CEO Trần Bảo Minh ứng phó thế nào trước bão tin đồn?

24/10/2012 06:57
Thành Chung
(GDVN) - Theo CEO Trần Bảo Minh, trước những tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín, các doanh nghiệp lại càng phải đặt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nữa cho quá trình sản xuất, nguyên liệu, sản phẩm đầu ra của mình...

Đồng thời phải phối hợp với Hiệp hội, các cơ quan chức năng đưa ra những thông điệp chính thức bảo vệ sản phẩm...
Theo CEO Trần Bảo Minh, những tin đồn xuất hiện trong thời gian qua như sữa có đỉa, sữa giả, đến hàng loạt các sản phẩm tiêu dùng khác như bim bim, trứng, thịt... cũng bị phao tin đồn có đỉa... rõ ràng là sự bôi nhọ doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hoang mang cho người tiêu dùng. Dù tin đồn đó xảy đối với doanh nghiệp A hay B, C... thì đều có ảnh hưởng, nhằm phá hoại nền kinh tế, xã hội của nước ta.
CEO Trần Bảo Minh đã chính thức đầu quân về sữa Ba Vì.
CEO Trần Bảo Minh đã chính thức đầu quân về sữa Ba Vì.

"Thực tế hiện nay có hai dạng thông tin, đó là những thông tin chính thức và thông tin không chính thức. Thông tin chính thức là những thông tin từ bạn đọc hoặc người tiêu dùng khi gặp phải sản phẩm bị hư hoặc lỗi họ phản ánh, gửi thư đến nhà sản xuất, đến cơ quan báo chí. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải có sự phản hồi, phải giải thích rõ ràng, minh bạch những thắc mắc về sản phẩm, về lỗi mà sản phẩm gặp phải đối với người tiêu dùng. Và dù sai ở quy trình nào cũng phải xin lỗi khách hàng một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, những dạng thông tin theo kiểu tin đồn như hiện nay thì đó là thông tin không chính thức, thông tin một chiều. Và thực tế, doanh nghiệp nhiều khi rất khó biết được việc thông tin sản phẩm của mình đang bị bêu xấu ở một nơi nào đó để giải quyết, giải thích bởi vì nó chỉ được đăng tải trên cộng đồng mạng hoặc qua truyền miệng với nhau, rồi cùng kêu gọi mọi người tẩy chay sản phẩm...", ông Minh cho hay. Ông Minh nhấn mạnh: "Khi gặp sự cố tin đồn như thế này, sẽ có những cách xử lý khác nhau nhưng các doanh nghiệp phải lên tiếng mạnh mẽ, bảo vệ uy tín, niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu đơn vị mình. Trước hết, các doanh nghiệp phải quay trở lại xem xét toàn bộ quá trình sản xuất, nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, thiết bị của mình. Nói cách khác, để xử lý tin đồn tốt nhất thì các doanh nghiệp lại càng phải đặt những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho quá trình sản xuất, sản phẩm đầu ra của mình. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất không bao giờ đạt được tuyệt đối an toàn 100% mà sẽ có những lỗi này, lỗi khác nhưng khi có lỗi, có ý kiến phản biện gửi tới thì doanh nghiệp cần phải giải thích rõ ràng, công khai, minh bạch đối với người tiêu dùng.  Đã là thực phẩm, đặc biệt là có những loại thực phẩm còn dùng cho trẻ em thì đạo đức sản xuất, kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu". Đồng thời, ông Minh cũng bày tỏ: "Giải quyết tin đồn này không phải chỉ một mình doanh nghiệp nào đó làm được mà ở đây cần có sự vào cuộc của Hiệp hội, các cơ quan chức năng trong việc đưa ra những thông điệp chính thức bác bỏ các tin đồn và khẳng định, công nghệ sản xuất sữa ở Việt Nam hiện nay đã đạt các tiêu chuẩn khắt khe quốc tế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm". Với câu hỏi làm thế nào để dập tắt tin đồn một cách triệt để, tận gốc, để những thông tin thất thiệt không xuất hiện hay bùng phát, theo ông Minh: "Đối với những tin đồn thất thiệt như vừa qua đó thì việc truy ra, xác định nguồn gốc của tin đồn là việc rất khó và việc để dập tắt được tin đồn một cách triệt để, tận gốc lại càng khó. Điều quan trọng ở đây là các cơ quan chức năng, Hiệp hội cần phải vào cuộc mạnh mẽ để tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người tiêu dùng, cần bình tĩnh, nâng cao cảnh giác với các tin đồn. Khi nhận thức của người tiêu dùng được nâng cao sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu những tin đồn này.  Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp lên tiếng, bác bỏ những thông tin sai trái, khẳng định sự thật về công nghệ sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của sữa Việt Nam hiện nay".
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thành Chung