14 tuổi bén duyên kinh doanh, 90 tuổi niềm đam mê ấy vẫn hừng hực trong huyết quản, Cụ Đỗ Thế Sử ghi vào sách đời như tượng đài doanh nhân trăm tuổi.
Cụ Đỗ Thế Sử - Đại lão doanh nhân danh gia vọng tộc với 11 người con đại gia vừa từ trần, Cụ hưởng thọ 97 tuổi. |
Sống trọng 3 chữ Đạo
Sinh năm 1923, là người con trong một gia đình giàu có nhất vùng tại đất Chu Minh (huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội), nhờ sự hiếu học, thông minh, Cụ Đỗ Thế Sử chăm chỉ học hành, được trọng dụng ở nhiều chức vụ chủ chốt tại địa phương.
Ở tuổi niên thiếu, Cụ đã giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia kháng chiến.
Cụ là người vận động mẹ của mình hiến ruộng đất cho chính quyền, sau đó lên đường tản cư kháng chiến. Khi giành chính quyền thời kỳ năm 1945, Cụ là Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây.
Trong thời gian tham gia kháng chiến, dù bị Quốc dân Đảng bắt tù đày, cho tới những tháng ngày bị xử oan trong cải cách ruộng đất, Cụ vẫn một lòng trung kiên với Cách mạng.
Lâm vào hoàn cảnh vợ ốm đau, con đông, Cụ viết đơn xin thôi việc khi đang giữ chức Tổng biên tập báo Sơn Tây về mở một Hợp tác xã nhỏ chuyên ngành xén giấy, đóng sổ sách, tổ chức cho cả đàn con vừa học vừa lao động phụ giúp mình.
Tưởng chừng mọi bình yên cứ vậy trôi qua, nào ngờ, Cụ bà đột ngột ngã bệnh rồi qua đời, bỏ lại Cụ cùng 9 người con nhỏ dại.
Bỗng dưng thành cảnh “cha goá, con côi”, nhìn đàn con thơ, đứa lớn nhất mới học lớp 10, đứa bé nhất cũng chỉ chập chững lên 2. Làm sao để từng đứa nên người, thành đạt, ngoan ngoãn là điều Cụ trăn trở.
Sau này, đã có người ngỏ ý nuôi con Cụ và hỗ trợ chúng ra nước ngoài học tập nhưng Cụ không đồng ý và nghĩ rằng, chúng cần Cụ ở bên cạnh để dạy dỗ, chỉ bảo.
Cụ vì con, ban ngày miệt mài lao động, tối về chong đèn dạy con học hành. Đêm xuống, Cụ giữ thói quen soi đèn đếm chân xem có đủ 9 đứa con hay không.
Cụ Đỗ Thế Sử. |
Cuộc sống chậm rãi trôi qua, rảnh việc, tất cả con cái đều phụ Cụ công việc của Hợp tác xã, anh chị lớn xén giấy, em nhỏ gập, dán những chiếc bằng tốt nghiệp, Hộp huân huy chương…
Thế nhưng với Cụ, dù lao động vẫn phải học giỏi xuất sắc, Cụ nghiêm khắc với từng đứa con - học chỉ có điểm A không có điểm B. May mắn thay, nhờ sự dạy bảo của Cụ, người con nào cũng ngoan ngoãn, học rất giỏi.
Đó cũng là nền tảng thành công của tất cả sau này, các con Cụ đều là doanh nhân thành đạt, Giáo sư, Phó giáo sư - Tiến sĩ hàng đầu.
Sau này, để mãi là tấm gương đủ lớn cho con cháu noi theo, nương tựa, Cụ tiếp tục đi học, ngoài 80 tuổi Cụ học tiếng Anh, thông thạo xong, Cụ học thêm tiếng Trung. Ở tuổi 90, Cụ vẫn tinh anh, tự tin đối ngoại với đối tác nước ngoài, tính nhẩm nhanh nhạy không hề sai sót.
Và suốt hơn chục năm vật lộn nuôi con, đến khi người con út lên 17, học ngoại ngữ để ra nước ngoài thì Cụ tục huyền.
Ngày quyết định bước thêm bước nữa, Cụ nhìn các con mà nói: “Bố đã đứng vậy suốt gần 14 năm qua và bố vẫn có thể đứng tiếp những năm còn lại nhưng bố phải lấy một người có thể làm mẹ về cho các con, còn nếu lấy vợ cho bố thì bố lấy từ lâu rồi”.
Sau đó, Cụ sinh thêm một người con, Cụ bà đã có một con riêng, thế là tổng cộng Cụ có 11 người con cả trai cả gái.
Cụ Đỗ Thế Sử chụp cùng cụ Bà Nguyễn Kim Phương tại Tiệp Khắc. |
Và dựa vào trí tuệ, quyết tâm, đức hay lam hay làm và sự giáo dục bảo ban các con đến nơi đến chốn, Cụ đã làm cha của 22 người con cả gái trai dâu rể thành đạt, hiếu thuận, 37 đứa cháu cả gái trai dâu rể giỏi giang và 25 đứa chắt chăm ngoan.
Đó đều là những con số vô cùng ấn tượng và bất ngờ, nhất là khi gia đình ấy được chèo lái bởi một người đàn ông trong suốt một thời kỳ khó khăn, gian khổ của đất nước.
Có thể khẳng định rằng, gần một thế kỷ, Cụ Đỗ Thế Sử đã sống trọn vẹn với 3 chữ Đạo: Đạo quân tử, Đạo học và Đạo làm người.
Đó cũng chính là 3 chữ vàng mà Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Gia Bình, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT đã tặng Cụ Đỗ Thế Sử trong ngày doanh nhân 90 tuổi nhận Kỷ niệm chương “Vì phát triển doanh nghiệp” do VCCI tổ chức.
Kinh doanh phải từ gen và chữ Tín
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển doanh nghiệp” (năm 2012) cho Cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng - 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”. |
Không chỉ được biết đến như giai thoại “Gà trống nuôi con thành tài”, Cụ Đỗ Thế Sử còn ghi danh gia đình họ Đỗ bởi hình ảnh “Lão đại gia” và truyền thống đại gia đình doanh nhân “hổ phụ sinh hổ tử”.
Cụ Sử bén duyên kinh doanh năm 14 tuổi khi còn “chạy cờ” giúp mẹ, bán tơ cùng các cô các bác Hàng Đào, Hàng Ngang. Sau đó, niềm đam mê ấy cháy mãi cho đến ngày Cụ nhắm mắt.
Một ông lão 73 tuổi vẫn thành lập công ty may mặc Gamexco, 90 tuổi Cụ vẫn tinh anh điều hành công ty hàng ngàn nhân lực.
Đặc biệt, Cụ còn là “cái bóng” không thể thiếu đứng sau sự thành công của rất nhiều người con doanh nhân: Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tiên Phong; ông Đỗ Anh Tú, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Diana; Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: Ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ nhiệt lạnh FTD…
Cụ luôn động viên các con, nền tảng của kinh doanh phải từ gen, khi các con Cụ đã sẵn điều đó từ trong máu, chỉ cần khơi lên, tất yếu sẽ thành công.
Ngay như với Cụ, Cụ luôn cho rằng gen kinh doanh của mình được di truyền từ mẹ - một người phụ nữ thất học nhưng thông minh, không biết chữ nhưng tính nhanh như cắt.
Vì vậy, dù cho con tự chọn con đường đi để phát huy khả năng của mình, nhưng nhìn người nào có gen kinh doanh trội, Cụ hướng người đó.
Như với ông Đỗ Minh Phú, trước đó là một người rất thông minh, được lựa chọn sang Nhật làm Tiến sĩ. Nhưng ngày đó, người con trai này của Cụ lại băn khoăn về hướng rẽ kinh doanh.
Cụ Sử chỉ bảo: “Làm khoa học cũng tốt nhưng nếu biết cách làm giàu cho mình và đất nước thì càng tốt. Nhà doanh nghiệp sẽ là một trong những trụ cột của đất nước…”.
Thế là ông Phú quyết định rẽ sang hướng trở thành doanh nhân đúng nghĩa và có được DOJI hay TPBank như hiện nay.
Những người con khác của Cụ theo nghiệp kinh doanh cũng tương tự như vậy.
Hình ảnh Cụ Đỗ Thế Sử - Đại lão Doanh nhân hàng đầu Việt Nam phát biểu tại Đại hội VCCI lần thứ VI. |
Ngoài ra, để xây dựng một gia đình huyền thoại, điều cốt lõi Cụ Sử để lại cho các con chính là chữ Tín - con chữ biểu hiện nhân cách người kinh doanh. Cụ vẫn dạy con rằng: “Dòng máu nhà mình là dòng máu kinh doanh và nó được lọc bằng chữ Tín”.
Với những điều Cụ Sử đã làm suốt hơn nửa Thế kỷ qua, có lẽ, nó không chỉ đơn thuần là “tề gia” như Cụ nghĩ, mà sự dạy dỗ, bảo ban của Cụ có ý nghĩa vô cùng lớn.
Nhất là khi máu kinh doanh của gia đình đã tạo nên hàng loạt doanh nhân chân chính, góp phần quan trọng làm toàn diện kinh tế nước nhà và truyền tải nhiệt huyết cho bao con người đất Việt.
Cụ Đỗ Thế Sử đã ghi vào sách đời như một tượng đài doanh nhân trăm tuổi đầy tài đức và nhân nghĩa lớn lao.
Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI và Gia đình vô cùng đau buồn và thương tiếc báo tin: Cụ Đỗ Thế Sử sinh năm 1923 - Đại lão Doanh nhân Việt Nam, là Thân Phụ ông Đỗ Minh Phú, Chủ Tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn, đã từ trần vào hồi 18h42 phút ngày 10/5/2019 tức ngày 6/4 năm Kỷ Hợi. Hưởng thọ 97 tuổi. * Lễ Viếng: từ 6h30 đến 9h00, thứ năm ngày 16/5/2019 tại Nhà Tang Lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. * Lễ an táng: 13h30 cùng ngày tai Nghĩa trang Quê nhà, Xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội. Trân trọng kính báo! |