“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được đưa vào CTGDPT mới đa dạng, sinh động

19/12/2024 10:00
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu thể hiện rõ tinh thần sẵn sàng hy sinh, lòng kiên cường, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Đó là lời hịch non sông, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.

vna_potal_75_nam_ngay_toan_quoc_khang_chien_choi_ngoi_tinh_than_“quyet_tu_cho_to_quoc_quyet_sinh”_“ca_nuoc_danh_giac_toan_dan_ra_tran”_stand.jpg
Hình ảnh chiến sĩ cảm tử quân, đoàn viên Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu ôm bom ba càng, sẵn sàng tiêu diệt xe tăng địch trên đường phố Hà Nội tháng 12 năm 1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN.

Giáo dục lịch sử về ngày 19/12 được lồng ghép xuyên suốt trong CTGDPT mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Thị Bích Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyên Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận hiện đại, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sự kiện toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” mang ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu thời điểm nhân dân Việt Nam chính thức bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai để bảo vệ nền độc lập sau hơn một năm Cách mạng Tháng Tám.

Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” nổi lên như một biểu tượng mạnh mẽ của khí phách Việt Nam, khẳng định tinh thần bất khuất và quyết tâm không bao giờ khuất phục trước kẻ thù.

ts-truong-bich-hanh-1708.jpg
Tiến sĩ Trương Thị Bích Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Là một tác giả tham gia nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa lịch sử bậc trung học phổ thông, cô Bích Hạnh cho hay, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” không chỉ nổi tiếng mà còn là một áng văn tiêu biểu, thể hiện rõ ý chí kiên cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những văn bản quan trọng nhất gắn với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và đã được đưa vào trong chương trình giáo dục phổ thông.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, hiện nay có ba bộ sách giáo khoa khác nhau, nhưng tất cả các bộ sách này đều đề cập đến sự kiện Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, đồng thời đưa đoạn trích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào giảng dạy dưới nhiều hình thức phong phú.

Theo cô Trương Thị Bích Hạnh, có sách chọn đưa đoạn trích vào phần khởi động bài học để thu hút sự chú ý và tạo hứng thú cho học sinh, trong khi một số sách khác sử dụng văn bản này như một tài liệu học tập để giáo viên và học sinh cùng phân tích, tìm hiểu. Sự kiện Toàn quốc kháng chiến và văn bản “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” xuất hiện trong cả ba bộ sách dù không bắt buộc, điều này chứng tỏ tầm vóc lịch sử và ý nghĩa to lớn của sự kiện đối với giáo dục.

Điểm đặc biệt trong chương trình giáo dục phổ thông mới là không gian sáng tạo được mở rộng, giúp các tác giả sách giáo khoa, giáo viên và học sinh có thể khai thác cùng một sự kiện từ nhiều góc độ khác nhau. Với môn Lịch sử, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được nhìn nhận như một sự kiện lịch sử tiêu biểu còn trong môn Ngữ văn, văn bản này lại được phân tích dưới góc độ một tác phẩm chính luận sâu sắc.

Bên cạnh đó, Ngày toàn quốc kháng chiến - 19/12 còn được lồng ghép vào các hoạt động trải nghiệm, tích hợp liên môn hoặc sinh hoạt dưới cờ như tái hiện qua hoạt cảnh hay làm nội dung trong buổi chào cờ đầu tuần. Những hình thức này không chỉ giúp học sinh hiểu hơn về sự kiện mà còn khơi dậy sự quan tâm và yêu thích với lịch sử dân tộc.

Các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham quan di tích được các trường học tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện để học sinh có cái nhìn sâu sắc và sinh động hơn. Đây cũng là cách để các trường tận dụng lợi thế địa phương, lồng ghép sự kiện lịch sử vào giảng dạy một cách hiệu quả.

“Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, việc truyền tải các sự kiện lịch sử đã trở nên phong phú và đa dạng. Học sử không còn giới hạn trong sách vở mà còn được bổ sung qua các hoạt động thực tế. Các hoạt động trải nghiệm thực tế, như tham quan di tích, được tổ chức thường xuyên, giúp học sinh có cái nhìn sinh động và sâu sắc hơn về lịch sử”, cô Hạnh nhấn mạnh.

Cô Trương Thị Phương, Tổ phó tổ Khoa học Xã hội, giáo viên môn Lịch Sử Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, trong công tác giảng dạy, các thầy cô trong tổ bộ môn Lịch sử luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc tích hợp các sự kiện trọng đại, trong đó không thể không kể đến sự kiện toàn quốc kháng chiến, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết và lòng tự hào dân tộc. Không chỉ môn Lịch sử, mà các bộ môn khác như Ngữ văn, Âm nhạc...cũng tích hợp các yếu tố lịch sử vào bài giảng. Đặc biệt, trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường tổ chức các chuyên đề, chủ điểm về các ngày lễ lớn và kỷ niệm quan trọng của dân tộc. Những hoạt động này giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về lịch sử và các sự kiện trọng đại.

z6141948698670_b5f2105530c2e4e5014187f01990e940.jpg
Cô Trương Thị Phương (áo đỏ) cùng các học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Mỗi năm, vào các dịp lễ, kỷ niệm quan trọng, nhà trường tổ chức các hoạt động như sân chơi lịch sử, trong đó giáo viên thiết kế các câu hỏi về sự kiện lịch sử liên quan, tổ chức theo hình thức “Rung chuông vàng”, các học sinh sẽ giơ bảng trả lời các câu hỏi. Học sinh trả lời đúng các câu hỏi và trụ lại cuối cùng sẽ giành chiến thắng và được nhận phần thưởng. Các học sinh tham gia sẽ được khơi dậy niềm hứng thú và sự quan tâm tới các sự kiện lịch sử, đồng thời có cơ hội thể hiện sự hiểu biết của mình qua các câu hỏi.

Theo cô Phương, nếu học sinh không hiểu được ý nghĩa của các sự kiện lịch sử và sự hy sinh của ông cha để giành được nền độc lập, các em sẽ khó có thể nuôi dưỡng lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Vì vậy, giáo dục về lịch sử là một phần không thể thiếu trong quá trình học tập của học sinh.

Vai trò của người truyền lửa và cách truyền tải lịch sử

Cô Bích Hạnh nhận định, môn Lịch sử không còn chỉ đơn thuần là học thuộc, mà còn là một công cụ giúp học sinh trang bị kiến thức rộng lớn về xã hội, từ đó áp dụng vào nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Chẳng hạn, trong các ngành công nghiệp văn hóa như phim ảnh, thiết kế mỹ thuật, thời trang, hay game, kiến thức lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm mang đậm nét văn hóa và truyền thống.

Học Lịch sử không chỉ giúp học sinh trở thành giáo viên hay nhà nghiên cứu lịch sử, mà còn cung cấp vốn kiến thức hữu ích để giải quyết vấn đề trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Quan trọng hơn, môn học này giúp chúng ta hiểu về gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước và truyền thống của mình, trang bị một nền tảng văn hóa phong phú, giúp chúng ta vững vàng hơn trước những thay đổi và biến cố trong cuộc sống.

z6141947321337_bb6ad2897ba43804c8e6e1ea6bd14605.jpg
Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh trong một tiết học môn Lịch sử. Ảnh: NVCC.

Theo cô Bích Hạnh, giới trẻ hiện nay quan tâm đến lịch sử theo cách riêng. Với góc nhìn tích cực, chúng ta có thể thấy những lượt tương tác đông đảo và nhiệt tình trên trang mạng xã hội của một số di tích, bảo tàng cho thấy người trẻ vẫn yêu thích lịch sử. Hay như bộ phim "Đào, Phở và Piano" khai thác bối cảnh Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội đã tạo ra một "cơn sốt" trong giới trẻ, cho thấy họ vẫn có tình yêu đối với lịch sử. Số lượng đông đảo khách đến tham quan, check in Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong đó có sự quan tâm mạnh mẽ từ giới trẻ cũng minh chứng cho điều này. Rõ ràng, giới trẻ vẫn quan tâm đến lịch sử và điều quan trọng là chúng ta tìm ra cách "đánh thức", tiếp cận họ bằng những phương pháp phù hợp để truyền cảm hứng.

Nhận thức rõ điều này, định hướng học và thi trong môn Lịch sử của chúng ta cũng đã có sự thay đổi nhất định. Các câu hỏi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không kiểm tra kiến thức theo hướng bắt học sinh học thuộc lòng mà tập trung vào mức độ thông hiểu, vận dụng lịch sử, yêu cầu học sinh khai thác tư liệu, phát triển kỹ năng đọc hiểu. Nếu chỉ học thuộc lòng mà không hiểu, học sinh sẽ không thể trả lời đúng các câu hỏi khai thác tư liệu này.

z6142992211823_33ce970f19f011c23f924e4ca7f3b22b.jpg
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên không chú trọng vào các chi tiết tiểu tiết mà tập trung vào việc kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với các danh nhân, sự kiện lớn để học sinh dễ tiếp thu và ghi nhớ. Cô Phương bày tỏ: "Việc dạy Lịch sử không chỉ là truyền đạt kiến thức về mốc thời gian hay sự kiện cụ thể, mà quan trọng hơn là giúp học sinh hiểu được nguồn gốc, nguyên nhân của các sự kiện lớn, từ đó bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc và truyền tải các giá trị văn hóa, đạo đức. Khi lịch sử được kể, trình bày một cách gần gũi, sinh động và dễ hiểu, học sinh sẽ không chỉ yêu thích mà còn ghi nhớ sâu sắc các sự kiện lịch sử quan trọng. Cách tiếp cận này giúp các em cảm nhận được giá trị và bài học từ những sự kiện lịch sử, từ đó phát triển tình yêu và sự hiểu biết về quá khứ".

Thùy Trang