Câu chuyện Mobifone và áp lực xây dựng thị trường cạnh tranh
“Việt Nam có từ 3 – 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh, phát triển bền vững theo đúng quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt”, là một trong những định hướng quan trọng của bộ Thông tin và truyền thông trong tờ trình số 55 ngày 27/9/2013 gởi Chính phủ về việc “tái cơ cấu tập đoàn Bưu chính và viễn thông Việt Nam (VNPT) gắn liền tái cơ cấu thị trường viễn thông để hình thành một thị trường viễn thông lành mạnh”.
Để thực hiện những mục tiêu trên, trong lần tái cơ cấu VNPT này, bộ Thông tin và truyền thông đang lấp lửng thông tin: hoặc là tách Mobifone hoặc là tách Vinaphone thành một tổng công ty viễn thông độc lập để tạo thế chân vạc trên thị trường viễn thông: Mobifone – Viettel – Vinaphone hiện đang chiếm 95% thị phần di động Việt Nam.
Viettel hiện là doanh nghiệp mạnh, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nếu được cổ phần hoá, doanh nghiệp này sẽ hoạt động hiệu quả hơn nữa. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Ngó lơ chuyện cổ phần hóa
Trong đề án của bộ Thông tin và truyền thông về tái cơ cấu VNPT, lãnh đạo bộ nghiêng về hướng tách Mobifone thành tổng công ty viễn thông trực thuộc bộ mà không đề cập đến chuyện cổ phần hoá tổng công ty này như thế nào.
Thế nên, trong toạ đàm vào chiều ngày 14/2/2014 do câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin (trực thuộc hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông (nay là bộ Thông tin và truyền thông) đề nghị: “Nếu tách Mobifone ra khỏi VNPT phải gắn liền với việc cổ phần doanh nghiệp này. Tránh chuyện tách Mobifone thành tổng công ty nhà nước. Nếu ba doanh nghiệp viễn thông lớn nhất đều là doanh nghiệp nhà nước thì thị trường sẽ khó cạnh tranh lành mạnh”.
Chiều qua, 16/2/2014, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Đình Chiến, phó tổng giám đốc Mobifone, xác nhận: “Chưa có thông tin mới về số phận Mobifone”.
Làm sao có cạnh tranh?
Ông Trực cho rằng, hiện nay, dù giao cho các tập đoàn quản lý nhưng cả ba mạng Mobifone – Vinaphone và Viettel đều cùng chung một chủ sở hữu: đó là Nhà nước. Nghĩa là có cạnh tranh nhưng chỉ là hình thức, khi khó khăn, chủ sở hữu đó lại ra những quyết định hay can thiệp vào nội bộ của ba doanh nghiệp đó.
Ông Trực ví von: “Ông bố (Nhà nước) cho ba đứa con (ba doanh nghiệp trên) ra ở riêng nhưng vẫn can thiệp vào vấn đề nội bộ của từng đứa con, kể cả vấn đề tài chính vì ông bố vẫn làm chủ tài sản của cả ba người con. Gọi là cạnh tranh cho sang nhưng thực chất là chưa có cạnh tranh gì cả”. Cũng theo ông Trực, khi cả ba doanh nghiệp đều cùng chung sở hữu nhà nước “sẽ không chú trọng đến tính hiệu quả”. Ông dẫn chứng, doanh nghiệp nào, VNPT, Viettel đều xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường trục, sắp tới khi Mobifone được tách ra lại xây dựng đường trục... lãng phí tài sản của nhà nước. “Nếu là doanh nghiệp tư nhân, hoạt động kinh doanh sẽ chú ý đến hiệu quả cao nhất có thể”, ông Trực khẳng định.
TS Võ Trí Thành, viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chuyển dịch của thị trường viễn thông Việt Nam từ nhiều năm qua “rất ì ạch”. “Trong hiệp định TPP có nhiều khía cạnh liên quan đến công nghệ thông tin – viễn thông, trong đó có cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, đấu thầu, cải cách doanh nghiệp nhà nước… Vì vậy, việc tái cấu trúc, cải cách thị trường viễn thông, tái cấu trúc các doanh nghiệp viễn thông không chỉ có giá trị với từng doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa sống còn với sự phát triển đất nước”, ông Thành phân tích.
Ông Thành ủng hộ quan điểm “phải cổ phần hóa Mobifone (hoặc Vinaphone – PV) để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, công nghệ tốt mới gây áp lực cạnh tranh cho hai doanh nghiệp còn lại”. Với mô hình của Viettel, theo ông Thành, cần phải tách bạch rõ ràng phần việc nào là công ích (an ninh quốc phòng), phần việc nào là thuần tuý thương mại để tư nhân hoá, tạo sức cạnh tranh cho tập đoàn viễn thông đang giữ vai trò dẫn đầu của thị trường viễn thông Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, lâu nay các doanh nghiệp viễn thông “quên” áp lực cạnh tranh từ phía người tiêu dùng và luật Bảo vệ người tiêu dùng, nên chưa tạo ra những đòn cạnh tranh đúng nghĩa. “Nếu tư nhân hoá các doanh nghiệp viễn thông, các ông chủ sẽ chú trọng nhiều hơn đến phản ứng của người tiêu dùng vì đây là khách hàng quan trọng của họ. Lợi ích của người tiêu dùng không phụ thuộc vào đức hạnh của doanh nghiệp mà phụ thuộc mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường”, ông Thành phân tích thêm.
Để có lợi ích nhiều mặt...
Từ pháp lệnh Bưu chính viễn thông rồi đến luật Viễn thông, theo nhiều chuyên gia viễn thông, xác định rất rõ luật chơi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thế nhưng trên thực tế, vì chủ sở hữu của ba doanh nghiệp chiếm tới 95% thị phần mà có nhiều văn bản hành chính “phi thị trường”. Chính những văn bản hành chính này đã làm méo mó tính cạnh tranh của khái niệm thị trường. Việc EVN Telecom sáp nhập vào Viettel là hệ quả của một quyết định hành chính “phi thị trường”. Có thể Viettel được lợi về tần số nhưng trước mắt tập đoàn này phải gánh những khoản nợ của EVN Telecom. Theo ông Trực, lẽ ra nên cho các doanh nghiệp viễn thông đấu thầu trường hợp này.
Theo ông Thành, phải sửa đổi luật Cạnh tranh và quyền lực của người quản lý cạnh tranh mới tạo ra sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như tiến trình cổ phần hoá trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực viễn thông. Hiện nay, luật Cạnh tranh xác định rõ doanh nghiệp không được bán dưới giá thành nhưng như thế nào là “dưới giá thành” lại còn tuỳ thuộc vào chiến lược kinh doanh, công nghệ, thời gian khai thác của từng doanh nghiệp. Giám đốc kinh doanh của một nhà mạng nói rằng, đã nhiều lần chứng minh giá thành là “a” nhưng nhà quản lý không chấp nhận nên họ phải bán sản phẩm với giá “a+1...” đã làm sức cạnh tranh của nhà mạng yếu hẳn.
Năm 2020, chủ sở hữu nhà nước chỉ còn nắm giữ 100% doanh nghiệp nhà nước đặc thù như an ninh, quốc phòng... “Cổ phần hóa, bên cạnh việc minh bạch hoá, thu hút nguồn vốn còn phải thay đổi cung cách quản lý, kỹ năng quản lý, chuyển giao công nghệ. Với thị trường viễn thông, đó là những yếu tố vừa tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa tạo cơ hội phát triển. Người tiêu dùng sẽ có lợi nhiều hơn”, ông Thành nhấn mạnh.