Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ các ý kiến đóng góp đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù, nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án trọng điểm này.

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự trân trọng đối với những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội.
Theo ông, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với kỳ vọng trở thành nguồn cung điện nền ổn định, sạch và có giá thành hợp lý trong dài hạn, đang được tái khởi động sau thời gian tạm dừng. Tuy nhiên, tính phức tạp về công nghệ, yêu cầu vốn đầu tư lớn và đây là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam đặt ra những thách thức không nhỏ. Vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ sự cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết, xuất phát từ nhu cầu điện năng trong những năm tới là rất lớn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng 8%-10% trở lên đến năm 2030 và trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, tổng công suất toàn hệ thống đến năm 2030 dự kiến đạt 230.000 MW, gấp 3 lần công suất hiện tại. Trong bối cảnh đó, điện hạt nhân được xem là giải pháp quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
"Điện hạt nhân là nguồn điện sạch, điện nền, công suất khả dụng cao, có khả năng cung cấp điện năng ổn định và giá thành hợp lý trong dài hạn, góp phần bảo đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 2 con số về kinh tế trong kỷ nguyên mới," Bộ trưởng khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh kinh nghiệm quốc tế cho thấy các dự án điện hạt nhân quy mô tương tự thường mất khoảng 10 năm từ khi phê duyệt đến khi vận hành và đều cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đảm bảo tiến độ. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong giai đoạn 2030-2031.
Nghị quyết tập trung cho 5 nhóm công việc chính
Về cơ sở chính trị và pháp lý, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn chứng Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết số 174 của Quốc hội khóa XV về việc "Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận" và Nghị quyết số 41 của Quốc hội khóa XII, trong đó đã quy định về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng làm rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, tập trung vào 5 nhóm công việc chính là: Lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu; Chuẩn bị và thực hiện đầu tư; Cơ chế tài chính và thu xếp vốn đầu tư; Tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và định mức, đơn giá; Di dân, tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội.
Về đối tượng áp dụng, vị Tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh cơ chế, chính sách đặc thù nêu trên chỉ áp dụng cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại Nghị quyết số 41. Thời gian áp dụng kể từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực tới khi hoàn thành đầu tư dự án và đưa vào vận hành, khai thác.
Tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng cho biết Cơ quan soạn thảo sẽ điều chỉnh theo hướng chỉ nêu chung “chủ đầu tư dự án” đồng thời bổ sung đối tượng áp dụng “tỉnh Ninh Thuận” và “đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án.” Những chính sách đặc thù khác nếu có sẽ được Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Về tính đồng bộ, thống nhất và khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định các cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai dự án.
Khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ tạo thuận lợi và tính khả thi cho việc triển khai đồng bộ cũng như đồng thời nhiều hạng mục công trình của dự án (như việc đàm phán hiệp định đối tác, lập phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thu xếp vốn đầu tư, đền bù di dân, tái định cư và đào tạo nguồn nhân lực…).
Ông cũng nhấn mạnh vai trò giám sát chặt chẽ của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IAEA) về đảm bảo an toàn và hiệu quả của dự án.

Khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ tạo thuận lợi và tính khả thi cho việc triển khai đồng bộ cũng như đồng thời nhiều hạng mục công trình của dự án. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết ngay tại Kỳ họp này, để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai dự án, tận dụng các điều kiện thuận lợi và đảm bảo tiến độ hoàn thành vào năm 2030-2031.
Bộ trưởng cũng cam kết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp. Trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phù hợp để các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.