Hình minh họa. |
Đài Tiếng nói nước Nga bản tiếng Trung Quốc ngày 19/9 dẫn phân tích của chuyên gia Nga Vasily Kashin cho biết, theo truyền thông Ấn Độ thì New Delhi đang đàm phán bán cho Việt Nam tên lửa hành trình BrahMos. Nếu đàm phán thành công, Việt Nam sẽ tăng khả năng tấn công tiêu diệt mục tiêu hoặc chiến hạm đối phương ở khoảng cách 300 km.
Mặc dù đây là loại tên lửa do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo, nhưng những năm gần đây New Delhi đã không ngừng nâng cao trình độ nội địa hóa dòng tên lửa này, ngoài ra Ấn Độ còn phụ trách các công đoạn trang bị cuối cùng cho tên lửa. Hiện vẫn chưa rõ Ấn Độ sẽ bán cho Việt Nam các tên lửa BrahMos hiên bản nào, bởi nó có các phiên bản dành cho các mục đích khác nhau.
Chiến đấu cơ Su-30MK1 của Ấn Độ có thể mang tên lửa BrahMos. Nếu Việt Nam mua phiên bản tên lửa này sẽ phải dùng đến dòng chiến đấu cơ Su-30. Hiện tại Hải quân Việt Nam vẫn chưa có thiết bị lắp đặt loại tên lửa này, nên có thể suy đoán Việt Nam sẽ đàm phán mua phiên bản tên lửa BrahMos tổng hợp đất đối hạm.
Điều thú vị trong dự án này theo Vasily Kashin là Việt Nam trước đó đã mua 2 hệ thống tổ hợp tên lửa chống hạm của Nga có hệ thống chỉ số khá giống với dòng BrahMos. Nếu Việt Nam bố trí tên lửa BrahMos ở ven biển thì sẽ tạo thành một hệ thống tên lửa chống hạm khác loại nhưng tương đồng về kỹ thuật.
Đối với Nga xuất khẩu tên lửa chỉ là một hoạt động làm ăn bình thường, nhưng với Ấn Độ chuyện này còn là vấn đề chính trị - ngoại giao. Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới việc phát triển quan hệ chiến lược với các nước Đông Nam Á và có khả năng dành cho Việt Nam điều kiện giao dịch đặc biệt bao gồm cho vay tín dụng để Việt Nam mua vũ khí của Ấn Độ.
Vasily Kashin cũng cho rằng hải quân Trung Quốc sẽ đặc biệt quan tâm đến việc Ấn Độ bán tên lửa hành trình siêu thanh cho Việt Nam. Với tên lửa BrahMos tầm bắn 300 km có thể giúp Việt Nam trở nên tự tin hơn trước hạm đội Nam Hải của Trung Quốc không ngừng gia tăng thực lực.
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia này, các tổ hợp tên lửa ven biển không giống như chiến hạm mặt nước, không có khả năng trở thành công cụ để tranh đoạt "bá quyền" trên biển. Việt Nam muốn sử dụng hiệu quả loại tên lửa này cần phải nắm chắc mục tiêu cần hạ.