Một nghiên cứu mới đây được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Kết quả kiểm nghiệm 14 mẫu gà thải loại sống, có tới 9/14 mẫu tồn dư kháng sinh Chloramphenicol với hàm lượng trung bình là 0,41 mg/kg, 8/14 mẫu tồn dư kháng sinh Cycline với hàm lượng 9,1 mg/kg. Ngoài ra, khi kiểm tra 14 mẫu gan gà sống, phát hiện tồn dư kháng sinh Chloramphenicol là 4/14 mẫu, hàm lượng trung bình là 0,67 mg/kg, tồn dư Cycline là 11/14 mẫu. Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), 100% gà thải loại nhập lậu vào Việt Nam đều tồn dư kháng sinh và có nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi đây là loại gà đã kết thúc giai đoạn sinh sản. Trong quá trình sinh sản, loại gà này được tiêm rất nhiều loại kháng sinh để tăng năng suất trứng.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi! |
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, 2 loại kháng sinh trên đã bị cấm trong chăn nuôi. Chloramphenico đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm trong thức ăn chăn nuôi. Chloramphenico gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu và hồng cầu, làm thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, gây kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn. Đối với loại kháng sinh Cycline, nếu sử dụng nhiều gây ảnh hưởng tới hệ thống gan, dẫn đến suy gan. Ngoài tồn dư kháng sinh, trong gà thải loại còn nhiều tiềm ẩn nguy cơ từ vacxin phòng bệnh, đặc biệt là thuốc kích thích để gà đẻ trứng nhiều hơn. Trên thực tế, nếu gà thải loại sau khi giết mổ được bày bán tại các chợ thì rất khó phân biệt được. Để giúp người tiêu dùng phân biệt gà thải loại và gà chăn nuôi trong nước, ông Trần Quang Trung cho biết, gà thải loại do được nuôi để đẻ trứng trong một thời gian dài (thường là một năm) nên da rất dày, lông ở cổ và đầu xụp, hậu môn to do đẻ trứng nhiều. Đối với gà đã mổ sẵn có các biểu hiện như các buồng trứng teo nhỏ, có nhiều nốt xuất huyết ở bụng con gà. Gà thải loại là mối nguy cơ đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và sự phát triển ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đã thấy rõ. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt mà không ít người đã tìm mọi cách nhập lậu loại gà này. Ông Trần Quang Trung cũng kêu gọi bên cạnh sự quyết liệt các Bộ, ngành, chính quyền các cấp trong công tác ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gà thải loại nhập lâu, bản thân người tiêu dùng nên quan tâm nhận biết và không sử dụng gà thải loại, trước hết vì sức khỏe của chính mình. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, năm 2012, 8 triệu con gà thải loại được nhập lậu từ biên giới phía Bắc vào Việt Nam, gây tác động tiêu cực với sức khỏe của người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại ngành chăn nuôi trong nước. Từ những bức xúc nêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có biện pháp kiên quyết ngăn chặn gà thải loại trong năm 2012. Sau 2 tháng phối kết hợp triển khai quyết liệt, ngăn chặn buôn bán vận chuyển gà nhập lậu, lượng gà nhập lậu vào thị trường Hà Nội đã giảm tới 90%.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo chinhphu.vn