Tại tỉnh Đồng Nai, phí BTĐB được thu song song với phí đăng kiểm khi tài xế, chủ xe đến làm thủ tục đăng kiểm. Phí được thu theo thời gian của chu kỳ đăng kiểm (3 tháng, 6 tháng… đến 30 tháng) của phương tiện. Biểu thu phí các loại ô tô, rơ-moóc có 11 mức. Mức thấp nhất (ô tô dưới 10 chỗ) là 130.000 đồng/tháng và mức cao nhất (xe tải, ô tô chuyên dùng trên 27 tấn) là 1 triệu đồng/tháng; mức thu đối với ô tô của lực lượng quốc phòng, công an dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/năm/phương tiện.
Các trạm đăng kiểm ở Hà Nội đều đóng cửa trong ngày 1/1 (Ảnh chụp tại Trạm Đăng kiểm xe cơ giới 29.03S). Ảnh: NGUYỄN QUYẾT |
Trạm thu phí T1 trên Quốc lộ 51 (từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu) triển khai thu với mức thu thấp nhất là 20.000 đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và xe buýt công cộng; mức thu cao nhất là 160.000 đồng/lượt đối với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container loại 40 feet.
Nhiều người dân vẫn dửng dưng, thậm chí chưa nắm được thông tin về việc đóng phí BTĐB. Chị Vũ Phương Thùy (ngụ thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai - Bạc Liêu) ngạc nhiên: “Thu phí BTĐB? Nói thật, giờ tôi mới được nghe!”. Anh Nguyễn Minh Đương (ngụ xã Tắc Vân, TP Cà Mau) bày tỏ: “Tôi có nghe nói nếu đến ngày 1/1/2013, phương tiện tham gia giao thông không đóng phí sẽ bị phạt nhưng đến bây giờ tôi không thấy ai kêu đóng phí và bản thân tôi cũng không biết phải đóng ở đâu”.
Trong khi đó, ông Trương Đắc Đoan, chủ quán cà phê Nhân ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa - Hà Nội, băn khoăn rằng với việc thu phí này, cán bộ phường không thể thu được vì xe máy giờ không chính chủ rất nhiều, nếu phường đến thu mà người dân nói đây là xe mượn thì làm sao thu?
Tại TPHCM, khi được hỏi về trách nhiệm thu phí BTĐB, nhiều tổ trưởng tổ dân phố tỏ ra ngạc nhiên, cho biết chưa nghe ai nói đến hay triển khai bất cứ thông tin nào liên quan. Ông Trần Bá Lâm, tổ trưởng tổ 9, ấp 3A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, nói: “Cho dù được phân công đi nữa, tôi thấy việc này chẳng khả thi chút nào.
Tổ trưởng có quyền hành, nghiệp vụ gì về thuế, phí đâu mà đi thu từng nhà”. Còn theo bà Thái Thị Mười, tổ trưởng tổ 12 của xã này, nếu thực hiện thì cấp trên phải xuống địa bàn, tổ chức họp toàn dân cư trong tổ để thông báo, giải thích rõ về mức tiền phải đóng, công khai phân nhiệm cho người đi thu và phải có biên lai, biên nhận đàng hoàng. “Bây giờ mà bảo chúng tôi đến nhà dân thu phí BTĐB thì dân họ chửi cho. Đâu phải ai cũng đọc báo mà biết có cái loại phí đó” - bà Mười nhận định.