Vào đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.
Vấn đề đặt ra là nếu áp dụng theo đề xuất của Bộ Tài chính thì sẽ dừng đến khi nào, trong khi đó Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ tháng 1/2018. Có nghĩa là cho tới nay luật này vẫn đang phải chờ Nghị định, trong đó có phần trách nhiệm từ Bộ Tài chính.
Hệ lụy từ vấn đề này khiến cho các địa phương và nhà đầu tư lúng túng khi mà nhiều hợp đồng được ký kết triển khai hạ tầng đang phải dừng lại, thậm chí có những hợp đồng đã triển khai thì cũng phải chịu ảnh hưởng từ Bộ Tài chính.
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) cho biết: “Tình trạng luật chờ Nghị định, Thông tư đã diễn ra từ lâu chứ không phải bây giờ mới xảy ra. Cụ thể hơn trong trường hợp này Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực 8 tháng mà chưa ra nổi Nghị định là quá chậm, thế có khác nào vô hiệu luật mà Quốc hội đã phải mất rất nhiều thời gian thảo luận mới thông qua được.
Thứ hai là do chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành luật nên kéo theo rất nhiều thứ bị đình trệ theo, làm ảnh hưởng tới quá trình xây dựng hạ tầng, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của các địa phương. Hạ tầng chậm phát triển thì người dân sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất”.
Bà Bùi Thị An cho biết, tình trạng luật chờ Nghị định đã xảy ra rất nhiều rồi, phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành để xảy ra tình trạng này. ảnh: NQ. |
Bà Bùi Thị An nhận định, đầu tư bằng hình thức BT là một chủ trương đúng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam. Bên cạnh những nhà đầu tư làm ăn rất bài bản, làm tốt thì cũng có những nhà đầu tư làm chưa tốt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể vì thấy một vài nhà đầu tư làm không tốt mà lại hành xử kiểu mệnh lệnh hành chính “không quản được thì cấm”. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới những doanh nghiệp làm tốt mà ảnh hưởng tới cả sự phát triển của địa phương, của đất nước và cuối cùng thì bản thân người dân bị thiệt hại bởi vì họ không được hưởng nền tảng hạ tầng tốt.
Doanh nghiệp vẫn bị nhũng nhiễu |
“Để giải quyết vấn đề này chỉ cần làm thật minh bạch, đấu thầu công khai thì sẽ ngăn chặn được tiêu cực, ngăn chặn đi đêm, loại bỏ những trường hợp làm vài km đường nhưng lại được hưởng những lô đất lớn.
Nói tóm lại phải hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải đảm bảo được cho luật đi vào cuộc sống, chứ đừng lấy lý do thế này thế khác để bao biện cho chuyện luật đã có hiệu lực 8 tháng mà chưa ra nổi Nghị định.
Chúng ta nhìn ngay từ Hà Nội mà xem, hạ tầng đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn chưa theo kịp nhu cầu phát triển, ngày nào cũng có đến vài chục điểm tắc nghẽn, người dân đi lại rất vất vả. Ngân sách nhà nước thì hạn hẹp không thể bao quát hết được, thế nên nếu không có chính sách tốt thì rất khó huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp. Cuối cùng là sự chậm chễ ấy vẫn khiến người dân phải chịu hết”, bà An phân tích.
Theo bà Bùi Thị An, để xảy ra tình trạng luật chờ Nghị định như thế này thì người đứng đầu bộ, ngành có liên quan trực tiếp phải chịu trách nhiệm.
“Thủ tướng luôn kêu gọi là phải kiến tạo, hành động và phải làm hết sức vì người dân, vì doanh nghiệp. Vì vậy, tôi mong rằng các đồng chí đó hãy thẳng thắn, biết nhận trách nhiệm thực sự. Các đồng chí có thể nói rằng đó là do bộ phận tham mưu chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ, nhưng cái đó chỉ là một phần thôi.
Các đồng chí được phê duyệt làm Bộ trưởng, trưởng ngành thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội, chịu trách nhiệm trước dân.
Việc chậm chễ như vậy thì sẽ gây ra thiệt hại cho nhiều người, nhiều lĩnh vực, cho nên việc như thế không thể chỉ nhắc nhở là xong. Tôi mong rằng với những trường hợp như thế này, Chính phủ sẽ phải xử lý quyết liệt, một mặt phải kỷ luật những cán bộ liên quan, mặt khác phải có những biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn, chấm dứt hoàn toàn tình trạng luật chờ Nghị định”, bà An nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đánh giá, luật ở Việt Nam nhiều khi không cụ thể chi tiết như các nước khác nên cần phải có Nghị định hướng dẫn thực hiện. Chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện luật tới 8 tháng thì phải quy định rõ trách nhiệm, không thể để cứ ban hành luật mà không thực hiện, hoặc không thực hiện nghiêm túc. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, cần nhanh chóng tạo khung pháp lý để thực hiện các dự án BT, BOT đảm bảo công khai minh bạch nhằm huy động được các nguồn lực xã hội hóa. |