LTS: Những bức thư học sinh lớp 4 Việt Nam gửi lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục lan tỏa sâu rộng và lay động lòng yêu nước của mọi người dân Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa khi mới đây, bức thư của em Trương Ánh Dương và Vũ Tuyên Hoàng đã "đi vào" Trường THCS Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội). Chính tại ngôi trường này các em học sinh khiếm thính đã từng thực hiện nghi lễ hát Quốc ca bằng đôi tay làm xúc động bao trái tim Việt Nam...
Ngày thứ Hai (8/4) của lớp 9B bắt đầu với tiết học thú vị. "Hôm nay buổi sinh hoạt lớp đầu tuần, chúng ta sẽ thảo luận về những vấn đề trong những ngày nghỉ cuối tuần, ở nhà các em đã tìm hiểu được trên tivi, trên internet mà để lại cho các em những ấn tượng sâu sắc", thầy Đỗ Minh Tiến, chủ nhiệm lớp 9B nói với học trò bằng ngôn ngữ đặc biệt. Và rồi, vấn đề chủ quyền biển đảo, Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam, tàu Trung Quốc bắn cháy ca-bin tàu cá Việt Nam... trở thành câu chuyện của thầy trò ngày hôm đó.
Em Nguyễn Trí Đức đang bày tỏ suy nghĩ về bức thư gửi lãnh đạo Trung Quốc bằng cử chỉ. |
Không thể diễn đạt bằng lời nói, nhưng qua ngôn ngữ cử chỉ, qua nét mặt… những ai chứng kiến buổi thảo luận hôm đó đều thấy được sự tình cảm của các em học sinh khuyết tật dành cho chủ nhân của những bức thư viết gửi lãnh đạo Trung Quốc, cũng như sự phẫn nộ của các em khi biết tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam.
Clip học sinh khiếm thính thảo luận về nội dung bức thư
học sinh lớp 4 viết gửi lãnh đạo Trung Quốc
Thầy Đỗ Minh Tiến cho biết, ngôn ngữ kí hiệu là loại ngôn ngữ rất trừu tượng, có nhiều từ các em không diễn đạt hết được những ý tứ trong đó mà chỉ đơn thuần là ghép các từ lại với nhau.
Sau khi để học sinh tự trình bày và thảo luận nội dung những bức thư của các em học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc, thầy Tiến tổng kết lại để giúp học sinh của mình có cái nhìn thật bao quát:
“Việc làm của em bé rất dũng cảm khi đã viết thư gửi lãnh đạo Trung Quốc để mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Em bé rất giỏi. Còn nhỏ nhưng em bé đã viết được như thế để khẳng định những suy nghĩ, mong muốn của mình theo luật pháp và công ước quốc tế. Mong muốn thế giới chung sống hòa bình hữu nghị để bảo vệ trái đất ngày càng đẹp hơn”.
Đồng thời, thầy gửi tới học sinh của mình những lời nhắn nhủ: "Chúng ta muốn làm điều đó thì phải học tốt và ngoan đề giúp đỡ bố mẹ làm công việc gia đình. Người bình thường học đã khó, chúng ta học càng khó hơn. Vì vậy, phải học nhiều hơn nữa để lớn lên làm nhiều việc có ích".
Clip: Những lời nhắn nhủ của thầy Tiến gửi học sinh của mình