Theo số liệu cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.000 tỷ USD (chiếm khoảng 20% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Tại thị trường Đức thì cho vay tiêu dùng cũng chiếm tới 7,3% GDP; con số này ở Anh là gần 14% GDP; Ở Pháp là khoảng 7% GDP… Còn ở châu Á, Malaysia là quốc gia đã đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng rất ấn tượng, với 24% GDP (chưa bao gồm cho vay thế chấp nhà ở).
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là tại Việt Nam sau 10 năm gần đây, cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng hơn 5% GDP – một con số quá khiêm tốn đối với tiềm năng và lợi thế của nền kinh tế Việt Nam.
Để làm rõ hơn những tiềm năng cũng như yếu kém của thị trường tài chính tiêu dùng, phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Tú - Phó trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia.
ông Đặng Ngọc Tú - Phó trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia. ảnh: Huệ Nguyễn. |
- Thị trường tín dụng tiêu dùng trong nước những năm qua đã chứng kiến sự gia tăng ngày một mạnh mẽ của các khách hàng cá nhân. Bản thân ông đánh giá như thế nào về thị trường này?
Ông Đặng Ngọc Tú: Với dân số đông tới 90 triệu người, trong đó khoảng 53 triệu người ở độ tuổi lao động, hơn 52 triệu người có việc làm, 37,8 triệu người làm công ăn lương (ước khoảng 1/3 số này là lao động có mức thu nhập đáp ứng điều kiện là đối tượng của tín dụng tiêu dùng), tôi cho rằng đây thực sự là nguồn cầu tiềm năng rất lớn đối với loại hình dịch vụ này.
Mặc dù có mức phát triển nhanh trong mấy năm qua, với mức tăng trưởng tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trung bình đạt 20%/năm, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP đạt 6,4%, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 5,6% tổng tín dụng, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng đạt 7,3%, song mức dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn quá thấp so với trung bình trên thế giới.
Bởi vậy, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện được xem là thị trường đầy tiềm năng và hoàn toàn có thể phát triển do có nhiều ưu việt như: thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp, chỉ cần chứng minh được khả năng trả nợ...
- Theo ông, các dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay đã thực sự làm hài lòng người dân chưa, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Tú: Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại và công ty tài chính luôn đa dạng hóa sản phẩm cho vay tiêu dùng bằng nhiều sản phẩm thiết kế dành cho các khách hàng cá nhân có thu nhập thường xuyên, ổn định... với chính sách cho vay hấp dẫn.
Ông Trần Du Lịch: “Đã cởi thì không nên trói lại” |
Có những nơi, khách hàng có thể được vay tới 10, 15 tháng, thậm chí tương đương 20 tháng thu nhập, với số tiền từ 200-500 triệu đồng.
Thủ tục vay cũng rất đơn giản, thuận tiện như chỉ cần có chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận lương tối thiểu.
Tôi cho rằng, các dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay đã rất đang dạng và đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân.
Nhưng ở chiều ngược lại thì người vay cũng phải có trách nhiệm thực sự với quyết định của mình, chứ không thể cứ vay rồi tìm mọi cách để không trả nợ. Trong vay tiêu dùng, mà nhất là vay tín chấp thì yếu tố chữ tín được đặt lên hàng đầu, khi chữ tín không được bảo đảm thì các tổ chức tín dụng sẽ buộc phải siết chặt quy trình và dịch vụ.
Tốc độ phát triển cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn quá chậm, và đây là thị trường rất tiềm năng cho các tổ chức tín dụng. ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp. |
- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tín dụng tiêu dùng đối với kinh tế - xã hội nói chung và đối với mỗi gia đình nói riêng?
Ông Đặng Ngọc Tú: Có thể thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay có vai trò rất tích cực đối với kinh tế - xã hội cũng như đối với mỗi gia đình. Với từng người, từng nhà, loại hình tín dụng này đã hỗ trợ khá nhiều khách hàng chưa có tài sản tích luỹ có thể mua sắm, trang trải các chi phí… rất nhiều trường hợp khó khăn về tài chính không vay mượn được của người thân, nhưng đã được xử lý ngay khi đến với dịch vụ vay tiêu dùng.
Đó là cách tư duy văn minh, tức là vay để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của công việc, của cuộc sống căn cứ trên thu nhập có thể trả, và khi có áp lực trả nợ thì người đi vay sẽ nỗ lực làm việc tốt hơn.
Còn ở góc độ phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển dịch vụ tín dụng tiêu dùng này đã góp phần giảm bớt nạn “tín dụng đen”, hình thành thị trường tín dụng đa dạng sản phẩm, đem lại nhiều lựa chọn cho người dân. Hơn nữa, nó còn góp phần kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất trong nước, thúc đẩy hoạt động bán lẻ.
- Vậy theo ông, Nhà nước cần làm gì để thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển?
Ông Đặng Ngọc Tú: Nhu cầu và tiềm năng tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn, mở ra cơ hội mới cho các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại. Vì vậy, Nhà nước cần ban hành thêm các chính sách cho phát triển tín dụng tiêu dùng để tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận kênh tín dụng chính thức, không phải vay mượn từ các tổ chức tín dụng (TCTD) phi chính thức.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng cần quan tâm đến việc phát triển thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng, với các gói tín dụng phù hợp với khách hàng hơn, vì phần lớn người lao động có thu nhập chưa thật cao, sự ổn định trong thu nhập cũng là một vấn đề khó khăn với họ, do đó dịch vụ cần gần gũi và phù hợp với mức thu nhập thì người lao động càng dễ tiếp cận hơn.
Khi tín dụng tiêu dùng phát triển cũng có nghĩa là các kênh thị trường hàng tiêu dùng phát triển theo, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng có sự tăng trưởng ổn định, người lao động giữ được việc làm, đời sống ổn định và tốt dần lên.
Đó là một vòng quay có tính logic, sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng không đơn thuần là tăng trưởng cho các tổ chức tín dụng mà còn mang lại lợi ích lớn cho xã hội.
- Trân trọng cảm ơn ông!