Tại phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng ngày 15/3 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: "Người ta rất quan tâm đến khoa học cơ bản thì mới ra được trí tuệ nhân tạo, những nhà khoa học, rồi công nghệ sinh học, lượng tử...”.
Vật lý học là một trong những ngành khoa học cơ bản, có vai trò rất quan trọng trong việc hiểu về các nguyên lý cơ bản của tự nhiên và có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý học có thể đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học đến ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp, giáo dục và các tổ chức nghiên cứu. Tuy nhiên, ở một số cơ sở giáo dục đại học, ngành này chưa hấp dẫn được nhiều người học.
Tại Việt Nam, ngành Vật lý học được đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào hay học phí cũng có sự khác biệt.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Khoa Vật lý của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị đào tạo ngành Vật lý học hàng đầu tại Việt Nam. Trường cung cấp các chương trình đào tạo đại học, sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) về Vật lý học và các lĩnh vực liên quan.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển 85 chỉ tiêu đối với ngành Vật lý học trình độ đại học, xét tuyển theo 5 phương thức bao gồm: Tuyển thẳng, Xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024; Xét điểm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển kết hợp.
Trước đó năm 2022 và 2023, số sinh viên nhập học ngành Vật lý học tại trường đều cao hơn chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2022 trường tuyển 70 chỉ tiêu với ngành Vật lý học, số sinh viên nhập học là 74. Tương tự năm 2023 chỉ tiêu tuyển sinh là 70, số sinh viên nhập học là 77 em.
Theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm chuẩn ngành Vật lý học tại trường cũng có sự biến động qua các năm. Mức điểm chuẩn từ năm 2022, 2023 và 2024 lần lượt là 24,05 điểm; 24,2 điểm và 25,3 điểm.
Về học phí, năm học 2024-2025 ngành Vật lý học có mức học phí là 2,7 triệu đồng/ tháng, tương đương khoảng 27 triệu đồng/ năm học. Lộ trình tăng không quá 10% so với năm học trước.

Trường Đại học Đà Lạt
Năm 2022, Trường Đại học Đà Lạt tuyển 20 chỉ tiêu với ngành Vật lý học. Theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm trúng tuyển của ngành Vật lý học là 16 điểm, số lượng sinh viên nhập học chỉ có 2 em.
Năm 2023 trường giữ nguyên mức điểm trúng tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Vật lý học còn 8 chỉ tiêu. Theo đó, số sinh viên nhập học trong năm học này là 6 em.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 nhà trường công bố, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của đơn vị là 2.850 chỉ tiêu, trong đó ngành Vật lý học có 30 chỉ tiêu, sử dụng 4 phương thức xét tuyển đó là Xét tuyển dựa dựa vào kết quả thi Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển dựa vào kết quả học bạ Trung học phổ thông (kết quả học tập cả năm lớp 12 hoặc kết quả học tập cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12); Sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các đại học Quốc gia và đại học vùng; Xét tuyển thẳng.
Năm 2024, học phí ngành Vật lý học tại Trường Đại học Đà Lạt là 6,5 triệu đồng/học kỳ, tương đương 13 triệu đồng/năm. Điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 17 điểm.
Theo thông tin tuyển sinh nhà trường mới công bố, năm 2025, mức học phí dao động 7,5 - 9 triệu đồng/học kỳ, tương đương 15 - 18 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trường dự kiến tuyển 20 chỉ tiêu đối với ngành Vật lý học.
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Theo Đề án tuyển sinh năm 2020 nhà trường công bố, năm 2018 trường tuyển 40 chỉ tiêu và năm 2019 tuyển 25 chỉ tiêu đối với ngành Vật lý học. Tuy nhiên không có thí sinh nào nhập học.
Từ năm 2021 - 2023, nhà trường dừng tuyển sinh đối với ngành Vật lý học.
Năm 2024, trường tiếp tục tuyển ngành Vật lý học với 20 chỉ tiêu, áp dụng các phương thức xét tuyển bao gồm: Xét tuyển dựa dựa vào kết quả thi Trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập cấp Trung học phổ thông (học bạ); Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc kết quả học tập cấp Trung học phổ thông (học bạ) kết hợp với thi năng khiếu; Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.
Theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm trúng tuyển ngành học tại trường năm 2024 là 15 điểm.
Về học phí, ngành Vật lý học thuộc khối ngành IV Ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên. Năm học 2024 - 2025, mức học phí của khối ngành này tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là 1.520.000 triệu đồng/tháng, khoảng hơn 15 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển 280 chỉ tiêu đối với nhóm ngành Vật lý học, Công nghệ Vật lý điện tử và tin học, Công nghệ bán dẫn. Ngành Vật lý học ( Chương trình tăng cường tiếng Anh) có 50 chỉ tiêu.
Về mức học phí, năm học 2024 - 2025, học phí của ngành Vật lý học chương trình đào tạo chuẩn là 24,7 triệu đồng/năm. Học phí của ngành Vật lý học chương trình tăng cường Tiếng Anh là 40 triệu đồng/năm.

Theo phương thức dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm chuẩn ngành Vật lý học chương trình chuẩn là 25,10 điểm. Điểm chuẩn ngành Vật lý học chương trình tăng cường Tiếng Anh là 23 điểm.
Đáng chú ý, trong năm 2022 và năm 2023, số sinh viên nhập học ngành Vật lý học đều cao hơn chỉ tiêu được giao. Cụ thể năm 2022 chỉ tiêu tuyển sinh là 80, số sinh viên nhập học là 163. Năm 2023 chỉ tiêu tuyển sinh là 66, số nhập học là 169 sinh viên.
Để độc giả tiện theo dõi, phóng viên đã thống kê điểm chuẩn ngành Vật lý học tại các cơ sở giáo dục đại học trong năm 2024 theo phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
