Yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng
Ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học.
Mục tiêu lớn nhất của Chương trình Sữa học đường là đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa;
Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90-95% vào năm 2020; Đến 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
Toàn cảnh chương trình “Sữa học đường - Vì tầm vóc Việt” tại đầu cầu Hà Nội. |
Quyết định 1340/QĐ-TTg cũng nhấn mạnh giải pháp ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường; Nêu rõ các quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; đưa ra các giải pháp huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng…
Quyết định phê duyệt chương trình Sữa học đường quy mô quốc gia nhằm thực hiện đồng bộ các địa phương tránh việc thực hiện rời rạc, thiếu độ phủ và chính sách chung.
Trước mục tiêu và ý nghĩa chương trình Sữa học đường đặt ra, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ths.BS Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) phấn khởi: Tôi rất hoan nghênh Chương trình Sữa học đường và tin tưởng nếu thực hiện đồng bộ kết hợp với các yếu tố khác sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo Ths.BS Lê Thị Hải, trong bốn yếu tố phát triển chiều cao thì dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
ThS.BS. Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia |
Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết, lâu nay các bậc phụ huynh của chúng ta đều quan niệm yếu tố di truyền quyết định phát triển chiều cao, rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng bố mẹ thấp thì con thấp và khó có thể cao lên được.
Tuy nhiên thực tế đối với những nước đang phát triển như Việt Nam thì yếu tố di truyền không phải là quyết định. Yếu tố quyết định đến phát triển thể chất, chiều cao lại là dinh dưỡng cũng như môi trường sống và vận động thể dục thể thao.
“Với những nước phát triển, trẻ em có điều kiện chăm sóc dinh dưỡng tốt, môi trường số tốt thì yếu tố di truyền với là yếu tố quyết định. Còn với những nước đang phát triển như chúng ta hiện nay yếu tố di truyền chỉ đóng góp một phần”, Ths.BS Lê Thị Hải nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu để phát triển chiều cao cho trẻ yếu tố di truyền hiện chỉ đóng góp 23%, trong khi đó yếu tố dinh dưỡng đóng góp nhiều nhất với 33%. Còn lại hai yếu tố khác là giấc ngủ và vận động thể dục thể thao mỗi yếu tố đóng góp hơn 20%.
Bác sĩ Lê Thị Hải đánh giá: Chương trình Sữa học đường rất quan trọng để giúp nâng cao tầm vóc cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Chúng ta còn nhớ cách đây mấy chục năm về trước, chiều cao người Nhật rất thấp thậm chí thấp hơn chúng ta hiện nay. Thế nhưng hiện nay chiều cao trung bình của người Nhật đạt mức 172cm với nam và 157cm với nữ, mức chiều cao này chỉ thấp hơn 5cm so với mức trung bình thế giới.
Công bố chương trình Sữa học đường quy mô quốc giaVinamilk và Tetra Pak khởi động chương trình Sữa học đường 2016-2017 |
Việc người Nhật phát triển vượt bậc về chiều cao xuất phát từ chương trình ly sữa học đường được chính phủ Nhật áp dụng từ hàng chục năm trước.
Theo đó, trẻ em Nhật đến trường đều được uống 2 ly sữa hàng ngày. Việc uống sữa hàng ngày là một trong các yếu tố giúp tăng chiều cao người Nhật hiện nay.
“Chương trình Sữa học đường sẽ góp phần nâng cao tầm vóc người Việt, vì chế độ dinh dưỡng trong đó uống sữa sẽ đóng góp mạnh vào việc phát triển chiều cao cho trẻ em”, Bác sĩ Hải khẳng định.
Cải thiện môi trường giáo dục
Tuy nhiên bên cạnh dinh dưỡng, Bác sĩ Lê Thị Hải cho rằng hai yếu tố giấc ngủ và vận động thể dục thể thao cũng đóng vai trò quan trọng.
“Vấn đề bất cập nhất ở Việt Nam hiện nay là các chương trình giáo dục quá bất cập, chương trình học quá nhiều nhồi nhét kiến thức nên các cháu không có thời gian vận động và đi ngủ sớm.
Ở lứa tuổi học cấp 1 cấp 2 các cháu học quá nhiều, từ sáng đến chiều, về nhà làm bài tập buổi tối đến khuya. Chúng ta biết hoc-mon tăng trưởng chỉ được tuyến yên tiết ra lúc 22h đêm đến 2h sáng khi trẻ đã ngủ say. Nên dù thế nào thì cũng phải cố gắng để 11h là trẻ đã phải đi vào giấc ngủ sâu rồi thì hoocmon tăng trưởng mới tiết ra nhiều hơn”, Bác sĩ Hải nói.
Theo Bác sĩ Lê Thị Hải dự án nâng cao tầm vóc Việt ngoài yếu tố dinh dưỡng với ly sữa học đường chúng ta phải phối hợp nhiều biện pháp khác như cải thiện môi trường giáo dục đặc biệt là chương trình học phải thay đổi lại làm sao để các cháu ở lứa tuổi tiểu học, các cháu được chơi nhiều hơn, chú ý với môn vận động thể thao, có sân chơi, bể bơi. Giảm bớt học thêm, làm sao các cháu ngoài giờ học phải có thời gian vui chơi.
Nhà trường, cơ sở giáo dục cần mở rộng tạo sân chơi vận động, không gian vận động để trẻ có không gian tham gia thể thao và các trò chơi vận động vui chơi. Nếu chỉ bổ sung canxi nhưng trẻ có hấp thu được vào máu hay không phải tổng hợp vitamin D muốn như vậy phải tắm nắng và vận động.
Theo Bác sĩ Lê Thị Hải, có 3 giai đoạn giúp trẻ phát triển chiều cao gồm: Giai đoạn em bé trong bụng mẹ, vì thế bà mẹ có bầu phải uống sữa chứ không phải chỉ trẻ em. Do đó, chăm sóc dinh dưỡng cho bé từ ngay trong giai đoạn mang thai cũng rất quan trọng để phát triển chiều cao.
Giai đoạn thứ hai em bé từ sinh ra đến 3 tuổi, giai đoạn này quan trọng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng ngoài ra sữa công thức, sữa tươi.
Giai đoạn thứ ba trước thời điểm dạy thì của trẻ, tức là 10 - 13 tuổi với bé gái, và 14 - 17 tuổi với bé trai.
Chương trình Sữa học đường nhắm đến đối tượng học sinh mầm non và tiểu học cũng đây là giai đoạn đang lớn nên rất cần bổ sung dinh dưỡng, canxi.
Về thói quen cho con uống sữa của bà mẹ Việt Nam so với các nước, thì thói quen sử dụng sữa rất ít.
Ngoài yếu tố kinh tế thì nhiều cha mẹ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của sữa. Thói quen chung người Việt Nam nhất là vùng nông thôn nhận thức sữa dành cho trẻ nhỏ.
“Có bà mẹ đưa con 5- 6 tuổi đến Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng, khi hỏi cháu uống sữa không thì bà mẹ nói ở quê nhà em 5 tuổi còn uống sữa người ta cười cho, lớn rồi còn uống sữa. Điều đó cho thấy suy nghĩ, thói quen của các bà mẹ nhất vùng nông thôn, chưa ý thức được vai trò của sữa họ chỉ nghĩ rằng sữa dành cho bé, cho người ốm”, Bác sĩ Hải cho biết.
Theo Bác sĩ Hải vai trò chương trình Sữa học đường không chỉ giúp nâng cao tầm vóc Việt mà còn thay đổi suy nghĩ của nhiều ông bố, bà mẹ về vai trò của sữa với trẻ em.