Có hay không chuyện chuyên gia và nhân viên ngành Y… dỗi?

29/08/2022 06:40
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu có phải một bộ phận không nhỏ viên chức ngành Y đang “dỗi” với cơ chế, chính sách của nhà nước chứ không phải do lương thấp?

Kênh VTV1 trong chương trình ngày 20/08/2022 phát phóng sự: “Chậm cấp giấy lưu hành trang thiết bị y tế” phản ánh:

“Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long được đầu tư trang thiết bị y tế theo khoản vay ODA của Chính phủ Áo có trị giá gần 12 triệu Euro. Đầu năm 2022, 7 container trang thiết bị y tế bao gồm: máy thở, máy chụp X-quang, máy citi, máy cộng hưởng từ và nhiều máy móc khác đã đến Cảng Cát Lái. Thế nhưng số máy móc này không thể thông quan vì Bộ Y tế chưa cấp giấy chứng nhận lưu hành”. [1]

Phản hồi duy nhất mà doanh nghiệp (nhập khẩu thiết bị y tế) nhận được từ cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế sau khi nộp đủ thủ tục là: “Hồ sơ chờ chuyên gia thẩm định”. [1]

Vậy các “chuyên gia” của Bộ Y tế đang ở đâu, làm gì để đến nỗi thiết bị y tế nằm ở cảng từ đầu năm đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận lưu hành?

Không thể phủ nhận một thực tế là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không quản khó khăn, nguy hiểm ngày đêm bám trụ tại các cơ sở khám chữa bệnh chiến đấu với dịch bệnh.

Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn

Sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ viên chức ngành Y, cùng với các lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên,… đã góp phần quyết định giúp đất nước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, tạo nên trạng thái bình thường mới trong đời sống xã hội, kinh tế, an ninh,…

Tuy nhiên cũng có một thực tế là sau những vụ việc liên quan đến một số viên chức và nhân sự lãnh đạo ngành Y bị kỷ luật, sau khi một số người bị bắt giam thì xuất hiện tình trạng được báo chí ghi nhận:

“Báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, 9.397 là số viên chức y tế xin thôi việc/bỏ việc, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm nay.

Đơn vị này cũng đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc/bỏ việc, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở”. [2]

Không cùng quan điểm với Công đoàn Y tế Việt Nam, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng: “Chuyện nhân viên y tế nghỉ việc, quan trọng nhất có lẽ không phải là lương, mà là môi trường làm việc và cơ hội phát triển”. [3]

Người viết không cho rằng có chuyện “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong quan điểm của Công đoàn Y tế Việt Nam và bà Quyền Bộ trưởng song vẫn phải thừa nhận có gì đó chưa được làm rõ trong chuyện nhân viên y tế nghỉ việc.

Lương, phụ cấp theo chế độ thấp trong khi cường độ làm việc căng thẳng thường xảy ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương, khối lượng công việc tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến cơ sở được đánh giá là không căng thẳng lắm vì tâm lý người bệnh thường tập trung vào tuyến cuối.

Gần đây báo Laodong.vn đăng bài: “2 bệnh viện trung ương (Bạch Mai và bệnh viện K - NV) thí điểm tự chủ toàn diện thất bại do tự chủ nửa vời” phản ánh bất cập trong chủ trương, chính sách đối với hoạt động của các bệnh viện thí điểm “tự chủ toàn diện”.

Hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, cấp giấy chứng nhận lưu hành thiết bị y tế bị đình trệ, hai cơ sở y tế tuyến trung ương là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện. Và cũng chưa biết đến bao giờ Việt Nam sản xuất được vaccine chống Covid-19, hàng vạn viên chức y tế bỏ việc,… là thực trạng của ngành Y hiện nay hay chỉ là hiện tượng cá biệt?

Những dẫn chứng nêu trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, rằng một bộ phận không nhỏ viên chức ngành Y có phải đang “dỗi” với cơ chế, chính sách của nhà nước chứ không phải do lương thấp?

Còn nhớ chuyện ông Nguyễn Thành Phong khi đang là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06/12/2018 đã phát biểu:

“Các cuộc thanh, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp thành phố nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính”. [4]

Phải chăng tình trạng “giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, viên chức, chậm giải quyết hồ sơ hành chính” của ngành Y chỉ là bản sao tình trạng của thành phố Hồ Chí Minh 4 năm trước mà vị cựu Chủ tịch thành phố này đã công khai phát biểu?

Các bậc cha mẹ ít nhiều đều chứng kiến chuyện trẻ con bỏ ăn vì dỗi với ông bà, cha mẹ.

Vậy câu chuyện của ngành Y hôm nay liệu có phải là sự “dỗi” không chỉ của các “chuyên gia” mà còn của gần vạn nhân viên trong ngành với chủ trương, chính sách của Nhà nước?

Hệ số lương và chế độ phụ cấp của viên chức ngành Y tế so với viên chức ngành Giáo dục và các ngành khác là tương đồng, nhưng thu nhập thực tế lại là chuyện hoàn toàn khác.

Nhà giáo bị cấm dạy thêm trong và ngoài trường, những người cố tình tổ chức dạy thêm luôn trong tâm trạng nơm nớp, nếu bị phát hiện có thể bị buộc thôi việc.

Ngành Y được phép sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bệnh viện để làm dịch vụ và thầy thuốc được làm thêm tại các khoa khám bệnh theo yêu cầu một cách hợp pháp.

Người viết mới đây đã hai lần đến khám bệnh tại “Khoa khám bệnh theo yêu cầu” thuộc một bệnh viện trung ương tại Hà Nội.

Tại một phòng khám, 4 bệnh nhân ngồi ghế vạch áo, thầy thuốc dùng tai nghe phía lưng người bệnh mỗi người mất vài giây, sau đó hỏi han vài ba câu về tình trạng hiện thời của từng người bệnh rồi quyết định bệnh nhân phải thử máu, chiếu chụp,… thời gian cho mỗi người chừng 05 phút, một đợt 04 người mất từ 20-30 phút.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp,… thầy thuốc xem xét rồi đọc tên thuốc cho nhân viên gõ vào máy tính và in ra giấy, thời gian cho mỗi bệnh nhân chưa đến 10 phút.

Lệ phí khám là 250.000 đồng, dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh là 491.000 đồng.

Thời gian khám, kết luận cho một đợt 04 bệnh nhân khoảng 1 tiếng, một buổi sáng có thể khám 4 đợt tức là 16 người, số tiền thu được vào khoảng 04 triệu đồng, cả ngày khoảng 8 triệu đồng.

Người viết đã mua thuốc tại quầy của bệnh viện, tổng tiền thuốc khoảng 3,5 triệu đồng.

Liệu có chuyện các quầy bán thuốc theo đơn của bác sĩ ngay trong khuôn viên bệnh viện không thu lãi từ hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh?

Vì Khoa Khám chữa bệnh dịch vụ không chỉ có một hoặc vài phòng khám nên tính sơ sơ số tiền thu từ khoa này mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng, vậy bác sĩ được hưởng bao nhiêu, nhân viên phục vụ được hưởng bao nhiêu?

Một thực tế không thể phủ nhận là lương, phụ cấp ngành Y thấp, không động viên được viên chức y tế yên tâm với nghề song các số liệu thống kê đều cho thấy chi phí cho y tế của người dân Việt Nam liên tục tăng.

“Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí từ tiền túi của người dân Việt Nam cho y tế vẫn tiếp tục gia tăng, kể từ năm 2010 (37,42%), đến 2019 là 42,95% tổng chi cho dịch vụ y tế; cao thứ 3/11 ở khu vực Đông Nam Á (sau Myanmar 75,95%; Campuchia 64,39%); cao hơn trung bình chung của thế giới (ở mức 18,01%)”. [5]

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: “Đóng bảo hiểm mà người dân vẫn phải chi hơn 40% tiền túi thì phải nghiên cứu xem lại vấn đề này”. [5]

Nhân phát biểu của Thủ tướng, xin mở rộng thêm sang lĩnh vực giáo dục, người lao động có thu nhập, khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ đều phải đóng thuế nhưng con em họ thi không đỗ vào lớp 10 công lập thì phải bỏ ra khá nhiều tiền để học tại cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Rất nhiều học sinh đỗ vào lớp 10 công lập không phải là học sinh khá, giỏi, đơn cử như năm 2022 “Nhiều trường công lập ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần mỗi môn hơn 3 điểm là trúng tuyển vào lớp 10”. [6]

Sự vô lý ai cũng biết này nằm ở chỗ các địa phương (quận, huyện,…) không đủ trường cấp 3 để tiếp nhận toàn bộ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nên phải dùng kỳ thi để loại bớt. Ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội, có trường lấy điểm chuẩn là 42, có trường chỉ là 17. Người thi đạt 35 điểm không thể đến học tại nơi điểm sàn là 17 vì nơi ở cách trường mấy chục cây số.

Đóng thuế như nhau, thi vào lớp 10 công lập bị trượt và do đó phải đóng tiền học mức cao cho con em theo học trung học phổ thông, phải chăng đây cũng là điều bất cập cần phải xem xét?

Và phải chăng ngành Y và Giáo dục nên cùng nhau giúp Chính phủ giải quyết?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vtv.vn/xa-hoi/cham-cap-giay-luu-hanh-trang-thiet-bi-y-te-20220820193026943.htm

[2]https://plo.vn/8-nguyen-nhan-khien-gan-9-400-vien-chuc-y-te-thoi-viec-bo-viec-post694964.html

[3] https://danviet.vn/quyen-bo-truong-bo-y-te-y-bac-si-nghi-viec-khong-phai-chi-vi-luong-thap-20220825171039735.htm

[4] https://vietnamnet.vn/chu-tich-tphcm-thanh-tra-khoi-to-nhieu-lam-giam-nhue-khi-cong-chuc-493114.html

[5] https://vietnamnet.vn/thu-tuong-yeu-cau-giam-chi-phi-y-te-tu-tien-tui-cho-nguoi-dan-2051885.html

[6] https://vietnamnet.vn/top-cac-truong-co-diem-chuan-vao-lop-10-thap-nhat-tai-tp-hcm-2022-2038663.html

Xuân Dương