Ngày 9/10, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn khẩn số 19043/QLD-KD yêu cầu các đơn vị bảo đảm cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh tay chân miệng trước sự gia tăng dịch bệnh này trong thời gian gần đây.
Theo thống kê của ngành y tế, chín tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và sáu trường hợp tử vong tại năm tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía nam.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo về dự trữ, cung ứng thuốc. Đồng thời kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc tay chân miệng để kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để bảo đảm đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh.
Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Bệnh nhân mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Theo thông tin từ Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9-2018, có 47.957 ca mắc tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng lưu hành ở khu vực phía nam, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca độ 2b cao hơn và có cả ca mắc tay chân miệng độ 4.
Bệnh viện Nhi Đồng 1, tính đến tháng 9/2018, có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Qua chín tháng đầu năm 2018, quận Tân Phú, Hóc Môn, Tân Bình và Bình Tân lần lượt là bốn quận/huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh có số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng cao nhất.
Tại Đồng Nai, theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thì đến nay số ca mắc tay chân miệng là 8,365 ca, tăng 10,71% so với cùng kỳ năm 2017 (7.556 ca) và đã có ca tử vong (tại Định Quán).
Từ tháng 8/2018, số mắc tay chân miệng tăng nhanh và liên tục, cao hơn cùng kỳ năm 2017. Cao nhất vào tháng 9, số mắc hơn 200 ca nội trú và 500 ca ngoại trú mỗi tuần.
Tuổi nhà trẻ dễ mắc bệnh tay chân miệng
Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết |
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác.
Trong đó, thường gặp là virus đường ruột type 71 (EV71) và Coxsackie A16. Đặc biệt, virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.
Bệnh tay chân miệng lây truyền theo đường tiêu hóa và có khả năng gây thành dịch lớn, nguyên nhân là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Đáng chú ý, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp nhằm duy trì chức năng sống đối với các trường hợp nặng, đặc biệt có dấu hiệu suy tuần hoàn, hô hấp. Bệnh cũng không có vắc xin dự phòng. Các biện pháp phòng bệnh vẫn được xem là cơ bản.
Về biểu hiện của bệnh tây chân miệng, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cho hay, biểu hiện của bệnh này là trẻ thường mệt mỏi quấy khóc, sau 6-12 tiếng có sốt, thông thường là sốt nhẹ từ 37,5 đến 38 độ C, có một số bé không sốt hoặc chỉ sốt thoáng qua.
Sau khi sốt từ 24-48 tiếng, trẻ có biểu hiện có nốt phỏng nước ở miệng, sau 1-2 giờ do các bé mút nên vỡ ra tạo vết loét trên niêm mạc lưỡi, xung quanh miệng, có thể thấy những ban đỏ xung quanh miệng.
Lòng bàn tay, lòng bàn chân có những nốt phỏng nổi cộm lên mặt da, cứng, chắc, những nốt này thường khô và đóng vảy sau 2-3 ngày,sau đó bong ra. Ngoài ra, các bé có thể có ban đỏ ở chân, mông, đùi, hoặc cẳng tay.
Ngoài các biểu hiện chính như trên, các bé còn nôn trớ, hắt hơi, chảy nước mũi, đi ngoài phân lỏng 2-3 lần trong ngày trong 2-3 ngày.
Bệnh thường diễn biến trong vòng 5 ngày sau đó đi vào trong giai đoạn ổn định, các vẩy trong lòng bàn tay bong ra, trẻ ăn trở lại. Tuy nhiên, một tỷ lệ (khoảng 1/1.000 trường hợp) có thể gặp biến chứng nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo, hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng, bởi vậy để phòng tránh cha mẹ tăng cường vệ sinh, đặc biệt là rửa tay thường xuyên, dùng dụng cụ, bát đĩa riêng, huấn luyện cho các bé không mút tay, ngậm đồ chơi và vệ sinh đúng chỗ. |
Các chuyên gia, bác sĩ cũng khuyên các bậc cha mẹ khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng cần đưa con đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời hạn chế diễn biến nặng.
Trẻ mắc bệnh cần được cách ly điều trị tại cơ sở y tế hoặc tại nhà nếu bệnh nhẹ. Cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ, hạn chế bội nhiễm thêm các bệnh khác. Đồng thời, các gia đình không nên đưa trẻ đến trường trong thời gian bị bệnh để tránh lây nhiễm cho bạn cùng lớp.
Cha mẹ nên tắm gội thường xuyên cho bé bị tay chân miệng, lưu ý nên chọn phòng kín gió. Khi tắm, cha mẹ nên chọn loại xà bông diệt khuẩn dành cho làn da nhạy cảm của bé. Cùng với đó, khi tắm nên cố gắng tránh để nước không chạm vào các nốt mụn khiến chúng bị vỡ ra. Không nên tắm nước lá bởi dễ gây bội nhiễm cho trẻ mắc bệnh.
Ngoài ra, các gia đình cần phải chú ý cho con ăn uống đầy đủ, không phải kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp con đủ sức đề kháng để chống lại bệnh tật.
Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị phối hợp, tập trung ứng phó dịch bệnh |
Làm sao để phòng chống bệnh tay chân miệng, các chuyên gia y tế cho hay, bệnh hay xảy ra ở lứa tuổi đi nhà trẻ. Bệnh do một số loại virus gây nên và được lây truyền qua đường tiêu hóa.
Do đó, để phòng bệnh này, chúng ta phải thực hiện hai biện pháp chính: Tăng cường vệ sinh, đặc biệt là rửa tay thường xuyên, dùng dụng cụ, bát đĩa riêng, huấn luyện cho các bé không mút tay, ngậm đồ chơi và vệ sinh đúng chỗ.
Cần phát hiện kịp thời những bé trong nhà trẻ có biểu hiện ốm đau bất thường để được đi khám và cách ly ngay tránh lây truyền cho các học sinh khác.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch và triển khai tổ chức chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn toàn tỉnh để tạo hiệu ứng tích cực vận động mọi người dân cùng tham gia.
Bên cạnh đó, ngành y tế chủ động việc theo dõi diễn biến tình hình bệnh dịch để tham mưu chính quyền và xây dựng các kế hoạch ứng phó kịp thời và hiệu quả. Thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý dịch bệnh kịp thời...
Bộ Y tế đặc biệt kêu gọi người dân và các bà mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như thực hiện rửa tay bằng xà phòng để tạo thành thói quen và nếp sống vệ sinh phòng chống dịch bệnh; vệ sinh môi trường và xử lý khử trùng vật dụng sinh hoạt.