Chuyên gia lo lắng CĐ nghề quảng bá tập trung bằng cấp sẽ làm lệch mục tiêu GDNN

18/05/2023 06:34
Duy Bảo
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lộ trình học tập như quảng bá của Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội, chuyên gia e rằng người học không kham nổi.

Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội rầm rộ quảng cáo tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở tuổi 15, sau 3 năm nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 4 năm nhận bằng cao đẳng chính quy và ở tuổi 20 nhận bằng đại học.

Chuyên gia đặt câu hỏi, điều này có đúng với các quy định của pháp luật khi nhà trường liên thông đại học trong 1 năm và Thông tư 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp không có quy định nào cho phép tuyển sinh và đào tạo liên kết từ Trung học cơ sở- trung cấp - cao đẳng – đại học; cùng với đó là quảng bá của nhà trường rằng năm 20 tuổi nhận bằng đại học (liên thông lên đại học chỉ mất 1 năm), trong khi theo quy định hiện hành phải mất từ gần 2 năm trở lên...

Trước các thông tin băn khoăn trên rất cần Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có ý kiến.

Thông tin quảng bá tuyển sinh của Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội.

Thông tin quảng bá tuyển sinh của Trường Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội.

Để có thêm góc nhìn về các vấn đề liên quan trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam).

Về thời gian đào tạo với đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở ở tuổi 15, sau 3 năm nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 4 năm nhận bằng cao đẳng chính quy và ở tuổi 20 nhận bằng đại học, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng: "Nếu thời gian đào tạo nhanh như vậy, chỉ e người học không kham nổi".

Trước thực tế, hiện nay dư luận đang băn khoăn về việc các trường cao đẳng nghề thuộc quản lý Nhà nước của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong các thông tin quảng bá tuyển sinh quá chú trọng vào bằng cấp như: Không phải thi vào 10 công lập áp lực, học song song bằng THPT - Cao đẳng, liên thông đại học. Nhiều cơ sở "giấu nhẹm" việc thực chất tuyển sinh đầu vào với đối tượng tốt nghiệp THCS, học sinh phải theo lộ trình học trình độ trung cấp đầu tiên. Điều này dường như đang xa rời mục tiêu chính của giáo dục nghề nghiệp là giúp các em được đào tạo nghề và gia nhập thị trường lao động sớm.

Trao đổi về băn khoăn trên, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay, thực tế theo quy định Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học, các trường phải quảng bá việc đào tạo, tuyển sinh đầu tiền là tuyển sinh trung cấp, sau đó đủ điều kiện mới được liên thông lên cao đẳng, tương tự cũng cần đáp ứng các điều kiện theo luật được liên thông đại học. Tuy nhiên, nếu cao đẳng nghề ghi tuyển sinh trình độ trung cấp sẽ kém sự thu hút với người học.

"Hiện nay có khá nhiều trường trung cấp, cao đẳng nên các trường rất khó khăn trong việc tuyển sinh.

Có trường quảng bá đúng quá trình đào tạo nhưng phụ huynh lại quan tâm con em họ phải được học đại học. Đó là mâu thuẫn hiện nay trong xã hội và là kẽ hở để một số trường trung cấp, cao đẳng quảng bá tuyển sinh dối trá", Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, với những trường quảng bá tuyển sinh không trung thực, họ cũng sẽ không quan trọng đến chất lượng đào tạo. Chương trình đào tạo của họ cũng không đòi hỏi nhiều về kĩ năng, thực hành, họ chỉ muốn đào tạo người học nhanh được nhận bằng trung cấp để liên thông lên cao đẳng.

Từ đó có thể nhận thấy, các trường đang đánh vào tâm lý "sính" bằng cấp của không ít phụ huynh, học sinh, không quan tâm đến chất lượng đào tạo.

Bên cạnh yếu tố về bằng cấp, Tiến sĩ Lê Đông Phương còn nhận định, sức hấp dẫn của các trường trung cấp, cao đẳng với xã hội không cao nên việc đầu tư cơ sở vật chất ở một số cơ sở giáo dục không được chú trọng. Điều các trường quan tâm là nếu tuyển sinh kém, điều kiện tài chính cũng giảm theo, vì vậy họ chú trọng vào khâu tuyển sinh.

"Thực chất, có nhiều người học và phụ huynh cũng không quan tâm đến chất lượng đào tạo. Họ chỉ mong muốn nhanh chóng có được một cái bằng cấp.

Thực tế, tôi nhận thấy chúng ta đang thiếu hệ thống giám sát, kiểm soát việc đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Có đơn vị mở ngành đào tạo cũng khá tuỳ tiện, dẫn đến chương trình đào tạo kém chất lượng", Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đông Phương, một chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, trong các nghiên cứu, báo cáo và nhận định của các tổ chức, cá nhân phản ánh phần nào bất cập, tồn tại, hạn chế của giáo dục nghề nghiệp.

Đó là công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ khá nhiều bất cập; các điều kiện bảo đảm chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo; chất lượng, hiệu quả của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được cơ chế gắn bó chặt chẽ với các cơ sở doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động.

Ở một số địa phương, mô hình đào tạo nghề còn thiên về lý thuyết, ít thực hành; sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; còn một tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

"Điều này cho thấy vấn đề ưu tiên là cần áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động chứ không phải là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo chương trình giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp", chuyên gia cho hay.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thay vì hướng các em đi học nghề tới việc có được cơ hội sở hữu tấm bằng trung học phổ thông và cao hơn là tấm bằng đại học, việc ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp là tăng cường đầu tư trang thiết bị, phối hợp với doanh nghiệp nâng cao chất lượng thực hành, thực tập, nâng cao chất lượng đội ngũ để ngay sau khi tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề thì học viên/học sinh có thể tham gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động được ngay.

Nếu tập trung đầu tư cho việc học văn hóa, vô hình chung lại biến cơ sở đào tạo nghề trở thành cơ sở giáo dục phổ thông một cách không chính quy và lệch mục tiêu đào tạo của cơ sở đào tạo nghề. Đồng thời, nó cũng sẽ làm tốn rất nhiều công sức, tiền của và thời gian cho việc đầu tư này. Rõ ràng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần rà soát và chấn chỉnh để tránh người học hiểu nhầm mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp

Duy Bảo