Trung Quốc kéo H-6K ra Hoàng Sa, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực

22/05/2018 15:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Bán kính tác chiến của H-6K đe dọa an ninh quốc gia của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đang chứng minh khả năng uy hiếp các nước.

CNN Philippines ngày 22/5 đưa tin, Phó Tổng thống Philippines bà Leni Robredo và Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết:

Chính phủ Philippines nên có công hàm chính thức phản đối việc Trung Quốc kéo máy bay ném bom H-6K ra một hòn đảo ở Biển Đông.

Thứ Sáu tuần trước, truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố video ghi hình một chiếc H-6K cất hạ cánh (bất hợp pháp) trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Tuy nhiên, bán kính tác chiến của chiếc H-6K này bao phủ lãnh thổ Philippines và nó có khả năng mang bom hạt nhân.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carpio, ảnh: The LaSallian
Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines, Antonio Carpio, ảnh: The LaSallian

Thẩm phán Antonio Carpio tuyên bố:

"Bất kỳ quốc gia nào có chủ quyền và tự tôn sẽ ngay lập tức phản đối sự xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của mình. Philippines chí ít phải làm điều đó."

Theo ông Antonio Carpio, một công hàm chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc là một phản ứng hòa bình và hợp pháp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Philippines, Ruffy Biazon nói với CNN Philippines, mặc dù khả năng Trung Quốc thả bom xuống lãnh thổ Philippines là khó xảy ra, nhưng họ lại đang chứng minh khả năng làm được điều đó.

Bán kính tác chiến của H-6K có thể vươn tới rãnh Benham, về cơ bản bao phủ lãnh thổ Philippines, từ đảo Luzon cho đến Mindanao.

Máy bay ném bom Trung Quốc H-6K hoạt động trên Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực. Ảnh: The Diplomat.
Máy bay ném bom Trung Quốc H-6K hoạt động trên Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực. Ảnh: The Diplomat.

Trong khi đó các máy bay này hoàn toàn có khả năng cất hạ cánh từ 3 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam).

Đây là một phần của chiến lược Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự đe dọa láng giềng mà không tốn một viên đạn, đó đó Philippines có thể trở thành nạn nhân bất kỳ lúc nào.

Thẩm phán Antonio Carpio kêu gọi Bộ Ngoại giao Philippines cần có phản đối chính thức, trong khi đó cơ quan này khẳng định rằng đã làm những việc cần thiết để bảo vệ chủ quyền của Philippines.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque cho biết, ông quan tâm nghiêm túc các diễn biến mới nói trên, tuy nhiên Tổng thống Rodrigo Duterte không thấy có bất kỳ mối đe dọa lập tức nào từ Trung Quốc.

Còn ông Ruffy Biazon tin rằng, nếu Trung Quốc cắt đứt quan hệ với Philippines vì bị phản đối các hành vi bành trướng, đe dọa an ninh và quân sự hóa trên Biển Đông thì cũng không có gì đáng ngại, bởi vẫn còn các quốc gia khác sẵn lòng giúp đỡ. [1]

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo, ảnh: Rappler.
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo, ảnh: Rappler.

Rappler ngày 22/5 cho biết, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo cho rằng việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom H-6K ra Biển Đông là đáng báo động, là mối đe dọa an ninh đối với Philippines cũng như phần còn lại của Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Philippines nên có phản ứng dứt khoát.

Sự gia tăng bố trí vũ khí khí tài quân sự cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc tiến hành trên các đảo nhân tạo là mối đe dọa an ninh chống lại Philippines. Bà Leni Robredo được Rappler dẫn lời, tuyên bố:

"Người dân Philippines mong đợi chính phủ của mình can đảm bảo vệ an ninh của chúng ta. Nếu chính phủ không đứng lên bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, thì quốc gia sẽ đi đâu về đâu?" [2]

Ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Nguồn:

[1]http://cnnphilippines.com/news/2018/05/22/associate-justice-antonio-carpio-vice-president-leni-robredo-protest-china-bomber-planes-south-china-sea.html

[2]https://www.rappler.com/nation/203079-robredo-statement-chinese-bombers-paracel-islands-south-china-sea

Hồng Thủy