Tại Bộ Công thương có Tổng Cục Quản lý thị trường (vừa được nâng cấp từ Cục Quản lý thị trường). Các địa phương có Chi cục Quản lý thị trường. Nhiệm vụ của những đơn vị này là kiểm tra, phát hiện và xử lý những vi phạm của các đơn vị kinh doanh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đó là nhìn ở mặt tích cực!
Thế nhưng với chức năng, nhiệm vụ như vậy thì quyền của Tổng Cục Quản lý thị trường hay Chi cục Quản lý thị trường ở các địa phương cũng rất lớn. Cũng chính vì thế mà nhiều người lo sợ xảy ra chuyện lạm quyền ở cán bộ quản lý thị trường. Nếu trình độ hạn chế hoặc tâm không sáng trong lúc thi hành nhiệm vụ rất dễ dẫn tới lạm quyền, làm ẩu, gây thiệt hại khôn lường.
Chỉ cần 0,43 giây trên google là có thể tìm ra hàng nghìn kết quả liên quan tới phản ánh của người dân, doanh nghiệp về sai phạm, biểu hiện lạm quyền của cán bộ quản lý thị trường ở nhiều địa phương. Nhiều vụ việc trong số đó khiến cho doanh nghiệp lao đao, thậm chí suýt phá sản cả một thương hiệu, phá sản luôn doanh nghiệp.
Đó là vụ việc Đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra và thu giữ 2,2 tấn xúc xích Viet foods với lý do phẩm không phù hợp quy định an toàn thực phẩm vào tháng 4/2016.
Tuy nhiên, sau đó Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã kết luận hàm lượng Natri Nitrat INS 251 được phát hiện trong xúc xích Viet Foods là an toàn cho người sử dụng thì Đội Quản lý thị trường số 14 đã âm thầm trả lại 2,2 tấn xúc xích.
Xúc xích Vietfoods từng bị đổ oan là có chứa chất gây ung thư khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều tỷ đồng. ảnh: HY. |
Dù lấy lại được số sản phẩm trên nhưng hậu quả thì vô cùng nghiêm trọng đối với Vietfoods. Đó là khi thu giữ hàng hóa, dù chưa có kết quả kiểm nghiệm sản phẩm nhưng Quản lý thị trường đã công bố thông tin xúc xích của Vietfoods có chất gây ung thư, khiến cho cơ sở này phải ngừng sản xuất, hơn 100 công nhân phải nghỉ việc.
Doanh nghiệp ước tính số tiền thiệt hại lên tới hơn 10 tỷ đồng và gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm này.
Những cá nhân được xác định vi phạm gồm: Đội trưởng Quản lý thị trường số 14 – ông Hoàng Đại Nghĩa; 2 đội phó là ông Lê Việt Phương và ông Lê Đức Thanh; Kiểm soát viên thị trường là ông Phạm Anh Tuấn và bà Tống Vân Huyền.
Thế nhưng ngày 20/9/2016, Hội đồng kỷ luật Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội họp, bỏ phiếu với kết quả: không đề xuất kỷ luật và kiến nghị hình thức phê bình, rút kinh nghiệm trước toàn lực lượng quản lý thị trường Hà Nội. Người đứng đầu Đội Quản lý thị trường 14 chỉ bị chuyển công tác sang làm Đội trưởng Quản lý thị trường Quận Nam Từ Liêm.
Báo Tiền Phong ngày 13/6 đăng trả lời của ông Chu Xuân Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: “Hai bên đã có trả lời chính thức, xảy ra điều đáng tiếc với doanh nghiệp là do cơ chế. Văn bản của Viet foods cũng không yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường phải xin lỗi. Chi cục mong doanh nghiệp thông cảm, có sự chia sẻ phù hợp”.
Choáng váng với lối hành xử của những cán bộ Quản lý thị trường ấy, dư luận phải đặt ra câu hỏi: Nếu doanh nghiệp thông cảm thì ai sẽ gánh chịu những thiệt hại cho họ? Lương tâm của họ để ở đâu mà lại tung tin nghi ngờ sản phẩm có chứa chất gây ung thư?
Trước đó vào năm 2013, cũng lực lượng Quản lý thị trường tại Hà Nội (Đội 12) đã kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Mạnh Cầm tại địa chỉ 32 Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội và niêm phong toàn bộ 5.600 hộp sữa dê Danlait của công ty này do nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm.
Tháng 3/2013, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế đã có kết luận kiểm nghiệm sữa Danlait do Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội gửi mẫu. Kết quả cho thấy tất cả chỉ số của sữa đều trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên, Quản lý thị trường Hà Nội vẫn giữ lô hàng gần 3 tháng (từ 21/2-13/5/2013) mới trả lại toàn bộ số sữa dê Danlait bị tạm giữ.
Doanh nghiệp cho biết số hàng này không được bảo quản đúng quy trình, gây móp méo, hư hỏng và thiệt hại tới 1,25 tỷ đồng, vì vậy đã tiến hành khởi kiện Cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội và cá nhân ông Vương Trí Dũng - Phó Chi Cục trưởng (người ký quyết định).
Kịch bản của vụ việc này cũng giống vụ Vietfoods ở một điểm là hàng hóa bị kiểm tra và thu giữ. Hàng loạt thông tin thất thiệt không được kiểm chứng tràn lan trên mạng xã hội nhằm vào sản phẩm của Công ty Mạnh Cầm.
Hậu quả là sau sự việc này, doanh nghiệp rơi vào cơn khủng hoảng và đến khi được "minh oan" thì sữa dê Danlait cũng gần như biến mất trên thị trường.
Cán bộ nhà nước không thể dùng chiêu trò, gây họa cho doanh nghiệp
Mới đây nhất là vụ việc Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) ra quân rầm rộ phối hợp với đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra Công ty Cổ phần Con Cưng.
Một số tờ báo đã đăng tải thông tin từ lực lượng quản lý thị trường, một số tài khoản facebook dường như đã có sự chuẩn bị từ trước, chỉ chờ có thế để lan truyền trên mạng xã hội, giống như thể doanh nghiệp này đang có nhiều vi phạm rất nặng, bán hàng giả, hàng nhái, gây lo lắng cho người tiêu dùng.
Vụ việc này có kịch bản hệt như vụ Vietfoods, đó là khi đang kiểm tra nhưng thông tin đã tràn ngập khắp nơi, gây ảnh hưởng không nhỏ cho hoạt động của doanh nghiệp.
Nhưng rốt cuộc thì doanh nghiệp này chỉ vi phạm hành chính và những hậu quả họ phải gánh chịu về mặt truyền thông đến nay chưa thể tính hết được.
Cần phải nói thẳng ra rằng, để xảy ra những sự cố như vậy, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị quản lý thị trường – với lối làm ăn tắc trách, lạm quyền, có xu hướng áp đặt và luôn tìm cách phủi trách nhiệm.
Một số phương tiện truyền thông đã lan truyền thông tin sai sự thật về Công ty Cổ phần Con Cưng. ảnh: HL. |
Nhìn vào lối hành xử thô bạo ấy, nhiều người ví von rằng liệu Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng Cục Quản lý thị trường) có phải "Con Cưng" của Bộ Công thương không?
Cũng mừng là trước những bức xúc từ dư luận, Bộ Công thương tiếp tục thành lập tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Cổ phần Con Cưng của Cục Quản lý thị trường và đánh giá hoạt động của tổ công tác triển khai quyết định số 334/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Nhiệm vụ của tổ công tác này là rà soát, đánh giá lại việc chấp hành pháp luật về hoạt động công vụ của cá nhân, tập thể lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và các cá nhân liên quan trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Công ty Cổ phần Con Cưng; đánh giá hoạt động của Tổ công tác triển khai Quyết định số 334/QĐ-BCT và kiến nghị Bộ trưởng các biện pháp xử lý các cá nhân, tập thể vi phạm hoạt động công vụ nếu có.
Mới nhất, trong buổi làm việc sáng ngày 22/8/2018, ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Công thương nói rất thẳng thắn về quản lý thị trường rằng, thực trạng vừa qua cũng cho thấy, ở một số bộ phận, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực. Đó là những bài học rất đau đớn và chua xót, cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới.
Những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng quản lý thị trường.
Nhưng cũng nhiều ý kiến lo ngại, liệu rằng những sai phạm của cán bộ quản lý thị trường (nếu có) sẽ được xử lý triệt để, nghiêm khắc và minh bạch, hay chỉ là xoa dịu dư luận, "rút kinh nghiệm" và chuyển công tác, giơ cao đánh khẽ như một đứa... "Con Cưng".