Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam 2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thu hút cộng đồng gần 600 doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Trong đó có những doanh nghiệp lớn tiêu biểu ở từng lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, tài chính ngân hàng…
Được nêu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, thúc đẩy doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 - ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Chính phủ. |
4 nhiệm vụ then chốt
Theo Chủ tịch BIDV, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ ra nhiệm vụ “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đồng thời khẳng định, yêu cầu “Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa".
Điều đó cho thấy sự nhìn nhận, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với các doanh nghiệp, cũng như niềm tin và sự kỳ vọng đối với vai trò của các Doanh nghiệp Việt Nam thực sự là “Động lực phát triển kinh tế đất nước” trong giai đoạn 2016-2020 tới đây.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 3.200 - 3.500 USD.
Mục tiêu kinh tế được chỉ rõ nhưng trong bối cảnh kinh tế 4 tháng đầu năm 2016 cho thấy chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức, GDP có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, Quý 1 chỉ tăng 5,46% (so với 6% năm 2015); Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 7,3% (so với mức 9,4% cùng kỳ năm trước); 6 tháng đầu năm GDP dự báo tăng khoảng 5,7-5,8%, chỉ số sản xuất công nghiệp dự báo tăng khoảng 7,5%, CPI sẽ ở mức 2,5-3%.
Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà. |
“Theo đó, để đạt mức tăng trưởng 6,7% năm 2016, GDP quý 3 và 4 phải đạt mức tăng trưởng 7,2-7,4%; SXCN phải tăng khoảng 9%; và CPI có thể tăng vượt mức 3% (khoảng 3,5-4%). Đạt được mức tăng này không phải dễ dàng”, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà nhận định.
Để hoàn thành mục tiêu được Đại hội XII nêu ra, theo Chủ tịch BIDV cần thực hiện 4 nhiệm vụ then chốt: Thứ nhất, Cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Cụ thể, các cơ chế cần được thể chế hóa bằng Luật, nhưng cần đảm bảo phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế cũng như các FTA Việt Nam đã ký kết; để đến năm 2018 Việt Nam chính thức được công nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp, hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là về nhân lực/lao động, tài chính, Khoa học Công nghệ, thương mại, khởi nghiệp...
Thứ hai, phải đẩy mạnh việc minh bạch, công khai, thực hiện niêm yết công khai các quy định, chính sách, thiết lập các cổng thông tin điện tử, đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính điện tử. Quy định cụ thể thời gian tối đa đối với các thủ tục hành chính và trách nhiệm trực tiếp của người thực thi, có chế tài cụ thể xử phạt hành chính bằng tiền, thi hành kỷ luật đối với các hành vi sách nhiễu, hạch sách, tự đưa ra các quy định.
Đối với những tố cáo, khiếu nại chính đáng của người dân, doanh nghiệp, người đứng đầu đơn vị phải trực tiếp xử lý một cách khách quan, trung thực công khai.
Thứ ba, từng bước hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế tư nhân của quốc gia..
Thứ tư, cần đổi mới trong tư duy hợp tác kinh doanh phát triển. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ “Thắng – Thua” sang “Hai bên cùng thắng” (Win – Win” trên quan điểm vừa hợp tác vừa cạnh tranh, tăng cường liên kết – kết nối, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, văn hóa ... mở rộng quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin thị trường những vẫn đảm bảo tính cạnh tranh.
Nhóm giải pháp
Trước những yêu cầu trên, Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà đưa ra đề xuất nhóm giải pháp cụ thể và cam kết đồng hành, hỗ trợ đối với các Doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch BIDV, đầu tiên quan trọng chính là nhóm giải pháp tăng cường cung ứng vốn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP.
Chủ tịch BIDV cho biết, đến hết năm 2015, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đạt 4.667 nghìn tỷ đồng tương đương với 100% GDP (so với mức bình quân ASEAN khoảng 70%GDP). Đồng thời, trong 1.367,2 nghìn tỷ tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2015, ước tính đến 48% là từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, dòng vốn tín dụng có vai trò vô cùng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Theo tính toán, để GDP tăng trưởng ở mức 6,5-7% như mục tiêu (năm 2016 là 6,7%) thì nguồn vốn tín dụng cần tăng ở mức 16-18%. Để đạt mục tiêu này, cần có những biện pháp bổ sung để tăng cường nguồn vốn đầu tư phát triển.
Thủ tướng Chính phủ: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế(GDVN) - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng, và tinh thần lớn nhất vẫn là “không hình sự hóa quan hệ kinh tế". BIDV giảm lãi suất cho vay VND(GDVN) - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VNĐ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. |
Muốn tăng cường nguồn vốn theo ông Hà cần phải tiếp tục xem xét giải pháp gia tăng vốn đầu tư và giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% - 1%.
Hiện mức lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam là 8,5%/năm, mức lãi suất này chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%), và cao hơn các nước trong khư vực Asean (đang ở mức khoảng 6-7%/năm), do đó bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC (Cộng đồng kinh tế Asean).
Để giảm mức lãi suất cho vay xuống từ 0,55 - 1% so với mức lãi suất hiện nay theo ông Trần Bắc Hà Ngân hàng Nhà nước cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức hiện nay là 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng 1 mức là 1%, riêng tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn có thể xem xét ở mức 3%.
Khi giảm tỷ lệ dự trữ có thể giải phóng thêm ngồn vốn tín dụng cho nền kinh tế khoảng 100.000 tỷ đồng.
Cùng với đó Chính phủ cần xem xét giảm kế hoạch phát hành Trái phiếu chính phủ ở mức khoảng 10%. Bù đắp cho phần thiếu hụt này bằng cách siết chặt đầu tư công và khoản chi thường xuyên của ngân sách. Đồng thời, tăng cường phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn, đồng thời đẩy nhanh xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm vốn để phục vụ doanh nghiệp.
Về phía các tổ chức tín dụng, theo ông Hà cần thực hiện tiết giảm chi phí quản lý hoạt động. Đẩy nhanh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém còn lại nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất huy động vốn không lành mạnh (khiến mặt bằng lãi suất cho vay chịu áp lực tăng).
Mặt khác các ngân hàng thương mại tạo điểu kiện tiếp cận vốn nhưng các doanh nghiệp cần đảm bảo các điều kiện theo quy định về cho vay như tài sản đảm bảo, kế hoạch, phương án kinh doanh; báo cáo tài chính kiểm toán…
Với vai trò tiên phong, Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà cho biết: Trong khi chờ đợi các chính sách từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, BIDV cam kết ngay từ hôm nay (29/4/2016) sẽ thực hiện giảm 0,5% lãi suất đối với các khoản vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, và mức cho vay trung và dài hạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tối đa không quá 10%.
Như vậy BIDV sẽ giảm doanh thu khoảng 400 – 450 tỷ đồng để chia sẻ, hỗ trợ các Doanh nghiệp.
Cùng với giải pháp tăng cường cung ứng nguồn vốn, ông Hà cũng nêu ra 4 nhóm giải pháp khác. Ở nhóm giải pháp xử lý triệt để vấn đề nợ xấu, BIDV cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định về thị trường mua bán nợ và tài sản theo hướng gỡ bỏ tối đa các rào cản, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân có thể tham gia vào thị trường mua bán nợ.
Cần có cơ chế đặc thù cho VAMC, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng cầm cố trái phiếu VAMC để vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Với nhóm giải pháp tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tài chính, BIDV tính toán, để tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%/năm thì tăng trưởng tín dụng cần ở mức 16-18% và để đạt mức tăng trưởng tín dụng này thì tăng trưởng vốn tự có của các ngân hàng phải ở mức 19-22%, mới đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR).
Điều này không khả thi đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước do từ năm 2013 các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối không được sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế hàng năm để tăng vốn (3 năm nay BIDV xin phép nhưng chưa được chấp thuận, lợi nhuận sau thuế đều chi cổ tức bằng tiền và chuyển về ngân sách nhà nước.
Để giải bài toán này BIDV đề xuất: Chính phủ và các bộ ngành đồng thuận nhất quán trong chính sách cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước để lại cổ tức, thặng dư cho chuyển nhượng phần sở hữu của Nhà nước, thặng dư từ các khoản thoái vốn đầu tư làm nguồn tăng vốn cho ngân hàng.
Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại sở hữu nhà nước, hiện đang ở mức 65% và trong lộ trình 5 năm tới giảm về mức 51%.
Riêng với những tổ chức tín dụng gặp khó khăn về tài chính, BIDV đề nghị Chính phủ coi đây như khoản đầu tư dưới hình thức là bơm một phần vốn tạm thời từ nguồn lợi nhuận để lại của Nhà nước để đảm bảo các tổ chức tín dụng này đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn.
Chủ tịch BIDV cũng đề xuất nhóm giải pháp phát hành Trái phiếu Chính phủ hàng hóa để tăng thêm nguồn vốn.