Ngày 8/2 The Telegraph đưa tin, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với 7,3% năm 2015, năm 2016 được dự báo là 7,6% và trước đó là 7,2% trong năm 2014. Trong khi đó Trung Quốc chỉ đạt 6,9% trong năm 2015 – thấp nhất trong 25 năm qua.
Giới quan sát cho rằng lúc này là thời điểm cuối cùng để Ấn Độ bắt đầu tỏa sáng. Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF nhận định, chương trình cải cách đầy tham vọng của ông Modi có vai trò cực kỳ quan trọng khai thác tiềm năng, thúc đẩy sự tăng trưởng của Ấn Độ. Theo dự báo, vào năm 2019, quy mô kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua cả Nhật Bản và Đức cộng lại.
Ngày 9/2 The Telegraph đưa tin tỷ giá USD/JPY chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2014 với 115 JPY đổi được 1 USD – hiệu ứng của hiện tượng bán tháo chứng khoán châu Âu và Mỹ vào thị trường châu Á vẫn tiếp tục diễn ra. Điều này làm cho những nhà đầu tư Nhật Bản kiếm lời tựa như mang tiền về nhà từ thị trường toàn cầu đầy biến động.
Cùng lúc đó là tâm lý lo lắng của những nhà đầu tư Mỹ. Bây giờ họ chú ý nhiều hơn đến sự trấn an của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen trước Quốc hội vào ngày Thứ Tư (10/2). Bà Janet Yellen vẫn giữ quan điểm tăng lãi suất nên có thể nhìn thấy sự sáng sủa hơn đối với đồng USD và những nhà đầu tư vào thị trường Mỹ.
Đồng yên Nhật (JPY) yếu đi so với đồng đô la Mỹ (USD) có thể được Trung Quốc tận dụng làm lợi cho mình. Ảnh: The Telegraph. |
Cùng với việc hai con số tăng trưởng và tỉ giá được đưa ra là tâm lý trái ngược nhau của những nhà đầu tư, cũng như triển vọng của những nền kinh tế trong thời gian tới.
Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu vốn đang bị ảnh hưởng bởi xung đột và giá dầu thô giảm thê thảm. Tuy nhiên, theo người viết thì có một nền kinh tế sẽ được lợi bởi cả hai chỉ số ấy – đó là kinh tế Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chiến lược Bắc Kinh đang tạo ra thế cờ rất có lợi cho họ từ 2 con số này, trong đó ấn định tỉ giá phi thị trường, không sòng phẳng vẫn là công cụ và thủ đoạn hữu hiệu cho Trung Quốc thực hiện âm mưu thống trị kinh tế thế giới.
Tỉ giá "bẩn" tạo thế cờ
Vì biên độ tỷ giá của đồng nhân dân tệ (CNY) được điều tiết bởi ý đồ có chủ đích của chính phủ trung ương chứ không do thị trường quyết định, nên thị trường tài chính Trung Quốc gần như không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ (USD) với đồng yên Nhật (JPY).
Cũng như vậy, hoạt động thương mại của Trung Quốc cũng không bị thiệt hại bởi thay đổi tỷ giá giữa các đồng ngoại tệ mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu.
Nước cờ lợi hại |
Phải nói lại rằng, dựa vào lợi thế của một thị trường rộng lớn, một nền kinh tế có quy mô lớn và đã thay thế Mỹ chi phối trong một số lĩnh vực của nền kinh tế thế giới nên Trung Quốc đã tham gia vào sân chơi của kinh tế thế giới một cách không song phẳng, mà việc lập hàng rào bảo hộ mậu dịch thông qua điều tiết tỷ giá là một sự "chơi bẩn" của quốc gia này.
Dù cho sự yếu đi hay mạnh lên của đồng đô la Mỹ, đồng euro, đồng bảng Anh hay đồng yên Nhật có gây ra những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu thì đồng nhân dân tệ vẫn luôn là công cụ tài chính giúp cho hệ thống tài chính – tiền tệ của Trung Quốc có thể miễn nhiễm với những biến động ấy.
Không chỉ không bị thiệt hại bởi sự thay đổi tỷ giá giữa những ngoại tệ mạnh trên thế giới, mà Trung Quốc còn tạo ra được cơ chế để làm lợi cho mình từ lợi thế có được do bất bình đẳng mang lại cho họ. Từ hoạt động dịch vụ tài chính đến hoạt động trao đổi thương mại, Trung Quốc đều có thể được lợi từ biến động tỷ giá giữa các ngoại tệ mạnh.
Khi đồng USD mạnh lên so với đồng JPY, lợi thế trong cán cân thương mại Mỹ - Nhật sẽ nghiêng về phía đất nước mặt trời mọc. Bởi khi đó hàng Nhật trở nên rẻ hơn trên thị trường Mỹ, nhưng hàng Mỹ lại trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường Nhật, lợi nhuận/giá thành sản phẩm của Nhật tăng lên, và của Mỹ giảm đi. Mặt khác, tình trạng Mỹ nhập siêu từ Nhật được kích thích.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen – người có quyết định ảnh hưởng đến tỷ giá USD/JPY và Trung Quốc đều được hưởng lợi với bất cứ tỷ giá nào. Ảnh: Reuters. |
Trước cơ hội đó Trung Quốc sẽ thúc đẩy xuất siêu vào Mỹ và nhập siêu từ Nhật – lấy tiền của Mỹ và mua hàng của Nhật. Do tỷ giá CNY/USD không đổi nên Trung Quốc không bị thiệt với Mỹ. Và Trung Quốc dùng USD thu được xuất hàng cho Mỹ để thanh toán cho hàng hóa nhập từ Nhật để hưởng chênh lệch tỷ giá JPY/USD.
Để dễ hiểu, người viết đưa ra một bài toán kinh tế, qua đó sẽ thấy Trung Quốc được hưởng lợi như thế nào từ việc đồng đô là Mỹ (USD) mạnh lên so với đồng yên Nhật (JPY).
Chẳng hạn Trung Quốc xuất một lô hàng sang Mỹ và thu về 1.000.000USD.
Vì tỷ giá CNY/USD được điều tiết nên không đổi, vì vậy Trung Quốc vẫn thu đủ số tiền này.
Trung Quốc nhập lô hàng của Nhật tính bằng JPY và có trị giá là 114.000.000 JPY.
Nếu như trước đây tỷ giá là: 1USD = 114JPY thì Trung Quốc phải trả cho Nhật 1.000.000USD.
Nay tỷ giá thay đổi là: 1USD = 115JPY thì Trung Quốc chỉ phải trả cho Nhật là :
C = 114.000.000/115 = 991.304,35USD
Nghĩa là Trung Quốc xuất một lô hàng sang Mỹ và nhập một lô hàng từ Nhật cùng giá trị 1.000.000USD thì họ đã được lợi là:
P = 1.000.000 – 991.304,35 = 8.695.65USD.
Với hàng trăm tỷ USD xuất vào Mỹ và nếu dùng số tiền ấy nhập hàng từ Nhật thì ta sẽ thấy Trung Quốc hưởng lợi lớn như thế nào.
Quy trình ngược tinh vi |
Tuy nhiên, theo giới phân tích thì sau khi hết thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thị trường tài chính một số nước Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc…sẽ mở cửa trở lại và cùng với hy vọng FED tăng lãi suất làm cho tỷ giá USD/JPY tăng lên.
Điều đó làm cho những nhà xuất khẩu Nhật Bản đau đầu, vì hàng hóa của Nhật sẽ trở nên đắt hơn tại thị trường Mỹ và lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ sụt giảm, The Telegraph ngày 9/2 bình luận.
Song với Trung Quốc thì họ vẫn có lợi, thậm chí lợi hơn nếu USD yếu đi so với JPY. Bởi lẽ lúc đó Trung Quốc có lợi với cả Mỹ và Nhật trong cả hai hoạt động xuất khẩu – nhập khẩu, chứ không chỉ có lợi một chiều – với Mỹ là xuất, với Nhật là nhập – khi đồng USD mạnh lên so với đồng JPY, như đã phân tích qua bài toán kinh tế ở trên.
Và cũng nên nhắc lại rằng năm 2014, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 4.000 tỷ USD, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành quốc gia có giá trị hoạt động thương mại lớn nhất thế giới. Với vị thế như vậy, Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ thủ đoạn tỉ giá bất bình đẳng, không sòng phẳng của mình.
Trung Quốc có được lợi từ hoạt động kinh tế của mình và cả do hoạt động kinh tế của các quốc gia khác mang lại, theo BBC ngày 25/2/2015.
Do đó, với Mỹ và Nhật, ngoài việc sử dụng công cụ tác động vào thị trường tài chính làm sao cho tỷ giá thay đổi có lợi cho cả hai bên, thì còn phải tính toán để hạn chế tối đa tình trạng "cốc mò cò xơi", Trung Quốc ngồi không trục lợi từ cơ chế tác động ấy. Do biên độ tỷ giá giữa USD với JPY được quyết định bởi thị trường tự do nên cơ chế tác động không dễ dàng mang lại hiệu quả ngay.
Muốn tránh bị hôi của bởi trò chơi tỉ giá của Trung Quốc thì phải tìm kiếm một đối tác mới, một thị trường mới có thể thay thế hoặc đối trọng với Trung Quốc trong tương lai. Ấn Độ được xem là một đối tác tin cậy cho Mỹ và Nhật gửi gắm kỳ vọng. Oái oăm thay, chính điều này lại cũng đang tạo một thế cờ có lợi cho Trung Quốc và họ có thể tính toán khai thác thế cờ được người khác tạo ra vào mục đích của mình.
Đòn "phản khách vi chủ"
Điều trước tiên để nền kinh tế Ấn Độ có thể thay thế sức mạnh nên kinh tế Trung Quốc thì nó phải là một nền kinh tế có quy mô lớn. Bởi lẽ, chỉ khi nền kinh tế có quy mô lớn thì Ấn Độ mới có được thế mạnh, từ đó hình thành nên sức mạnh và tham gia quyết định những vấn đề quan trọng và mang tính toàn cầu của kinh tế thế giới.
Thế lực thống trị mới đang bắt đầu |
Điều này cho thấy, kinh tế Ấn Độ phải bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ - giống như giai đoạn phát triển của Trung Quốc hơn một phần tư thế kỷ qua. Có thể cơ cấu kinh tế của Ấn Độ không giống như của Trung Quốc thời kỳ phát triển cực nóng ấy, nhưng mục tiêu thì không khác và không thể khác được.
Với con số tăng trưởng là 7,3% trong năm 2015 – vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới – cho thấy Ấn Độ đã chính thức bước vào giai đoạn bùng nổ. Và như nhận định của giới phân tích thì đây là thời điểm thuận lợi nhất cho kinh tế Ấn Độ cất cánh với cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
Và có lẽ cả thế giới, nhất là Mỹ và Nhật, 2 nước G7 còn lại không tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), đang chờ đợi Ấn Độ sẽ thay thế vị thế của Trung Quốc vì thói "chơi bẩn" của quốc gia đông dân nhất thế giới này trong sân chơi của kinh tế toàn cầu. Và cũng qua chỉ số tăng trưởng của Ấn Độ, người ta tin Trung Quốc sẽ nhanh chóng lùi lại phía sau.
Theo The Telegraph, việc quy mô nền kinh tế Ấn Độ vượt qua quy mô kinh tế Trung Quốc sẽ diễn ra trong thời gian không xa nữa. Điều đó trở thành hiện thực bởi 2 lý do quan trong. Thứ nhất, tiềm lực của Ấn Độ từ thị trường rộng lớn – dân số cũng đã hơn 1 tỷ người – đến chính sách của chính phủ.
Đặc biệt từ khi ông Modi lên làm Thủ tướng, đất nước Ấn Độ đã có những đổi thay tích cực, mà chính sách của chính phủ Modi là một phần quan trọng tạo ra những khởi sắc như vậy. Có thể thấy rằng, trước khi cất cánh, nền kinh tế Ấn Độ đã có những bước chạy đà, khởi động ấn tượng – một sự chuẩn bị khá tốt.
Cùng lúc đó là việc Mỹ và Nhật chủ động tạo thế cờ như một cú hích cho Ấn Độ với những hiệp định mà chính quyển của Tổng thống Mỹ Barak Obama và chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dành cho Ấn Độ qua các chuyền thăm của Thủ tướng Modi đến những nước này và ngược lại.
Kinh tế Ấn Độ đang bước vào gian đoạn phát triển bùng nổ và có lợi cho Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, lý do thứ hai quan trọng hơn nhiều, đó là Trung Quốc thay đổi chiến lược phát triển kinh tế bằng việc tái cơ cấu lại nền kinh tế - một động thái được xem như Trung Quốc chủ động “nhường” Ấn Độ qua mặt cả về chỉ số tăng trưởng lẫn quy mô nền kinh tế.
Triết lý phát triển của Trung Quốc đã khác trước, đó là Trung Quốc hướng vào phát triển một nền kinh tế mạnh mà không cần lớn chứ không phải là một nên kinh tế lớn nhưng lại không mạnh như trước đây. Và với những lợi thề có được và đã tạo ra được, Trung Quốc có đủ điều kiện để thực hiện triết lý kinh tế mới của mình.
Song với Ấn Độ thì chưa thể phát triển một nền kinh tế vừa lớn vừa mạnh lúc này. Mục tiêu phát triển một nền kinh tế quy mô lớn phải là ưu tiên trong chiến lược phát triển của họ ở giai đoạn hiện nay.
Theo The Telegraph, hiện tại những lĩnh vực giúp nền kinh tế phát triển chiều sâu như dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, thương mại điện tử của Ấn Độ đang phát triển chậm và giảm tỷ trọng trong cơ cấu GDP.
Có thể nhận định rằng Ấn Độ không chỉ “gánh vác” trách nhiệm của thế giới – mà trực tiếp là Mỹ và Nhật – trong việc chế ngự Trung Quốc, mà thực ra còn “gánh vác” đỡ cho Trung Quốc những gánh nặng mà họ trót gánh và đang gây hậu quả tại đất nước họ.
Bởi vì Ấn Độ tham gia sáng lập AIIB nên sẽ có kết nối với Trung Quốc ở cấp độ cao hơn một đối tác. Có thể Ấn Độ sẽ là quốc gia được Bắc Kinh ưu tiên cho sử dụng vốn của AIIB để phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng. Và có thể nói rằng hướng tới Ấn Độ là một trong những mục tiêu quan trọng mà Tập Cận Bình cho thành lập AIIB.
Trong thời gian tới nếu sự hợp tác và đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ tăng đột biến trong những lĩnh vực kinh tế mà tại Trung Quốc nó đang suy giảm thì cũng không có gì bất ngờ. Và có thể Trung Quốc mới là quốc gia giúp cho Ấn Độ nhanh chóng qua mặt họ về quy mô nền kinh tế, chứ không phải là Mỹ và Nhật.
Thế là Ấn Độ từ chỗ được xem là quân cờ được dùng vào việc chế ngự Trung Quốc thì lại có nguy cơ bị Trung Quốc chế ngự, dùng làm trở lực trước sự chèn ép của hai đối thủ Nhật – Mỹ. Và có thể Ấn Độ càng phát triển nhanh, càng bùng nổ thì Trung Quốc càng hưởng lợi, chứ không phải là Mỹ - Nhật. Quân cờ Ấn độ trở nên vô hại với Trung Quốc.
Hai con số - sự tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ và tỷ giá USD/JPY giảm – tưởng chừng như hai chỉ số kinh tế hoàn toàn tách biệt, nhưng thật ra chúng có liên quan đến nhau thông qua một thực thể - kinh tế Trung Quốc.
Với hai chỉ số kinh tế ấy, một thế cờ được tạo ra và người được lợi từ thế cờ ấy là người không tham gia bàn cờ nhưng lại có thể ép người khác đi những nước cờ có lợi cho họ.
Với ý đồ thống trị thế giới, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xây dựng chiến lược công – thủ toàn diện. Có thể ông Tập Cận Bình đã nhận ra Trung Quốc có nhiều kẻ thù, nhiều đối thủ quyết tâm ngăn chặn mộng bá chủ của Bắc Kinh, vì vậy mọi chính sách đều được vạch ra với yêu cầu tạo thế cho Trung Quốc có thề chiến thắng đối thủ ở mọi cấp độ, dù có phải dùng “mưu hèn kế bẩn” đi chăng nữa.