LTS: Góp ý kiến về Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), về việc Chính phủ chỉ đạo SCIC phải xây dựng lộ trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn do SCIC quản lý (trong đó có Vinamilk 45,1%, Bảo Minh 50,7%, FPT Telecom 50,2%, Vinare 40,4%)... chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định, chủ trương thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp là cần thiết và phải làm ngay, tuy nhiên cần phải giám sát được lộ trình thoái vốn, tránh xảy ra lợi ích nhóm.
Trong bài viết gửi gửi đến Báo Điện tử Giáo dục, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành sẽ chỉ rõ lỗ hổng vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước hiện nay và đưa giải pháp cụ thể.
Chính phủ chủ trương thoái vốn nhà nước mà SCIC đang đại diện chủ sở hữu tại 10 doanh nghiệp (ảnh minh họa logo một số doanh nghiệp có chủ trương thoái vốn) |
“Che giấu giá trị thật để bán cho con cháu”
Chủ trương thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp được xác định là vấn đề thiết yếu giúp nền kinh tế phát triển. Việc Chính phủ chỉ đích danh 10 doanh nghiệp phải tiến hành thoái vốn ngay thể hiện quyết tâm thay vì chung chung như trước đây.
Tuy nhiên, quan trọng hiện nay là chưa ai đưa ra phương án cụ thể cho vấn đề thoái vốn vì vậy phải nhìn kinh nghiệm thế giới để học.
Trong doanh nghiệp có tài sản cố định, có sản phẩm chủ lực, thương hiệu… tất cả những yếu tố này làm nên giá trị của doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, định giá doanh nghiệp ta vẫn chỉ đứng ở khía cạnh đánh giá tài sản cố định sản xuất.
Ví dụ: Microsoft giá trị lên 200 tỷ USD nhưng tài sản cố định sản xuất chỉ đến khoảng 30 tỷ USD. Tương tự, Appel giá trị trên thị trường hiện nay lớn hơn cả Microsoft đến gần 300 tỷ USD nhưng tài sản cố định sản xuất chỉ vài chục tỷ USD.
Vì thế đánh giá giá trị doanh nghiệp không thể theo cách đo xem có bao nhiêu đất, có bao nhiêu nhà xưởng, máy móc… để cộng vào coi đó là giá để tiến hành cổ phần hóa, tiến hành định giá thoái vốn. Cách định giá như vậy không đúng vì tài sản cố định sản xuất chỉ là một phần nổi trong tổng giá trị doanh nghiệp. Trong khi đó, giá trị khác của doanh nghiệp như thương hiệu lại chưa được nhìn nhận đúng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam (ảnh H.Lực). |
Thương hiệu doanh nghiệp có được là từ sản phẩm chất lượng, có giá trị. Sản phẩm có thị trường thực lớn, thị trường tiềm năng lớn. Sản phẩm đó có thị phần chiếm lĩnh tại thị trường lớn, chiều hướng phát triển tốt… tất cả cộng lại mới làm nên giá trị của doanh nghiệp.
Vấn đề là phải định giá được những giá trị này. Bởi trước đây, đã từng xảy ra chuyện che giấu giá trị thật doanh nghiệp nhằm bán rẻ cho anh, em, con cháu người nhà.
Trở lại vấn đề Chính phủ muốn thoái vốn tại doanh nghiệp, trước hết phải chỉ ra giá trị thật của doanh nghiệp và nguồn vốn nắm giữ. Không biết được giá trị thật sẽ dẫn đến bán đắt không ai mua, bán rẻ thiệt hại cho nhà nước.
SCIC thoái vốn, nên để Vinamilk “chọn mặt gửi vàng” Vinamilk dẫn đầu Top 50 thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam |
Để tránh nguy cơ này phải thuê đơn vị giám định, kiểm toán, định giá chuyên nghiệp đánh giá giá trị của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. Sau khi đưa ra kết quả định giá, kiểm toán trách nhiệm doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải cáo bạch, tuyên truyền ra các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Tiếp theo, để quá trình thoái vốn diễn ra minh bạch cần phải có đơn vị độc lập thực hiện bảo lãnh phát hành, đấu giá cổ phần. Để tránh lợi ích nhóm, nên lựa chọn công ty chứng khoán nước ngoài, tránh việc để doanh nghiệp của người thân đứng ra làm với mục đích bán cho xong, bán để lấy chênh lệch hoa hồng. Nhà nước phải hết sức thận trọng giám sát quá trình này.
Vấn đề cốt lõi nữa là khi bán được vốn tại doanh nghiệp, số tiền Chính phủ thu về sẽ làm gì? Hiện nay có thông tin do ngân sách gặp khó khăn nên bán để bù chi tiêu ngân sách. Nếu như vậy có hợp lý không?
Vốn nhà nước là tài nguyên quốc gia không phải tiền thuế vì vậy không thể bù vào ngân sách. Số tiền thoái vốn tại các doanh nghiệp phải do Quốc hội quyết định chi tiêu.
Ngay lúc này, Quốc hội cần có ý kiến trong việc quyết định sử dụng nguồn tài chính thu về từ việc thoái vốn. Việc phân bổ nguồn tiền thu về từ thoái vốn phải do Quốc hội quyết định và rõ ràng minh bạch.
SCIC "nuôi con lớn để tự lập"
Thực chất việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước muốn rút vai trò quản lý của mình sang tư nhân. Những doanh nghiệp nào nhà nước không cần trực tiếp quản lý, doanh nghiệp có thể tư nhân hóa. Quan điểm tư nhân làm được, Nhà nước nên để tư nhân làm.
Vấn đề thoái vốn của SCIC đặt ra lợi ích của doanh nghiệp và Nhà nước. Trong đó có ý kiến cho rằng SCIC thoái vốn sẽ mất đi nguồn lợi từ chia cổ tức hàng năm. Nhưng cần phải thấy, SCIC không có nhiệm vụ đầu tư kinh doanh lấy lời cạnh tranh với dân doanh.
Nhà nước không tổ chức sản xuất kinh doanh để cạnh tranh với dân doanh. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp như Vinamilk là nguyên tắc cơ bản quản lý một nền kinh tế thị trường.
Nếu SCIC đại diện vốn nhà nước của doanh nghiệp chỉ nhìn lợi ích mang về mà không làm đúng phận sự, trách nhiệm được giao là không đúng. Mục đích cuối cùng của SCIC là tạo điều kiện cho những doanh nghiệp như Vinamilk phát triển, đóng góp vào phát triển chung cho nền kinh tế.
Nhiệm vụ của SCIC là thay mặt Nhà nước quản lý phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp để giúp nền kinh tế phát triển và chỉ làm những gì doanh nghiệp không làm được.
SCIC có vai trò hỗ trợ quản lý vốn giúp doanh nghiệp phát triển, đến khi doanh nghiệp mạnh, phát triển cần phải rút ra chứ không giữ chân ở doanh nghiệp để hưởng lợi. Nhiệm vụ SCIC là công ích chứ không phải tư lợi chờ chia lợi tức cổ đông
Nuôi đứa con lớn để nó tự lập chứ không phải giữ lại để thụ hưởng.
Thoái vốn Vinamilk không thể ào ào
Thoái vốn tại Vinamilk và các doanh nghiệp nhà nước khác là thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và thu lại nguồn tài chính lớn cho Nhà nước.
Đối với Vinamilk, nếu làm đúng, đánh giá đúng... giá trị Vinamilk cao hơn rất nhiều so với đánh giá hiện nay. Qua đó số vốn của Nhà nước tại SCIC lớn hơn rất nhiều con số 2,5 tỷ USD.
Đánh giá giá trị Vinamilk không chỉ nhìn vào số nhà máy chế biến sữa, số trang trại, số bò sữa. Đó chỉ là một phần giá trị phần nổi trong tổng giá trị của doanh nghiệp này.
Vinamilk có gì? Vinamilk có sản phẩm tốt chất lượng, có thương hiệu tốt, có thị trường tốt bao gồm cả thị trường thực nắm giữ tại Việt Nam và tiềm năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế và khu vực. Vinamilk có ban lãnh đạo tốt, có tầm nhìn chiến lược đúng đắn.
Để đánh giá giá trị Vinamilk, cần phải có đơn vị nghiên cứu đưa đánh giá tất cả các yếu tố trên với cho ra kết quả giá trị thật Vinamilk. Qua đó nâng giá trị cổ phần của Nhà nước đang có.
Từ quyết định thoái vốn, để thực hiện thoái vốn tại Vinamilk cần thực hiện từng bước có lộ trình cụ thể. 10 năm qua chúng ta không làm, nay không thể làm ào ào vài tháng cho xong.
Với giá trị cổ phần lớn, Nhà nước cần bán trong thời hạn dài từng bước, tránh đưa ra cùng lúc thị trường không hấp thụ được, dẫn đến giá cổ phần xuống.
Mặt khác, cần có tiêu chí với nhà đầu tư, đảm bảo mang lại lợi ích cao nhất cho Vinamilk. Để đảm bảo lợi ích cho Vinamilk... SCIC, Chính phủ nên để Vinamilk tham gia lộ trình thoái vốn chọn nhà đầu tư. Tất cả vấn đề phải được làm minh bạch, quy rõ trách nhiệm để nếu xảy ra sai sót xử lý đúng người đúng tội.