Tại cuộc họp báo về công tác quản lý, điều hành giá sữa của Bộ Tài chính chiều ngày 14/5/2015, báo cáo về công tác điều hành, quản lý giá sữa trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết: Nhà nước đang thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa bằng 02 biện pháp: Quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (01/6/2014) và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (01/6/2014).
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá trả lời báo chí về công tác quản lý, điều hành giá sữa. |
Đến thời điểm hiện tại, 708 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được công bố giá tối đa, giá đăng ký và giá kê khai. Mức giảm giá từ 0,1-34% so với trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Trả lời báo chí về câu hỏi: “Tại sao giá sữa thế giới giảm nhưng tại Việt Nam, giá sữa vẫn ở mức cao?”, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng công nhận giá bán sữa bột của Việt Nam cho trẻ dưới 6 tuổi đang cao hơn các nước trong khu vực.
Giá sản phẩm sữa công thức tất cả các nhãn hàng của Việt Nam là 16 USD/kg, trong khi Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia chỉ từ 9,5 - 14 USD/kg. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng cho rằng, sự khác nhau trên là do nhiều yếu tố.
Hiện 70% nguồn nguyên liệu sản xuất sữa trong nước là nhập khẩu từ nước ngoài. Giá sữa nguyên liệu vừa qua có giảm nhưng sữa nguyên liệu chỉ là một trong số số yếu tố hình thành nên giá bán sữa thành phẩm bên cạnh những thành phần khác như Vitamin, khoáng chất… Tuy nhiên không phải sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nào cũng chứa đầy đủ các nguyên liệu sữa bột trong thành phần sản xuất.
Bên cạnh đó, báo cáo của Cục Quản lý giá cũng chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý giá sữa như: Nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa; Thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế…
Đây là lần đầu áp dụng biện pháp xác định giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại khác nhau, nhiều doanh nghiệp tham gia nên việc triển khai biện pháp giá tối đa còn có vướng mắc khi thực hiện đến khâu bán lẻ.
Trước thông tin giá sữa nguyên liệu giảm trong khi tờ khai của doanh nghiệp nhập khẩu qua hải quan không thấy đánh giá tới tác động giảm giá sữa trên thế giới, điều này dẫn tới nghi vấn chuyển giá từ nước ngoài trước khi sữa nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, kịp thời điều chỉnh giảm giá bán khi các chi phí trong cơ cấu giá thành sản phẩm như nguyên liệu, nhập khẩu thành phẩm giảm.
Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các nghi án về thao túng về chuyển giá khi nhập khẩu sữa về Việt Nam
Mặc khác, biện pháp áp trần giá sữa sẽ tiếp tục được áp dụng từ ngày 1/6 tới đây đến hết năm 2016.