Lạ đời, chưa lên lớp, GV CĐ Công nghiệp Việt Đức đã phải ký nhận số giờ dạy

09/11/2022 06:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghiệp Việt Đức xác nhận có việc cho giáo viên ghi thông tin "ngày lên lớp", "số giờ giảng" là để hoàn thiện hồ sơ.

Trong Kết luận số 6919/KL-BCT của Bộ Công thương về các sai phạm diễn ra tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức (Thái Nguyên), cơ quan này cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề trong việc quản lý sổ lên lớp và thực hiện khối lượng định mức giờ giảng, thanh toán lương giảng dạy cho giáo viên.

Sổ lên lớp có hiện tượng tẩy xoá, ghi chèn số liệu tại một số trang

Theo đó, qua việc kiểm tra sổ lên lớp các năm học 2018-2019, 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022 do nhà trường cung cấp cho thấy, sổ lên lớp có hiện tượng cắt dán tại một số trang; có hiện tượng tẩy xoá, ghi chèn số liệu tại một số trang; một số ô của trang chưa điền.

Ngoài ra, sổ lên lớp ghi chép đầy đủ giờ giảng của giáo viên theo chương trình đào tạo, có chữ ký xác nhận của giáo viên tham gia giảng dạy.

Bên cạnh đó, kết luận của Bộ Công thương cũng nêu, theo hồ sơ, tài liệu, ngày 30/7/2022, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức ban hành kế hoạch dạy bổ sung giờ đào tạo môn học/ mô đun với khoá 47, gồm các lớp: Cắt gọt C4-C7; Cắt gọt C4-C6; Điện CN-C2; Điện CN-C3; Điện CN-C4; Điện tử CN-C2; Điện dân dụng-C1 và khoá 47 với các lớp: Điện dân dụng-C1, Điện tử CN-C2; Điện CN-C2; Điện CN-C3).

Theo đó, cho thấy Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã phân công giảng dạy từ bổ sung từ tháng 8/2022.

Đối chiếu số liệu thống kê cho thấy, giờ giảng một số môn học/ mô đun chưa trùng khớp với số giờ giảng thực tế do nhà trường cung cấp. Một số môn học/ mô đun có hiện tượng ghi nhận số giờ đã giảng dạy sai lệch với thực tế.

Nhiều giáo viên tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức xác nhận có việc, ghi thông tin "ngày lên lớp", "số giờ giảng" và ký nhận trong sổ lên lớp trước thời điểm giảng dạy thực tế đối với một số môn học/ mô đun. Ảnh: CTV
Nhiều giáo viên tại Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức xác nhận có việc, ghi thông tin "ngày lên lớp", "số giờ giảng" và ký nhận trong sổ lên lớp trước thời điểm giảng dạy thực tế đối với một số môn học/ mô đun. Ảnh: CTV

Ngoài ra, trong biên bản làm việc ngày 16/9/2022, một số giáo viên xác nhận có việc, ghi thông tin "ngày lên lớp", "số giờ giảng" và ký nhận trong sổ lên lớp trước thời điểm giảng dạy thực tế đối với một số môn học/ mô đun. Đồng thời, Phòng Đào tạo xác nhận có việc ghi nhận thông tin "ngày lên lớp", "số giờ giảng" và ký nhận trong sổ lên lớp trước khi môn học/ mô đun được hoàn thành để hoàn thiện hồ sơ. Đối với các nội dung còn thiếu, nhà trường sẽ bố trí đào tạo bù vào thời gian thích hợp.

Cụ thể, việc thực hiện số giờ giảng dạy từ đầu các khoá 46, 47, 48, 49 kể từ tháng 9/2018 thì khoá 46 đã giảng dạy 78,62%, còn thiếu 21,25%; khoá 47 đã giảng dạy 56,35%, còn thiếu 43,65% (nếu tính cả giờ thực tập nghề nghiệp thì số giờ giảng đạt 33,42%, còn thiếu 66,58%); khoá 48 đã giảng dạy 26,38%, còn thiếu 73,62%; khoá 49 đã giảng dạy 19,36%, còn thiếu 80,64%.

Qua đó, kết luận của Bộ Công thương nhấn mạnh, tỷ lệ giờ còn thiếu nêu trên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện mức giờ giảng dạy của các giáo viên tham gia giảng dạy hệ liên kết của các khoá nói trên.

Đồng thời, căn cứ kết quả kiểm tra thực tế sổ lên lớp các năm học và xác nhận của tập thể, cá nhân có liên quan, có hiện tượng ghi chép không đúng với thực tế với số giờ giảng của các môn học/ mô đun của các lớp thuộc các khoá 46 đến 49. Việc thực hiện như trên là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 23/2018/TT-BLĐTBXH.

Nhà trường tự ra quy định 1 giờ dạy thực hành chuẩn là 75 phút nên chỉ tính giáo viên đạt 0,8 giờ chuẩn nếu dạy 60 phút

Về việc quy đổi giờ chuẩn với các giáo viên tham gia giảng dạy, căn cứ chương trình đào tạo ban hành theo Quyết định số 152a/QĐ-CĐCNVĐ, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức quy định thời lượng giờ chuẩn của giáo viên dành cho việc "Thi/ kiểm tra" từ 1 đến 6 giờ (trừ môn Thực tập nghề nghiệp) và không quy định việc tính giờ chuẩn trừ việc "chấm thi".

Theo báo cáo của nhà trường và xác nhận của giáo viên được mời làm việc, tại hội nghị cán bộ viên chức ngày 21/9/2022, trường đã lấy ý kiến về Dự thảo quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời phổ biến chủ trương mới về việc chuyển sang đào tạo bằng phương pháp dạy theo mô đun tích hợp lý thuyết - thực hành và cách tính giờ giảng quy đổi từ việc "chấm thi". Theo đó, giờ giảng quy đổi từ việc "chấm thi" được tính gộp trong giờ giảng dành cho hoạt động "Thi/ Kiểm tra" quy định trong chương trình đào tạo và chỉ được tính cho 1 giáo viên trực tiếp giảng dạy mô đun đó.

Theo quy định trên, việc chấm thi vẫn được quy đổi ra giờ chuẩn và được tính cho 2 giáo viên chấm 1 bài thi viết tự luận, kiểm tra trắc nghiệm, mỗi giáo viên được 0,05 giờ chuẩn/ bài thi; chấm thi vấn đáp, mỗi giáo viên được tính 0,1 giờ chuẩn/ học viên, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, quy định "chấm thi thực hành được tính 0,2 giờ chuẩn/ học viên/ học sinh/ học viên chỉ áp dụng với mô đun thực tập nghề nghiệp 2" là không đúng quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH.

Như vậy, theo hồ sơ, tài liệu từ năm học 2020 - 2021, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã thực hiện tính giờ chuẩn quy đổi từ việc chấm thi theo quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ban hành theo Quyết định số 253/QĐ-CĐCNVĐ. Khối lượng giờ quy đổi chênh lệch so với quy đổi theo quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH.

Tạm tính riêng cho 6 lớp khoá 46 hệ Trung cấp đối với học sinh học tại Trường Trung học phổ thông Sông Công và liên kết tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên bị chênh lệch là khoảng 72 giờ. Tính theo đơn giá bình quân tương ứng với số tiền khoảng 10 triệu đồng.

Bên cạnh đó, kiểm tra một số Bảng tổng hợp giờ giảng dạy thực hành một số môn học/ mô đun của các khoá 46, 47, 48, 49 tại các phần dạy thực hành, cột hệ số quy đổi có ghi hệ số là 0,8.

Về việc này, trong kết luận của Bộ Công thương nêu lại rằng, theo xác nhận của nhà trường, số giờ đã quy đổi của giáo viên dạy thực hành trong tháng được tính bằng tổng giờ dạy thực tế nhân với hệ số quy đổi là 0,8. Nhà trường cũng báo cáo giải trình, việc quy định thời gian tính 1 giờ chuẩn thực hành đã được thông qua tại hội nghị cán bộ, công nhân viên chức năm 2017 và năm 2020, không ai có ý kiến phản đối, thắc mắc. Theo đó, quy định nêu trên đã được toàn thể viên chức, giáo viên tại trường đồng thuận và thống nhất thông qua khi được áp dụng.

Căn cứ kết quả làm việc với một số Phòng, Khoa/ Tổ môn và giáo viên trong trường kết luận này cho rằng, từ năm 2020 trở lại đây, Trường cao đẳng Việt Đức chưa thực hiện đầy đủ việc quy đổi công tác chấm thi ra giờ chuẩn.

Căn cứ quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 09/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ công tác của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 253/QĐ-CĐCNVĐ ngày 24/9/2020 của Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức là không đúng quy định. Khối lượng giờ chấm thi chưa được quy đổi này cũng ảnh hưởng tới mức độ hoàn thành khối lượng giảng dạy đã yêu cầu, làm giảm thu nhập của giảng viên, giáo viên, gây bức xúc trong dư luận trường.

Kết luận này chỉ rõ, trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm trên thuộc về lãnh đạo Trường, Hiệu trưởng với vai trò là người đứng đầu đã phê duyệt các Quy định, Quy chế đối với giảng viên, giáo viên. Đồng thời, thiếu kiểm tra, giám sát trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Phòng Đào tạo, Trưởng phòng Đào tạo với vai trò tham mưu các nội dung chuyên môn về kế hoạch và tiêu chuẩn đào tạo, xây dựng Quy định, Quy chế; Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Kế toán - Tài chính chưa sâu sát trong phối hợp thực hiện công tác, tham mưu xây dựng Quy định, Quy chế; Ban Thanh tra Nhân dân, Bộ phận khảo thí, Bộ phận Đảm bảo chất lượng giáo dục trong thực hiện chức trách kiểm tra, giám sát.

Bảng Thống kê của của 6 lớp khoá 46 hệ Trung cấp ngoài trường từ tháng 9/2020 khi nhà trường tự đề ra quy định tính "chênh" giờ chuẩn là 60 phút/ 75 phút. Việc số giờ quy đổi chênh lệch so với quy đổi theo quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH tương đương khoảng 10 triệu đồng. Ảnh: Trung Dũng
Bảng Thống kê của của 6 lớp khoá 46 hệ Trung cấp ngoài trường từ tháng 9/2020 khi nhà trường tự đề ra quy định tính "chênh" giờ chuẩn là 60 phút/ 75 phút. Việc số giờ quy đổi chênh lệch so với quy đổi theo quy định tại Thông tư 07/2017/TT-BLĐTBXH tương đương khoảng 10 triệu đồng. Ảnh: Trung Dũng

Đối với việc quy đổi giờ giảng dạy, kết luận này cho rằng, Trường cao đẳng Công nghiệp Việt Đức đã quy định tại quy định chế độ công tác giảng viên, giáo viên ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-CĐCNVĐ ngày 28/9/2018 và quy định về chế độ công tác của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 253/QĐ-CĐCNVĐ ngày 24/9/2020 "một giờ dạy thực hành là 75 phút được tính bằng một giờ chuẩn".

Khi giáo viên dạy một giờ thực hành (60 phút) thì được quy đổi sang giờ chuẩn bằng 0,8 (bằng 60 phút/ 75 phút) là chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH.

Trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, thiếu sót, vi phạm trên thuộc về lãnh đạo nhà trường. Hiệu trưởng với vai trò là người đứng đầu đã phê duyệt các quy định, quy chế đối với giảng viên, giáo viên đồng thời thiếu kiểm tra, giám sát trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Phòng Đào tạo, Trưởng phòng Đào tạo với vai trò tham mưu các nội dung chuyên môn về kế hoạch và tiêu chuẩn đào tạo, xây dựng quy định, quy chế. Phòng Tổ chức - Hành chính, Phòng Kế toán - Tài chính chưa sâu sát trong phối hợp thực hiện công tác, tham mưu xây dựng quy định, quy chế. Ban Thanh tra Nhân dân, Bộ phận khảo thí, Bộ phận đảm bảo chất lượng giáo dục trong thực hiện chức trách kiểm tra, giám sát.

Trung Dũng