Tại thời điểm này (26/4) gần như 63 tỉnh thành trong cả nước đã có lịch cho học sinh đi học trở lại.
Học sinh lớp 1 muốn đọc thông viết thạo phải cần khá nhiều thời gian để kèm cặp (Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo trung ương) |
Chúng tôi nhận thấy, thời gian đi học sớm nhất chủ yếu là học sinh lớp 9 và lớp 12. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu, học sinh hai khối lớp này đang chuẩn bị bước vào những kỳ thi quan trọng có tính chất quyết định cho tương lai học hành của mình.
Dù thế nào thì mục đích cũng chỉ là phục vụ cho kỳ thi. Trong khi đó, việc trang bị kiến thức làm hành trang vững chắc cho cả một quá trình học tập sau này lại không được chú trọng nhiều. Chúng tôi muốn nói đến những học sinh lớp 1 gần như đang bị lãng quên.
Vì sao nói chúng ta đang bỏ quên học sinh lớp 1?
Tại sao chúng tôi lại nói: “Chúng ta đang bỏ quên học sinh lớp 1?”. Tại sao không phải là khối lớp khác mà chúng tôi lại nhấn mạnh rõ đối tượng là học sinh lớp 1?
Bởi, nhiều năm dạy bậc tiểu học chúng tôi nhận thấy học sinh lớp 1 mà đọc viết yếu thì không thể học tốt môn học nào được.
Nếu lớp 1 mà đọc viết yếu cho lên lớp 2 sẽ ngày càng yếu hơn. Và cứ thế, bạn buộc phải cho lên lớp 3, lớp 4, rồi lớp 5. Bởi, trong thực tế các trường sẽ không cho một học sinh lưu ban quá 2 lần trong một bậc học.
Điều này mà xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ lên lớp thẳng, chỉ tiêu phổ cập, chỉ tiêu phổ cập tiểu học đúng độ tuổi…
Vì thế, dù không biết đọc trẻ vẫn cứ được lùa lên lớp và con đường học tập của những đứa trẻ không biết đọc, biết viết (hoặc đọc, viết yếu) sẽ chấm dứt khi các em hoàn thành chương trình tiểu học.
Do không thể đọc, viết bình thường nên những học sinh này mang mặc cảm với bạn bè, thầy cô bậc trung học.
Và thế, các em thường bỏ học ngay sau khi ra khỏi trường tiểu học.
Nay, do dịch bệnh kéo dài, học sinh lớp 1 đã nghỉ thời gian khá dài (hơn 3 tháng tính cả thời điểm Tết Nguyên đán) nên bao kiến thức được học ở học kỳ 1 đã quên khá nhiều. Một số phụ huynh cho biết tên bạn bè, thầy cô con còn chẳng nhớ nói gì đến kiến thức.
Ngày đi học lại, giáo viên cũng không thể dạy tiếp chương trình mà sẽ phải dạy ôn để các em nhớ lại.
Thầy cô cũng không thể tinh giản kiến thức như Bộ Giáo dục yêu cầu với học sinh lớp 1 nên giáo viên sẽ phải tranh thủ từng chút thời gian để giảng dạy. Nhưng nếu học sinh lớp 1 trở lại trường trễ quá sẽ rất khó khăn trong việc dạy các em đọc thông, viết thạo.
Vì những lý do ấy, chúng tôi có một số đề xuất như sau:
Bậc tiểu học nên cho học sinh lớp 1 đi học trước các khối khác trong trường. Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi lớp không quá 20 học sinh và mỗi em ngồi cách nhau từ 1.5m trở lên.
Để đáp ứng quy định của Bộ Y tế, nhà trường sẽ chia mỗi lớp 1 thành 2 lớp nhỏ, huy động giáo viên toàn trường giảng dạy (giáo viên tiểu học có lợi thế dạy được tất cả các khối lớp).
Học sinh sẽ được học 2 buổi/ngày. Bố trí kiểu học thế này, vừa đảm bảo được an toàn trong phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo được kiến thức cần đạt cho học sinh khối lớp 1 hiện nay.