Đại gia trồng rau, nuôi bò... nông dân có được lợi?

25/03/2015 13:54
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, việc những doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp, nông dân là người được hưởng lợi.

Đại gia trồng rau, nuôi bò

Biết đến nhiều hơn trong lĩnh vực bất động sản nhưng với nguồn lực tài chính lớn nhưng Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai hay Tập đoàn Hòa Phát đang cho thấy những tham vọng lớn khi chuyển hướng đầu tư nông nghiệp.

Đầu tư vào nông nghiệp, Vingroup hướng đến xây dựng quy trình khép kín từ sản xuất nông sản đến bao tiêu tại hệ thống siêu thị Vinmart (ảnh nguồn Vinmart).
Đầu tư vào nông nghiệp, Vingroup hướng đến xây dựng quy trình khép kín từ sản xuất nông sản đến bao tiêu tại hệ thống siêu thị Vinmart (ảnh nguồn Vinmart).

Thông tin từ Tập đoàn Vingroup cho biết, tập đoàn này chính thức gia nhập lĩnh vực nông nghiệp, với thương hiệu VinEco với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. VinEco sẽ triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Để đảm bảo chất lượng, VinEco quy hoạch các vùng sản xuất theo mô hình tập trung và khép kín. Các khâu từ nghiên cứu, công nghệ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến, vận chuyển… sẽ được thực hiện theo quy trình khoa học, tuân thủ các tiêu chí về chất lượng và an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Dự kiến, công ty này sẽ làm việc với các đối tác từ các nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới như Israel, Nhật Bản, Hà Lan… để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật, giống và thiết bị nông nghiệp.Về đầu ra, theo Vingroup, nông sản của VinEco sẽ đi theo hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+.

Cũng tương tự như Vingroup, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức được biết đến là doanh nghiệp đầu tư đa ngành nhưng nông nghiệp là hướng đi mới được tập đoàn này triển khai mạnh mẽ trong gần 3 năm trở lại đây. Từ đơn thuần doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xuất khẩu sản phẩm gỗ, khoáng sản. Hoàng Anh Gia Lai đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp như triển khai trồng mía, bắp, cỏ để chăn nuôi bò.

Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, bò sữa (ảnh nguồn HAGL)
Hoàng Anh Gia Lai đang đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, bò sữa (ảnh nguồn HAGL)

Năm 2014 vừa qua đánh dấu sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ của Bầu Đức trong chiến lược kinh doanh mới khi Hoàng Anh Gia Lai hợp tác với NutiFood và Vissan đầu tư vào chăn nuôi bò thịt bò sữa. Cuối năm 2014 những sản phẩm thịt bò tơ Úc mang thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đã ra mắt thị trường với chất lượng không thua kém thị bò nhập khẩu nhưng giá rẻ hơn nhiều lần.

Trong khi đó, mới đây Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và tỉnh Hà Nam đã tổ chức lễ ký kết hợp tác phát triển đàn bò sữa. Theo kế hoạch Hoàng Anh Gia Lai sẽ cùng Công ty NutiFood xây trạng trại mẫu nuôi bò sữa tại Hà Nam. Đây được xem là bước chuẩn bị hoàn hảo cho Hoàng Anh Gia Lai và NutiFood  trong việc có nguồn sữa tại chỗ nhằm đáp ứng cho hoạt động của nhà máy sữa lớn nhất miền Bắc đang được xây dựng tại Hà Nam với  công suất 200 triệu lít sữa nước, 31.000 tấn sữa bột mỗi năm.

Không kém cạnh 2 đại gia dẫn đầu sàn chứng  chứng khoán trên, mới đây Tập đoàn Hòa Phát, một trong những tập đoàn đa ngành lớn ở Việt Nam đã ra mắt Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, 100% vốn của Tập đoàn này.

Tập đoàn sẽ đầu tư 300 tỷ đồng để xây dựng nhà máy Sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tại Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) với công suất 300.000 tấn/năm, dự kiến vào đầu năm 2016 sẽ chính thức đi vào hoạt động và phấn đấu đạt doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm. Tiếp sau đó, dự kiến sẽ có chuỗi các nhà máy tiếp theo ra đời trên quy mô lớn.

Ngoài sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty con này của Hòa Phát này còn đăng ký các ngành nghề từ chăn nuôi lợn, gia cầm, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt… đến sản xuất phân bón và hợp chất ni-tơ, bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy nông nghiệp.

Nên để nông dân thành cổ đông

Trước sự quan tâm đầu tư của những tập đoàn kinh tế lớn vào nông nghiệp, trên khía cạnh nhà khoa học với hơn 30 năm nghiên cứu vấn đề nông nghiệp, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc TT Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam - Viện nông hóa thổ nhưỡng nhận định: “Đây là tín hiệu đáng mừng cho nông nghiệp Việt Nam”.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, thực trạng nông nghiệp Việt Nam hiện nay yếu nhất là vấn đề tổ chức quản lý và nguồn vốn thực hiện các mục tiêu kế hoạch nông nghiệp.

“Chúng ta từng tổ chức mô hình nông trường, hợp tác xã nhưng phải thẳng thắn là không thành công, nguyên nhân do yếu kém về quản lý điều hành sản xuất. Vấn đề tiếp theo là nguồn vốn thực hiện và sự nhạy bén của thị trường. Do vậy thông tin về doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai hay Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp là điều đáng mừng bởi họ đã thay ngành nông nghiệp, thay nhà nước tự đứng ra tổ chức quản lý, điều hành sản xuất và bao tiêu cản sản phẩm làm ra”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa nhận xét.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc TT Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam - Viện nông hóa thổ nhưỡng (Ảnh H.L)
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc TT Nghiên cứu đất và môi trường phía Nam - Viện nông hóa thổ nhưỡng (Ảnh H.L)

Theo TS Nghĩa, ưu điểm của những doanh nghiệp như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai... là doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm quản lý và có vốn. Trước đây mô hình nông trường hợp tác xã thất bại vì người quản lý các mô hình này vẫn có suy nghĩ kiểu làm công ăn lương nhà nước. Do đó tư duy về kinh tế thị trường chưa có, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Trong khi theo như giới thiệu của Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai thì họ không chỉ đầu tư vào nông nghiệp mà còn bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo một quy trình khép kín đây là sự khác nhau giữa doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp hiện nay.

TS Nghĩa cho biết, nếu nói nông nghiệp hiện không có doanh nghiệp đầu tư là không đúng nhưng doanh nghiệp hầu hết đầu tư theo kiểu chộp giật, đầu tư “khúc giữa” không đồng hành cùng với nông dân mà chỉ kiếm lợi trên chính nông dân.

“Để khắc phục tình trạng này tôi cho rằng, nhà nước cần có chính sách phù hợp để doanh nghiệp có thể yên tâm vào đầu tư nông nghiệp, còn doanh nghiệp có thể tổ chức mô hình cho nông dân tham gia bằng cách đóng cổ phần nhưng đóng bằng diện tích đất nông nghiệp của họ. Ở đây nông dẫn vẫn giữ quyền sử dụng đất, nông dân chỉ góp đất cùng doanh nghiệp xây dựng trang trại, cánh đồng rau, cánh đồng lúa lớn. Nhân công canh tác trên đất chính là nông dân, việc chia lợi nhuận thu được từ việc canh tác loại nông sản sẽ dựa trên diện tích đất đóng góp của từng hộ dân. Ngày công lao động của người dân được thỏa thuận giữ nông dân và doanh nghiệp…”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa đưa ra mô hình hợp tác.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa dự đoán, việc Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai hay Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp thành công sẽ thu hút được doanh nghiệp khác tham gia. “Đây là sự kiện đánh giá bước phát triển mới của nông nghiệp, cũng như các ngành khác nông nghiệp muốn phát triển phải có sự đầu tư lớn của doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân khi họ có vốn, có thể đưa kỹ thuật cũng như mô hình sản xuất hiện vào Việt Nam”, TS Nghĩa kết luận.

Mai Anh