị cắt giảm. Điều đó không khác gì việc nhà trường cũng đang "xén" vào tiền của người học.

Bên cạnh đó, nếu nhà trường đã cắt giảm số giờ đào tạo, nhưng người học đó vẫn được cấp bằng như các học sinh, sinh viên khác phải theo học đầy đủ, một mặt nó vi phạm về quy chế đào tạo, mặt khác, nó là sự thiếu công bằng với người học khác phải bỏ thời gian, công sức để học thật, thi thật.

Nếu học ít cũng có được bằng, học nhiều cũng có được bằng, vậy đâu mới là thước đo thực sự để đánh giá chất lượng đào tạo của trường đó. Học sinh, sinh viên học trong một trường đào tạo nghề lại có tình trạng bị cắt xén giờ đào tạo như vậy, liệu có khả năng, khi ra trường các em sẽ là những kỹ sư thực hành "giấy" hay không?".

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI). Ảnh: Trung Dũng

Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan – Phó viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI).

Ảnh: Trung Dũng

Ngoài ra, Thạc sĩ Thoan cũng nêu quan điểm, với vụ việc tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức vừa qua, khi các sai phạm liên quan đến việc cắt giờ đào tạo của người học đã được kết luận của Bộ Công thương chỉ ra, người đứng đầu nhà trường cần được xử lý nghiêm khắc.

"Hiệu trưởng nhà trường để xảy ra việc thiếu giờ đào tạo của người học nhưng vẫn ký nhận và cấp bằng cho các học sinh, sinh viên thì rõ ràng là đã sai phạm, không có gì có thể biện minh cho việc này.

Mức độ xử lý nặng hay nhẹ thì cần được các cơ quan chức năng xem xét và đưa ra những phương án xử lý thích hợp. Tuy nhiên, với sai phạm này cần được xử lý nghiêm minh để tránh sự việc lại tái diễn thêm lần nữa tại trường này, cũng là để răn đe các trường đào tạo nghề khác có ý định tương tự.

Bên cạnh đó, với các trường đào tạo nghề nói chung cũng cần nâng cao chất lượng dạy học, đổi mới trang thiết bị và tăng thời lượng thực hành trên máy móc để các học sinh, sinh viên có những kỹ năng tay nghề tốt nhất khi ra trường. Có như vậy mới mong có được một nền giáo dục thực chất và nâng cao uy tín cho các trường đào tạo nghề trong bối cảnh các trường đào tạo nghề mở ra ồ ạt như hiện nay", Thạc sĩ Thoan cho hay.

Phúc Khang