Theo đề án đưa ra, sinh viên học những ngành nói trên sẽ phải chịu mức học phí cao do không có hỗ trợ của Nhà nước.
Kế hoạch phân bổ ngân sách ngành giáo dục 2013 vừa được Bộ GD-ĐT thông qua được chia cho các trường theo 3 nhóm: tự đảm bảo chi phí hoạt động, tự đảm bảo một phần và do nhà nước chi toàn bộ.
Cụ thể, nhóm 1 gồm 7 trường ĐH thuộc khối kinh tế, tài chính phải tự đảm bảo các chi phí hoạt động thường xuyên; Nhóm 2 gồm 37 trường trong đó các trường sư phạm được ngân sách nhà nước đảm bảo từ 60 – 70% chi phí hoạt động thường xuyên; trường ĐH khối văn hoá, thể thao được từ 50 – 70%.
Các trường ĐH khối nông - lâm - ngư từ 30 – 50% và khối công nghệ - kỹ thuật sẽ có 20 – 40% kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Còn lại, 7 trường thuộc khối hữu nghị, trường vùng cao và dự bị dân tộc sẽ được 100% ngân sách hỗ trợ.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012. (Ảnh: Văn Chung) |
Thứ trưởng (Bộ GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, ngân sách phân bổ sẽ còn được tiếp tục điều chỉnh theo hướng cụ thể hơn nhằm tránh lãng phí.
Nhà nước sẽ đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng đầu ra cho những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hoá nhưng đất nước cần gồm: sư phạm, kỹ thuật, nông lâm ngư, nghệ thuật...
Cùng với đó, khối ngành nhưng kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật,…sẽ giảm dần sự hỗ trợ từ ngân sách, cho phép trường tự xác định mức thu học phí từ sinh viên.
Lý giải về sự phân bổ này, PGS.TS Nguyễn Trường Giang – Phó vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp - Bộ Tài Chính phân tích: “Nhóm ngành tài chính, ngân hàng số lượng đào tạo đã dư thừa. Bộ GD ĐT đã chủ trương không mở thêm ngành này nhưng các trường đào tạo cũ vẫn tuyển, xu hướng xã hội chưa định hướng được vẫn ào ạt đăng ký dự thi vào. Chính vì vậy, ngoài quản lý số lượng cần “ép” tự giảm dần chỉ tiêu bằng cách tăng học phí”.
Tới đây, theo ông Giang, sinh viên theo học những khối ngành này sẽ “không được trợ giá” nữa” mà phải đóng toàn bộ học phí. Ngân sách nhà nước sẽ dành hỗ trợ các ngành nông lâm, y dược, kỹ thuật và sư phạm.
Ngành “hot” sẽ chỉ còn cho con nhà giàu?
Em Nguyễn Tiến Mạnh, HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Phúc) tâm sự: “Em thích thi vào Học viện Ngân hàng, sau này có thể làm kinh tế giúp gia đình thoát nghèo. Nếu học phí cao có lẽ em sẽ không theo học được nếu trúng tuyển”.
Đồng quan điểm giáo viên Nguyễn Hoàng Sa, Trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội): “Dù ở thành phố nhưng nhiều học sinh THPT cũng sẽ phải cân nhắc. Tăng học phí khối ngành kinh tế, ngân hàng có thể dẫn tới việc xuất hiện những ngành chỉ dành nhiều cho học sinh giàu và ngược lại, sẽ có ngành bị coi là của người nghèo”.
Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ nêu ý kiến: “Bộ cần tính toán để kiểm soát được việc tự thu học phí của các trường không được hỗ trợ ngân sách. Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi sinh viên theo học”.
Giám đốc Học viện Tài chính Ngô Thế Chi cho biết trường đã xây dựng kế hoạch tự chủ về tài chính trong đó có tính đến phương án tăng học phí. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào phải tính toán để đảm bảo vẫn thu hút được người học.
Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui lo lắng: Nếu khối ngành tài chính, ngân hàng quá nặng về học phí sẽ khó tuyển được dù các trường đã chủ động giảm chỉ tiêu tuyển sinh.
Không chỉ lo lắng vì tổng chỉ tiêu tuyển sinh giảm 50% và phải giữ nguyên trong 2013, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM Ngô Hướng cũng cho rằng: “Lâu nay SV chọn các trường công lập ngoài chất lượng còn có yếu tố học phí thấp. Nay tăng cao, người học đặc biệt là học sinh vùng khó khăn sẽ phải cân nhắc. Còn gia đình có điều kiện, học phí quá cao có thể họ sẽ chọn học ở nước ngoài với điều kiện tốt hơn”.