CPI tháng 6 hạ nhiệt tại Hà Nội và TP.HCM

21/06/2011 01:26
Theo Cục Thống kê TP.Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tại Thủ đô tăng 1,21% so với tháng 5, trong khi đó CPI của TP.HCM tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.

Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Thủ đô tăng 1,21% so với tháng 5, trong khi đó CPI của TP.HCM tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.

Chỉ số tiêu dùng tháng Sáu tại Hà Nội tăng 1,21%


Tính chung trong 6 tháng đầu năm, CPI của Hà Nội tăng 15,7% so với 6 tháng đầu năm 2010.

Trong tháng 6, ngoại trừ nhóm hàng bưu chính viễn thông vẫn giữ nguyên thì 10 nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Dẫn đầu là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng là 2,08%; tiếp theo là nhóm giáo dục và nhóm đồ uống và thuốc lá với mức tăng tương ứng lần lượt là 1,12% và 1,09%.

Thực phẩm vẫn là nhóm hàng có giá cả tăng cao trong tháng này.
Thực phẩm vẫn là nhóm hàng có giá cả tăng cao trong tháng này.

Các nhóm hàng còn lại như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa, thể thao, giải trí; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác... có mức tăng dao động dưới 1%.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng giá của 6 tháng đầu năm ở mức cao khi CPI bình quân tăng tới 15,7%, còn tốc độ tăng giá bình quân một tháng lên tới 2,05%/tháng, đều cao hơn nhiều so với bình quân cùng kỳ các năm trước. Nhưng có thể thấy, đây là tháng thứ hai liên tiếp, chỉ số giá đã có dấu hiệu tăng chậm lại, nhất là nếu so với tháng 4 - tháng có chỉ số giá tăng mạnh kỷ lục tới 3,28%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân là do các hoạt động bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được tăng cường cả trên phạm vi toàn quốc, cũng như ở Hà Nội. Riêng ở Hà Nội, việc giảm chi tiêu công từ ngân sách được thực hiện nghiêm túc, chương trình bình ổn giá năm 2011 được triển khai tích cực, nhất là việc tăng quỹ bình ổn từ 400 tỷ đồng năm 2010 lên mức 475 tỷ đồng năm 2011, kéo dài đến tháng 4/2012.

Đáng chú ý, việc nâng lương tối thiểu trong khu vực Nhà nước đã không ảnh hưởng lớn đến thị trường như những lần tăng lương trước đây. Đó là do người tiêu dùng không sẵn lòng chấp nhận tăng giá thị trường nữa và đang có những động thái siết chặt chi tiêu, tiết giảm nhu cầu khiến tổng cầu xã hội giảm. Song song với đó, một số siêu thị vì quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì uy tín của mình đã mạnh dạn gây sức ép không nhận hàng tăng giá từ các nhà cung cấp. Việc này cũng giúp hạ giá hàng nói chung.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù vàng và đồng USD không thuộc rổ hàng hóa tính chỉ số CPI, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của nó tương đối lớn đối với giá cả của các mặt hàng khác. Vì vậy, thị trường vàng - đồng USD trên địa bàn tương đối ổn định thời gian qua đã góp phần giảm nhiệt tốc độ tăng giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu khác, cũng như giảm thiểu tâm lý đầu cơ, tích trữ gây ra nhiễu loạn thị trường thời gian qua.

Trong tháng 6, chỉ số giá vàng tăng nhẹ 0,19% so tháng trước và tăng 35,43% so cùng kỳ năm 2010. Trái với giá vàng, chỉ số giá của đồng USD đã giảm 0,38% so tháng 5 nhưng tăng 8,74% so cùng kỳ năm trước.

CPI của TP.HCM tăng thấp nhất trong 7 tháng qua


Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 6/2011, chỉ số giá tiêu dùng tại địa bàn có mức tăng 0,69% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua, kể từ tháng 11/2010.

Nếu so với cuối năm trước, chỉ số này có mức tăng 11,54% và tăng 16,54% nếu so với cách đây một năm.

Trong tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,79%, trong đó nhóm thực phẩm giảm xuống nhiều do phần lớn nhóm hàng này đã thiết lập mặt bằng giá mới. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,94%.

Nhóm may mặc-mũ nón-giày dép chỉ có mức tăng 0,10%. Nhóm nhà ở-điện nước-chất đốt và vật liệu xây dựng có mức tăng 0,29%. Nhóm thiết bị gia đình và đồ dùng gia đình tăng 0,94%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng rất nhẹ 0,02%.

Nhóm giao thông tăng 0,73%, chủ yếu do giá vé máy bay tăng từ 15/5. Nhóm giáo dục tăng 0,41%. Nhóm văn hóa-giải trí và du lịch tăng khá (1,56%). Còn nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao (2,20%) chủ yếu do chi phí bảo hiểm y tế, xã hội tăng (do lương tăng), phí dịch vụ tăng…

So với tháng trước, giá vàng có mức tăng 0,45% nhưng giá USD lại giảm 0,57%.

Theo TTXVN/Vietnamplus