Thiết bị đa đầu đạn hạt nhân Mk21 của Mỹ |
Tên lửa đạn đạo có gắn MIRV có nghĩa là nó có thể chứa nhiều đầu đạn hạt nhân khác. Khi tấn công mục tiêu, các đầu đạn sẽ tách riêng đánh vào những mục tiêu khác nhau. Vì thế, việc đánh chặn sẽ cực kỳ khó khăn.
Bàn về chủ đề này, trên một bài viết gần đây đăng trên Tạp chí Lợi ích quốc gia Mỹ, biên tập viên Zachary Keck của báo này đã nhận định rằng một cuộc chạy đua chế tạo, biên chế và sử dụng các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn MIRV giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể đẩy sự an toàn của thế giới đứng trước sự đe dọa nghiêm trọng.
Theo Zachary Keck, cuộc đua phát triển MIRV giữa Ấn Độ và TQ còn nguy hiểm hơn cả các chương trình hạt nhân tham vọng của Bắc Triều Tiên và Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Bài viết của Zachary Keck đăng trên Tạp chí Lợi ích quốc gia cũng cho rằng, sở dĩ TQ và Ấn Độ đều tỏ ra rất tham vọng về các chương trình, dự án nghiên cứu, thử nghiệm MIRV bởi nó được xem như một loại vũ khí có thể thay đổi thế và lực của các lực lượng vũ khí hạt nhân của cả hai nước này.
Một khi phát triển được công nghệ MIRV thì nó sẽ cho phép quân đội TQ, Ấn Độ triển khai được nhiều đầu đạn tấn công hạt nhân trên một lần phóng tên lửa khiến đối phương khó có khả năng đánh chặn thành công.
Chỉ cần một quả tên lửa đạn đạo có chứa hệ thống đa đầu đạn MIRV cũng có thể dùng để tiêu diệt nhiều mục tiêu chứa vũ khí hạt nhân quy mô lớn của đối phương.
Khả năng phá hủy của tên lửa gắn MIRV hết sức khủng khiếp bởi nó cho phép tất cả các đầu đạn được phóng ra cùng lao đến một mục tiêu đã được xác định trước.
Trở lại quá khứ, năm 1968, quân đội Mỹ lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo có gắn công nghệ MIRV thì ngay lập tức Liên Xô khi ấy cũng phải tiến hành tăng số lượng các đầu đạn hạt nhân của mình từ 10.000 lên 25.000 trước khi có khả năng triển khai một hệ thống vũ khí có công nghệ MIRV như Mỹ.
Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã sở hữu vũ khí hạt nhân để hình thành năng lực răn đe tối thiểu đối với nhau đồng thời cùng có một chính sách tương tự được áp dụng là "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước đối thủ".
Tuy nhiên, một khi làm chủ được công nghệ MIRV thì kho hạt nhân của hai nước này sẽ được mở rộng một cách hết sức to lớn.
Ở một phân tích khác, nếu Ấn Độ sở hữu được vũ khí hạt nhân công nghệ MIRV thì điều này đồng nghĩa với việc hình thành nên mối đe dọa đối với Pakistan, trong khi đó Trung Quốc cũng có thể là mối đe dọa hạt nhân đối với Nga.
Hiện nay, Nga đã sở hữu một kho vũ khí hạt nhân đồ sộ trong khi đó Trung Quốc lại đang phát triển mạnh kho đầu đạn hạt nhân của mình để thực hiện cho được tham vọng lớn.
Đây cũng có thể là lý do khiến Nga sẽ từ bỏ các khế ước hạt nhân với Mỹ để đảm bảo được khả năng hạt nhân ưu việt của mình trước các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc.