Trên thao trường, Thiếu úy Nguyễn Duy Khanh, Trung đội trưởng Trung đội 6 Đại đội Xung lực 2 hướng dẫn bộ đội thực hành bài “Mũi đặc công tập kích bí mật địch trong công sự vững chắc”. Anh mở đề bằng một chiến lệ, tường thuật trận đánh Xã Đốc trên sơ đồ. Căn cứ đồn Xã Đốc nằm ở một vùng núi hiểm trở bên dòng sông Tranh, phía tây nam huyện Bắc Trà My (Quảng Nam).
Đêm 27-3-1971, các chiến sĩ Đặc công 409 bí mật tập kích, trong vòng chưa đầy 30 phút đã xóa xổ toàn bộ các mục tiêu, tiêu diệt tại chỗ 350 tên lĩnh Mỹ thuộc Tiểu đoàn 1/46 Lữ đoàn 196 Sư đoàn American. Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, Tiểu đoàn không có trường hợp thương vong và rút lui an toàn. Chiến thắng oanh liệt Xã Đốc đã diệt gọn một tiểu đoàn quân Mỹ cuối cùng trên mảnh đất Khu 5.
“Tập kích bí mật” cũng là chiến thuật góp phần làm nên những chiến công vang dội của “Bốn Lẻ Chín” những năm chống Mỹ: Trận đánh sân bay Chu Lai (Quảng Nam), cứ điểm An Lão (Bình Định), sân bay Aria (Kon Tum)… Cách đặt vấn đề ấn tượng của Trung đội trưởng Khanh đã gây hiệu ứng tích cực, thu hút sự tập trung cao độ của chiến sĩ vào bài tập.
Từng tổ vận động qua các loại địa hình, khắc phục các vật cản trở: hàng rào thép gai, mìn, cây đổ… bí mật tiếp cận mục tiêu (ụ súng, lô cốt địch) nổ súng tấn công và hiệp đồng lui quân. Trung sĩ Nguyễn Văn Dưỡng hãnh diện: “Hai năm làm chiến sĩ đặc công đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tác phong nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai, hiệp đồng ăn ý hơn với đồng chí, đồng đội. “Khổ luyện” trên bãi tập chính là “chìa khóa vạn năng” để bộ đội đặc công “đánh hiểm thắng lớn”.
Huấn luyện kỹ thuật khắc phục hàng rào thép gai lò xo |
Để đáp ứng với cường độ huấn luyện cao, Tiểu đoàn duy trì có nền nếp các hoạt động bổ trợ: vượt vật cản, chạy vũ trang, xà đơn xà kép, bơi, bóng đá, bóng chuyền, cầu mây, cầu lông; hành quân xa mang vác nặng, ăn ở dã ngoại dài ngày… Đó cũng là bí quyết làm nên thương hiệu của “Bốn lẻ chín” trong các kỳ hội thao. Hiện nay đơn vị có 10 quân nhân góp mặt trong đội tuyển Quân khu chuẩn bị đua tài tại Hội thao TDTT toàn quân năm 2011.
Binh nhất Trần Văn Khoa bộc bạch: “Do đặc thù nhiệm vụ, bộ đội đặc công thường chiến đấu trong lòng địch. Để xứng danh binh chủng “Đặc biệt tinh nhuệ”, chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày. Qua đó, mỗi người được cọ xát, bộc lộ sở trưởng, phát huy khả năng tiềm ẩn. Chẳng hạn như binh nhì Lãnh Văn An vừa huấn luyện chuyển binh chủng 3 tháng, trước chưa biết bơi, vậy mà chỉ sau qua 1 tuần tập đã bơi được 6km”.
Đại úy Trương Quang Thuận, Chính trị viên Tiểu đoàn 409 khẳng định: “Huấn luyện giỏi là tiền đề bảo đảm cho đơn vị “đã ra quân là đánh thắng”. Những năm qua, Tiểu đoàn luôn làm tốt công tác chuẩn bị, thực hành huấn luyện đúng, đủ nội dung chương trình quy định, chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho bộ đội.
Nhằm trang bị cho quân nhân những kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu, Tiểu đoàn đưa các chiến lệ vào huấn luyện, tổ chức các buổi kể chuyện truyền thống, giao lưu với CCB đặc công thời chống Mỹ. Đồng thời, thường xuyên chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng “Hũ gạo tình thương” hỗ trợ gia đình quân nhân khó khăn, đẩy mạnh tăng gia sản xuất đưa vào ăn thêm 1.600đồng/người/ngày…
Năm 2009, tại Hội thi Đại đội trưởng, Chính trị viên đại đội đặc công giỏi toàn quân, đơn vị đã giành giải ba toàn đoàn, lập kỷ lục mới về bắn K54 bài 1. Từ năm 2007-2009, “Bốn Lẻ Chín” được công nhận huấn luyện giỏi. Năm nay Tiểu đoàn quyết giữ vững danh hiệu này, viết tiếp chiến công đơn vị anh hùng LLVTND trong thời kỳ mới.