Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán.
Sau khi nghe các báo cáo, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật là người đầu tiên bấm nút phát biểu đã nói thẳng, việc gì trái hiến pháp, pháp luật thì không ai có quyền cho phép.
“Báo cáo của các đồng chí rất hay, nhưng nhận định thì có vấn đề. Chúng tôi đề nghị xem lại con số. Tại sao tài chính của chúng ta mấy năm trở lại đây cứ đến tháng 5 thì bảo có thể không thu đủ ngân sách, đến tháng 9 lại bảo thu đủ, tháng 10 Quốc hội họp thì thu vượt?
Nguồn thu chủ yếu từ dầu thô, từ 90 USD giảm đến 30 USD/thùng mà chúng ta vẫn vượt, vượt nhiều như vậy. Có phải tăng sản lượng, bán rẻ?”.
Cũng theo ông Phan Trung Lý, báo cáo của Ủy ban Tài chính đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong báo cáo chi ngân sách, trong đó có những con số không minh bạch, rất cần phải làm rõ.
“Có những con số không báo cáo, có những trường hợp đáng lẽ phải báo cáo nhưng không báo cáo. Đấy là chưa tính đến ODA, ngoại hối thế nào chưa báo cáo. Tôi cho rằng nếu tính đến thì có khi còn giật mình.
Tôi tha thiết phải đúng hiến pháp, đúng luật, không du di, không thể nếu như thế này, nếu như thế kia. Chúng ta chỉ có một quyền, đó là đúng hiến pháp và đúng luật”, ông Lý nói.
Ông Phan Trung Lý đề nghị cần phải siết chặt quản lý chi ngân sách nhà nước. ảnh: TTXVN. |
Đề cập tới vấn đề sử dụng ODA, Chủ tịch Quốc hội - bà Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, theo báo cáo của Chính phủ nguồn vay ODA thực hiện giải ngân năm 2014 đạt hơn 5,6 tỷ USD, trong đó khoảng hơn 40% được đưa vào ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển, tăng rất cao so với dự toán.
Theo điều 49 luật ngân sách hiện hành và theo nghị quyết 78 của Quốc hội: Trường hợp giải ngân vốn ODA vượt dự toán, Chính phủ phải báo cáo Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện. Như vậy là Chính phủ thực hiện trước rồi báo cáo. Nhưng Quốc hội thì yêu cầu báo cáo trước khi thực hiện.
Thông tin về tình hình tài chính ngân sách, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, qua kiểm tra cho thấy quản lý thuế còn sơ hở, việc xử lý các vi phạm còn khiêm tốn, áp dụng chế tài chưa đủ răn đe nên thất thu ngân sách còn nhiều.
Tình trạng khai man, gian lận, trốn thuế xảy ra ở hầu hết các doanh nghiệp được thanh tra, kiểm toán; tình trạng chuyển giá trốn thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ở khu vực ngoài quốc doanh ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp khó kiểm soát.
Tình trạng tiếp tay cho các vi phạm về thuế vẫn tồn tại và chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; nhiều vụ việc trốn thuế, vi phạm trong xử lý hoàn thuế phải chuyển cơ quan Công an điều tra theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không đủ tiêu chuẩn mà ép đưa lên thì hỏng |
Đã chuyển 1.826 hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra liên quan đến việc trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Công tác quản lý, hạch toán thu một số địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Quảng Ngãi còn biểu hiện chưa tốt, chuyển số thu sang niên độ ngân sách năm sau làm sai lệch thực chất số liệu quyết toán ngân sách nhà nước.
Cục thuế và Kho bạc nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi chuyển một số khoản thu thuộc niên độ ngân sách nhà nước 2014 sang niên độ ngân sách nhà nước 2015 số tiền 5.650,7 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc, qua quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 còn nổi lên nhiều vấn đề cần lưu ý:
Một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa thực sự căn cứ vào nhiệm vụ thực tế, giao dự toán chi đầu tư phát triển không phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện, sai nội dung nguồn vốn đầu tư, xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư ngoài nước chưa phù hợp...
Do đó khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí, giải ngân nguồn vốn ODA tăng cao, gây mất cân đối ngân sách nhà nước.
Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm.
Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng.
Việc xử lý sai phạm còn chưa nghiêm, áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên tính răn đe chưa cao, tái phạm với mức độ lớn.
Không ít công trình ở nhiều địa phương chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư hạn chế, phải thay đổi quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, nên không thể giải ngân theo kế hoạch vốn được giao hoặc kế hoạch vốn được giao nhưng chưa phân bổ được, thời gian thực hiện kéo dài gây lãng phí và kém hiệu quả.
Chưa thực sự chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư như: chưa phân bổ, tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách theo trật tự ưu tiên để hoàn thành đúng thời gian quy định; phân bổ vốn không hợp lý dẫn đến một số dự án phải chuyển nguồn lớn, trong khi một số dự án quan trọng lại thiếu vốn để hoàn thành và nợ vốn xây dựng cơ bản lớn.
Một số địa phương còn tình trạng cho vay, tạm ứng sai quy định hoặc kéo dài nhiều năm chậm thu hồi. Thường trực Uỷ ban tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Thường trực Uỷ ban tài chính ngân sách nhận thấy trong 8 lĩnh vực chi thường xuyên, có 4 lĩnh vực không đạt dự toán (phòng, an ninh; chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề; chi dự nghiệp khoa học, công nghệ; chi lương hưu và bảo đảm xã hội).
Một số khoản chi quan trọng trong dự toán được Quốc hội quyết định mặc dù đã có tiến bộ nhưng nhiều năm thực hiện vẫn không đạt dự toán như: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề bằng 99,8% dự toán; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ bằng 91,5% dự toán, cần sớm được khắc phục.
Tình trạng chi ngân sách nhà nước chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức vẫn nhiều nhưng chưa được khắc phục triệt để.