Cuộc xâm lăng “ám tiễn nan phòng” trên Biển Đông

24/05/2018 07:09
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Hàm ý tuyên bố của Trung Quốc dường như là một lời đe dọa, nếu nhìn thẳng vào sức mạnh quân sự họ đang phô trương trên Biển Đông.

Tiếp theo phần 1: "Quyền chủ quyền, quyền tài phán của Trung Quốc trên Biển Đông tới đâu?"

Tại sao trong thời điểm hiện nay, Trung Quốc lại kêu gọi “các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định của khu vực này”, và hàm ý là gì?

Bài học lịch sử về những cuộc chiến do Trung Quốc phát động để xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988, đã cho thấy:

Khi triển khai bất kỳ một hoạt động xâm chiếm nào đó trên Biển Đông, Trung Quốc đều tính toán, sắp xếp rất kỹ theo một kịch bản với những lớp lang chặt chẽ. Lần này cũng thế.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Phải chăng đây cũng chính là những tính hiệu mở màn cho một cuộc chiến mới, được gọi là cuộc “xâm lược mềm”, một cuộc chiến “ám tiễn nan phòng”, cực kỳ nguy hiểm và thâm độc?  

Thứ nhất: Sau một thời gian thăm dò, thử thách, vận động, gây sức ép bằng nhiều hình thức khác nhau và đặc biệt là sau khi nắm bắt được cơ hội mà có nhiều khả năng Trung Quốc đã chủ động tạo ra, họ đang rảnh tay hành động trên Biển Đông.

Quan sát cục diện bán đảo Triều Tiên với những diễn biến khi lạc quan, khi bi quan, lúc căng lúc chùng,…cùng các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian này có thể thấy rõ thủ đoạn “chớp thời cơ”, chủ động tạo thời thế;

Trung Quốc đang tính toán rút ngắn chặng đường thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, nhanh chóng biến Biển Đông thành “ao nhà”, hiện thực hóa yêu sách “lưỡi bò” đầy tham vọng.

Thứ hai: Để thực hiện chủ trương chiến lược đó vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc đang phát động một “cuộc chiến pháp lý”, ngang nhiên thách thức tính hiệu lực bắt buộc của UNCLOS 1982, Hiến chương xanh của nhân loại. 

Một trong mũi tiến công nguy hiểm nhất của cuộc chiến này chính là họ đã đang gây sức ép đối với các quốc gia liên quan, kể cả các nhà đầu tư, khai thác dầu khí nước ngoài, trực tiếp hay gián tiếp, buộc phải dừng mọi dự án thăm dò, khai thác tài nguyên trong phạm vi các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của mình, nhưng đang bị cái “lưỡi bò” gớm ghiếc đó liếm vào;

Cuộc xâm lăng “ám tiễn nan phòng” trên Biển Đông ảnh 2

Chiếu và xem phim Trung Quốc, hãy cảnh giác với các “cạm bẫy pháp lý”

Phải chăng đấy chính là hàm ý của cái gọi là “không làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến quan hệ song phương hay hòa bình, ổn định của khu vực này"?

Hàm ý nữa là sự đe dọa.

Nếu các bên liên quan chống lại, sẽ bị Trung Quốc “trừng trị” bằng sức mạnh đang được phô trương, với sự gầm rú, bay lượn của hàng chục máy bay các loại; bởi sự diễu võ dương oai và cơ động khẩn trương của hàng trăm tàu chiến các loại; 

Bởi những hoạt động tấp nập, hối hả của các căn cứ quân sự với những bệ phóng tên lửa hiện đại đang được bố trí trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể địa lý ở quần đảo quần đảo Trường Sa?

Thứ ba: Việt Nam là đột phá khẩu mà Trung Quốc đang tập trung thực hiện để chọc thủng phòng tuyến ngăn cản bước tiến của họ về phía Nam Biển Đông. 

Lại một lần nữa, dân tộc Việt Nam đang đứng trước thách thức hiểm nguy. 

Để vừa bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông, vừa có trách nhiệm chung tay góp phần cứu nhân loại khỏi rơi vào miệng hố của một cuộc chiến tranh tàn khốc, hủy diệt, Nhà nước Việt Nam đã có những bước đi và cách ứng xử khá thích hợp, dựa theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. 

Điều này cũng đã được thể hiện trong tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hôm 17/5:

Cuộc xâm lăng “ám tiễn nan phòng” trên Biển Đông ảnh 3

Thời báo Hoàn Cầu nói gì về vụ xâm lược, thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988?

"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, tất cả các hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, bao gồm các hoạt động khai thác dầu khí, đã được cấp phép và thực hiện trên các vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. 

Các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam được thực hiện theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982." 

Và chúng tôi tin rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục cố tình lấn tới, cố tình vi phạm, thì chắc chắn Nhà nước , Nhân dân Việt Nam quyết không đầu hàng, nhân nhượng; bởi vì: 

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”

Đó là ý chí, là lẽ sống, là chân lý bất hủ được Bác Hồ kính yêu của chúng ta thể hiện trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19/12/1946; 

Và ý chí đó, chân lý đó, lẽ sống đó mãi mãi là sức mạnh vô địch của Dân tộc Việt Nam, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ: Đất, Biển ,Trời, đã từng thấm đẫm máu, nước mắt, mồ hôi của biết bao thế hệ người Việt Nam./.

Tiến sĩ Trần Công Trục