"Chuyện cổ tích" ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

15/12/2015 08:09
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Cần xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan công tác phòng chống tham nhũng, tránh tạo ra sự hoài nghi không đáng có trong dư luận.

Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh “sạch” tham nhũng

Thông tin đầy bất ngờ đối với nhiều người quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, khi báo cáo số liệu về xử lý tham nhũng 9 tháng đầu năm 2015, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan chức năng chưa phát hiện hành vi tham nhũng. 

Cách đó không lâu Hà Nội cũng khẳng định, qua công tác kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, hay tặng và nhận quà biếu...

Tuyệt quá! Đâu đó trên đất nước này có tham nhũng chứ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… không có.

Và, nếu kết quả trên phản ánh đúng thực tế tình hình tham nhũng tại hai trung tâm kinh tế, xã hội thuộc tốp nhất nhì cả nước, thì đây không chỉ là điều mơ ước của nhiều địa phương mà còn với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Ảnh minh họa của báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa của báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh.

Cũng không ít lần, cụm từ “không tham nhũng”, “chưa phát hiện thấy tham nhũng” được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, không riêng gì ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sao nhiều cử tri, Đại biểu Quốc hội, đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước… đều cảm thấy lo lắng, bất an, có khi xen lẫn cả sự xấu hổ, buồn tủi khi nhìn vào thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay?

“Tại sao nước mình anh hùng, oanh liệt trong kháng

"Chuyện cổ tích" ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2

Ai đủ sức chặn "chuyến tàu vét" cuối nhiệm kỳ?

chiến chống ngoại xâm hàng ngàn năm nay, mà nạn tham nhũng thì đứng xếp hạng trên 100? Bê bối quá, cảm thấy không thể chấp nhận được. Buồn lắm, xấu hổ lắm!”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/12.

Cũng phải nói thêm rằng, Bộ Chính trị vừa có Chỉ thị 50 về công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh tham nhũng vẫn còn rất phức tạp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân, sự tồn vong của chế độ…

Vậy, tham nhũng đang trốn ở đâu mà người ta tìm mãi không thấy?

Kê khai mà không xác minh thì kê khai làm gì? 

Hôm 13/12, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt nhận định, nếu nói Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh “sạch” tham nhũng là chuyện khó tin.

“Báo cáo đẹp như vậy, nhưng tại sao người dân vẫn phàn nàn về công tác phòng chống tham nhũng? Hay tham nhũng tinh vi quá nên không phát hiện được?

Trong khi thực tế cho thấy rõ, tham nhũng nói chung vẫn còn phức tạp, việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm còn găp nhiều khó khăn.

Do đó, cần xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan công tác phòng chống tham nhũng, tránh tạo ra sự hoài nghi không đáng có trong dư luận”, Cục trưởng Đạt nêu quan điểm.

Nói về hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng

Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, cơ quan này vừa chính thức mở 3 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định.

Theo đó, 3 số điện thoại đường dây nóng là: 08.048228; 0902.386.999 và 0125.698.6688.

hiện nay Cục trưởng Đạt thẳng thắn: “Cơ chế, lực lượng phòng chống tham nhũng vẫn chưa tập trung, dẫn đến việc thực thi nhiệm vụ còn hạn chế.

Việc huy động sức mạnh của người dân và cán bộ công chức trong công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn nhiều khó khăn. Vẫn có người ngại tố cáo tham nhũng vì sợ bị trù dập trả thù…

Việc kê khai tài sản vẫn dựa vào nguyên tắc tự kê khai và tự chịu trách nhiệm, nặng tính hình thức. Việc kê khai thu nhập, tài sản chủ yếu dựa vào lòng trung thực, nhưng chống tham nhũng mà chỉ dựa vào lòng trung thực là chưa đủ.

Kê khai mà không kiểm tra, xác minh thì kê khai làm gì? Ngay cả khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì việc xác minh, kiểm tra cũng không dễ dàng, bởi lẽ muốn xác minh thì phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Việc xác minh, thu hồi tài sản bất minh đã được chuyển nhượng còn gặp nhiều khó khăn....".

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (ảnh: Motthegioi.vn).
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt (ảnh: Motthegioi.vn).

Từ thực tế trên, Cục trưởng Phạm Trọng Đạt cho rằng, để chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn, cần nghiên cứu và sửa lại một số điều trong luật phòng chống tham nhũng.

“Cần thu hẹp đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, tập trung vào một nhóm người có chức, quyền thay vì làm tràn lan như trước đây.

Mặt khác, việc kê khai tài sản cần đi đôi với việc xác minh, kiểm soát tài sản, thu nhập, gắn với trách nhiệm giải trình..."

Cục trưởng Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng trong việc tổ chức, kê khai, xác minh tài sản của cán bộ.

“Tới đây chúng tôi sẽ quyết liệt hơn trong việc làm rõ trách nhiệm và xử lý người đứng đầu khi cán bộ được giao nhiệm vụ không tổ chức, quản lý kê khai tài sản theo đúng quy định...”.

QUỐC TOẢN