Có nên dừng Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học?

11/08/2022 06:44
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học nhưng cần có những thay đổi cho phù hợp.

Báo Lao Động ngày 13/7/2022 cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn về việc tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động của Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. [1]

Bộ Giáo dục lấy ý kiến Cuộc thi khoa học kĩ thuật thế nào?

Theo đó, qua 10 năm (2012-2022) thực hiện tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổ chức tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện và bàn về việc tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Ban tổ chức mong nhận được ý kiến từ các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên, các em học sinh về những thuận lợi, khó khăn khi triển khai tổ chức cuộc thi trong thời gian qua và những kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt các cuộc thi trong những năm tiếp theo.

Phiếu hỏi ý kiến được lập ra nhằm thu thập ý kiến của các đối tượng như học sinh, sinh viên giáo viên, cán bộ quản lý về những nội dung có yêu cầu trong mẫu phiếu.

Phiếu hỏi ý kiến về Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học bao gồm cả những học sinh đã và chưa từng tham dự cuộc thi này. Phiếu hỏi ý kiến được triển khai theo Công văn tổng kết 10 năm tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tại đơn vị, xây dựng báo cáo tổng kết.

Hình thức trả lời khảo sát: tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động trong quá trình tham gia, tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học hằng năm theo các đường link đính kèm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai.

Cụ thể, câu hỏi dành cho cán bộ quản lý, giáo viên có nội dung: “Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có ý nghĩa thế nào trong giáo dục toàn diện và phát triển năng lực học sinh: A. Có ý nghĩa lớn; B. Có ý nghĩa; C. Bình thường; D. Không có ý nghĩa.

Việc tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học trong những năm qua là: A. Học sinh hào hứng tham gia; B. Học sinh chưa hào hứng tham gia; C. Tạo thêm áp lực cho học sinh; D. Tạo thêm áp lực cho nhà trường.

Thầy/cô có những đề xuất gì về việc tiếp tục tổ chức Cuộc thi học kỹ thuật: A. Nên xem xét dừng một thời gian để tìm biện pháp tổ chức phù hợp hơn; B. Nên tiếp tục tổ chức nhưng có những cải tiến cho phù hợp; C. Nên có sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ; D. Nên tăng số đề tài của tỉnh, thành tham dự cuộc thi toàn quốc.

Đối với học sinh, có câu hỏi: Theo em, lý do quan trọng nhất mà nhà trường tổ chức cho học sinh tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật là: A. Tạo sân chơi bổ ích cho học sinh; B. Tạo điều kiện cho học sinh được học tập, nghiên cứu; C. Vì thành tích của nhà trường; D. Vì lợi ích của học sinh.

Có nên dừng Cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học?

Liên quan Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, nhiều năm qua, các phương tiện truyền thông đã phản ánh nhiều tồn tại, bất cập, có dấu hiệu tiêu cực. Một số chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên có đề xuất nên dừng tổ chức cuộc thi này.

Cá nhân người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học nhưng có những cải tiến cho phù hợp. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin có một vài ý kiến góp ý cho cuộc thi như sau.

Thứ nhất, ngày 2/11/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. [2]

Mục đích cuộc thi có 4 nội dung (bạn đọc xem thêm bài viết 10 năm thi KHKT QG học sinh: Làm gì để tăng ứng dụng, bớt dự án "siêu phàm"), theo tôi chỉ nên giữ lại 2 nội dung sau:

- "Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống;

- Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học".

Nên bỏ nội dung "Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học", nhằm giúp các em chủ động hơn trong việc nghiên cứu, triển khai các dự án.

Riêng nội dung "Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế", Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên cân nhắc.

Hiện cuộc thi này chỉ dừng lại ở phạm vi của từng địa phương, chưa thấy "học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương"; còn nội dung "hội nhập quốc tế" là vượt quá khả năng của học sinh trung học (nếu không có sự can thiệp của người hướng dẫn).

Thứ hai, khoản 2 Điều 5 Thông tư quy định thí sinh là học sinh lớp 9, 10, 11, 12 được dự thi cuộc thi. Tôi cho rằng, nên bỏ quy định học sinh lớp 9 được dự thi, bởi các em còn thiếu kiến thức, kĩ năng để có thể nghiên cứu khoa học kĩ thuật.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem lại khoản 2 Điều 2 Thông tư quy định quyền lợi của học sinh đạt giải sao cho hợp lí. Bởi, một số đề tài (nhất là các đề tài dự thi cấp quốc gia, quốc tế) dự thi qua các năm được cho là quá tầm so với lứa tuổi, khả năng của học sinh trung học, kể cả các nhà khoa học chuyên ngành.

Ví dụ, các dự án liên quan đến việc phát hiện, điều trị bệnh hiểm nghèo (ung thư), vật liệu mới, thiết bị công nghệ cao trong y tế, phòng chống COVID-19, chống biến đổi khi hậu, cứu hộ... Thậm chí, có một số đề tài được cho là ngang tầm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Tránh gian dối trong nghiên cứu khoa học

Bàn về Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học, Tiến sĩ Dương Tú thuộc Đại học Purdue (Mỹ) nêu một vài gợi ý giúp học sinh tiếp cận với khoa học một cách chuyên nghiệp, bài bản, thực chất, bền vững thay vì bị một số người lớn dẫn dắt vào con đường gian lận và chạy theo thành tích ảo.

Được sự cho phép cho Tiến sĩ Dương Tú, tôi xin trích dẫn một số chia sẻ đầy tâm huyết của ông về cuộc thi này:

"Trong môi trường khoa học mà cả năng lực lẫn năng suất nghiên cứu của nhiều giáo sư, tiến sĩ vẫn còn tương đối khiêm tốn, thì việc học sinh mang những đề tài vượt quá xa cả điều kiện nghiên cứu tại các trường trung học lẫn khả năng của các em để dự thi ngay lập tức gây cảm giác tương phản và bất thường.

Với những trường hợp gian lận, có thể mang lại thành tích, niềm vui, niềm tự hào giả tạo nhất thời cho các bên liên quan - từ học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo đến nhà trường, các địa phương lẫn ngành giáo dục – nhưng hậu quả của gian dối có thể kéo dài rất nhiều năm tháng sau đó.

Những học sinh không có thực lực nhưng được bố mẹ, thầy cô tìm mọi cách biến thành tài năng khoa học thì sớm hay muộn, khả năng thật của học sinh sẽ lộ rõ khi các em rơi vào những hoàn cảnh, môi trường không còn sự bao bọc, che đỡ của người lớn.

Điều đáng tiếc hơn nhiều là những gì xảy ra với các học sinh thực sự có năng lực, hoàn toàn có thể thành công bằng chính tài năng của các em mà không cần phải gian dối, nhưng vẫn buộc phải tham gia vào sự dẫn dắt của người lớn.

Sau này khi các em trưởng thành hơn, hiểu biết hơn, nhận thức tốt hơn, những gian dối thời niên thiếu sẽ mãi là vết thương, gánh nặng và sự mặc cảm âm ỉ mà các em phải mang theo và che giấu suốt cuộc đời, gần như không bao giờ dám nói ra để giải thoát cho chính mình, bởi sợ ảnh hưởng đến bố mẹ và thầy cô - đó thực sự là một bi kịch lớn.

Tương tự, với những học sinh tham gia cuộc thi bằng tâm thế trung thực, thực hiện những dự án vừa sức, đúng với khả năng của các em nhưng không bao giờ có cơ hội tranh giải với các dự án gian lận, cả tình yêu của các em dành cho khoa học lẫn niềm tin vào sự trong sáng và liêm chính trong khoa học đều sẽ bị sứt mẻ và tổn thương nặng nề".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/giao-duc/bo-gddt-hoi-y-kien-giao-vien-co-nen-dung-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-1067835.ldo

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-38-2012-TT-BGDDT-Quy-che-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-150866.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên