Sau hơn một tháng có quyết định tách khỏi Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) và sẽ tiến hành cổ phần hóa, MobiFone được lệnh phải nhận hoàn thiện phương án cổ phần hóa ngay trong năm 2014 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.
Tuy nhiên, mọi vấn đề vẫn cứ ách tắc mà không ai biết ở chỗ nào, nguyên nhân gì?
Cũng như một số doanh nghiệp nhà nước trong ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang chịu nhiều áp lực và vướng mắc trong cổ phần hóa, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Ảnh minh họa. (Nguồn: XHTT) |
Theo Nghị định 99 áp dụng với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên), trên 50% vốn điều lệ (Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) hoặc không quá 50% vốn điều lệ (Công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và vốn góp của Nhà nước không quá 50% vốn điều lệ) thì dù MobiFone được cổ phần hóa, đây vẫn là một doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước sẽ nắm giữ cổ phần chi phối. Nhưng tỷ lệ vốn nhà nước tại MobiFone ra sao thì chưa rõ.
Có lẽ cũng do nhìn thấy những khúc mắc mà bên ngoài không thể thấy, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ tách MobiFone khỏi VNPT và không cần phải gánh theo các công ty thua lỗ thì Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ký công văn số1085/BTTTT-TCCB yêu cầu VNPT và MobiFone không được thay đổi nhân sự trước khi tái cơ cấu.
Tại công văn ngày 16/4/2014 này quy định rõ: VNPT và MobiFone phải giữ ổn định tổ chức, nhân sự, cơ sở vật chất, mạng lưới cho đến khi triển khai Đề án Tái cơ cấu VNPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu trong trường hợp cần có sự thay đổi về các nội dung trên, VNPT, MobiFone phải báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để xin ý kiến trước khi thực hiện.
Trước đó, ngày 08/4/2014, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã chủ trì Hội nghị thông báo kết quả Phiên họp ngày 31/3/2014 của Thường trực Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ đạo cần tổ chức lại các đơn vị thuộc VNPT để cả các đơn vị tách ra lẫn những đơn vị ở lại đều phát triển mạnh hơn sau tái cơ cấu; trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, kiên quyết không để gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ, đào tạo, điều dưỡng, khám chữa bệnh… của VNPT cũng như của các đơn vị được chia tách.
VNPT khẩn trương xây dựng phương án bàn giao nguyên trạng MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Đề án khẩn trương xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa MobiFone để thực hiện trong năm 2014…
Trong quá trình tổ chức lại, cả VNPT và MobiFone cần đặc biệt chú ý làm tốt các khâu: Khẩn trương tổ chức lại bộ máy theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Sắp xếp nhân sự (điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, thay đổi vị trí công tác…bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, bố trí đúng người, đúng việc.
Rõ ràng việc tách doanh nghiệp nhà nước nào ra để cổ phần hóa phải để thúc đẩy thị trường, để VNPT lớn mạnh chứ không phải để lợi ích Nhà nước bị tư nhân hóa vào những nhóm lợi ích. Nên quyết định của Thủ tướng Chính phủ với MobiFone đã mang ý nghĩa rất quan trọng làm hay đổi hoàn toàn cục diện của thị trường viễn thông Việt Nam trong nhiều năm tới, qua đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế.
Hơn nữa, theo các lộ trình cam kết của chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế, thì điểm cuối 2015 và năm 2015 là hai mốc rất quan trọng khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông khẳng định, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là tách MobiFone ra để cổ phần hóa, thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển và thúc đẩy cạnh tranh bền vững theo hướng minh bạch hơn.
Theo ông Hải, không chỉ Nhà nước yêu cầu nhanh mà bản thân ngành viễn thông cũng cần phải thúc đẩy nhanh vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp, 10 năm đã là quãng thời gian quá dài, quá lâu làm nao núng rất nhiều tâm tư, suy nghĩ của đội ngũ những người liên quan cũng như ảnh hướng nhất định đến quá trình kinh doanh thời gian qua, dẫn đến khi cổ phẩn hóa sẽ thiếu đi thuận lợi.
Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng, đặt vấn đề cổ phần hóa MobiFone 3 năm là quá chậm. Theo ông Hải, trong những lần họp với Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng nếu để 3 năm là quá dài. Và việc cổ phần hóa tại MobiFone lần này được hoàn thành sau năm 2015 thì nhiều khả năng tỷ lệ cổ phần được bán ra bên ngoài sẽ được mở rộng hơn.
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc VNPT kiêm Chủ tịch MobiFone, người từng giữ chức Tổng Giám đốc MobiFone nhiều năm, đặc biệt là giai đoạn “thấp thỏm đợi cổ phần” thì bản chất, MobiFone chỉ là khởi động lại chứ không mất nhiều thời gian như đối với những doanh nghiệp lần đầu có quyết định cổ phần hóa.
Tất cả các chuyên gia ngành viễn thông cũng nhận định rằng, do mọi bước cho việc cổ phần hóa đã được MobiFone chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng quy trình nên hoàn toàn có thể sớm khởi động lại chứ không mất nhiều thời gian như đối với những doanh nghiệp bắt đầu từ con số 0.
Theo thỏa thuận đã được ký với Credit Suisse trước đó thì hợp đồng tư vấn của MobiFone và Credit Suisse vẫn đang trong quá trình thực hiện và chưa được kết thúc hay thanh lý. Do vậy, nếu tiếp tục làm, thì Credit Suisse sẽ phải hoàn tất khâu tư vấn này cho MobiFone đến khi doanh nghiệp có thể bắt đầu IPO lần đầu tiên.
Một chuyên gia kinh tế cũng như là người theo dõi ngành viễn thông Việt Nam trong nhiều năm khẳng định rằng, với quyết tâm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu MobiFone thúc đẩy quá trình cổ phần hóa ngay, trên cơ sở không có sự xáo trộn về từ cơ cấu nhân sự, đến các chiến lược phát triển thì chắc chắn mọi việc có thể sẽ hoàn tất trong năm 2015.
Tuy nhiên, khi phóng viên Vietnam+ đang thực hiện bài viết này, thì có tin sẽ có họp báo ngắn vào ngày 26/6 để thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao trong cơ cấu của MobiFone!
Tin này, có vẻ như không bất ngờ với cả người trong lẫn ngoài cuộc. Chỉ có điều, họ vẫn không hiểu tại sao phải thay đổi, nếu như Chính phủ muốn đẩy nhanh tiến độ cũng như xúc tiến IPO MobiFone hiệu quả nhất?
Và, có lẽ "chuyến tàu cổ phần hóa" của MobiFone vào năm 2015 có tiếp tục bị lỡ như 10 năm trước đây hay không vẫn còn là một ẩn số, khi nhân sự cấp cao kia chưa biết sẽ tiếp tục lên tàu hay bỏ vé đi và làm lại từ đầu?/.