Tối 2/11, “Lễ hội Đức 2018: Trải nghiệm nước Đức ở Hà Nội” đã chính thức khai mạc tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) với quy mô lớn hơn so với 4 lần tổ chức trước đây – đánh dấu sự phát triển ngày càng bền chặt giữa Đức và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Trải qua hơn 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1975-23/9/2018), quan hệ hợp tác Việt Nam - Đức ngày càng phát triển hiệu quả. Đặc biệt, tháng 10/2011, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ Việt Nam-Đức.
Đối với Thủ đô Hà Nội hiện nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng với 68 dự án đầu tư của Đức trong nhiều lĩnh vực. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Hà Nội với Đức hiện đạt khoảng 900 triệu USD/ năm. Các sản phẩm của nền văn hóa Đức đã trở nên thân thiện với người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nhiều người được tiếp cận với các sản phẩm văn học của Đức, được thưởng thức các món ăn truyền thống, đồ uống nổi tiếng; đặc biệt là các kỹ thuật tiên tiến hiện đại của nền khoa học công nghệ Đức.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ, Lễ hội Đức 2018 diễn ra trong không gian Tượng đài Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm, một địa điểm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội với mong muốn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, với Cộng hòa Liên bang Đức, nhằm mở rộng các cơ hội hợp tác cùng phát triển.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Hà Nội – Ngài Christian Berger nhấn mạnh: Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam kết nối với nhau trong nhiều lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, trao đổi hàn lâm... Lễ hội Đức năm nay giúp công chúng Thủ đô, người Việt Nam yêu mến nước Đức, du khách, hiểu rõ về sự đa dạng của mối liên kết này thông qua các gian hàng trưng bày, giới thiệu các tổ chức quốc tế Đức; các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam; các dự án, chương trình hợp tác của hai nước, từ lĩnh vực nghiên cứu vùng bờ biển, năng lượng tái tạo đến các dự án khảo cổ tại Việt Nam do Đức tài trợ.
Đặc biệt, sự kiện cũng là dịp kỷ niệm năm thứ 10 hai nước thực hiện Chương trình Trường học - Đối tác của tương lai, Chương trình hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Đức trong trường phổ thông tại Việt Nam.
Đại sứ Christian Berger cũng cho biết, hiện nay đang có hơn 4 nghìn học sinh Việt Nam đang học tiếng Đức ở 12 trường phổ thông với sự hỗ trợ của chương trình. Hơn 1/3 trong số các ngôi trường này ở Hà Nội. Hiện nay, nhu cầu học tiếng Đức của người dân Việt Nam ngày càng tăng. Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và các đối tác mong muốn đáp ứng được một cách bền vững nhu cầu này, từ đó thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển.
Một trong những hợp tác mới nhất giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đức thời gian gần đây là dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống (đã khánh thành giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2). Nước được xử lý tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống sử dụng công nghệ hiện đại của Đức với tiêu chuẩn quốc tế - uống ngay tại vòi.
Chủ tịch Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra tiến độ dự án và mong muốn trong tương lai gần toàn thể nhân dân Thủ đô sẽ được sử dụng chất lượng nước đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tại lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp uống nước tại vòi và rất hài lòng với chất lượng nước. Đây là một trong những dự án sử dụng công nghệ hiện đại nhất của Đức, thể hiện mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Và theo đánh giá của Ngài Wolfgang Manig - Phó đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết: “Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của Đức và Việt Nam đã góp phần phát triển mối quan hệ hai nước. |
Chia sẻ với báo chí, Ngài Wolfgang Manig - Phó đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết: “Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của Đức và Việt Nam đã góp phần phát triển mối quan hệ hai nước.
Nước Đức nổi tiếng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và chúng tôi rất vui khi có cơ hội hợp tác cùng Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Nước là lĩnh vực vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với đời sống con người, vì vậy chúng tôi rất mong muốn được phát triển ngành nước trong tương lai”.
Ngài Wolfgang Manig cũng cho biết thêm, phía Đức và Việt Nam đã có những đàm phán về lĩnh vực xử lý nước thải. Sự hợp tác này thể hiện sự thấu hiểu mối quan hệ song phương giữa hai nước, giữa chính phủ, chính quyền địa phương và người dân.
Các hoạt động “Lễ hội Đức 2018” bắt đầu từ sau lễ khai mạc và kéo dài tới 23h ngày thứ bảy (3/11) với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trưng bày 10 bức ảnh khổ 40cm x60cm chụp về dự án vẽ gấu Buddy Bears (biểu tượng của Berlin) do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện tại Ngôi nhà Đức và Tổng Lãnh sự Quán Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh; Trưng bày 18 ảnh khổ 2m8x2m về quan hệ Việt - Đức của nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu lịch sử người Đức Nicolaus Schmidt. Sau lễ hội, các tấm ảnh này sẽ tiếp tục được trưng bày trên tường bao bên ngoài của Đại sứ quán Đức. Ngoài ra, còn có các hoạt động khác: Chiếu phim (chủ đề văn hóa, du lịch Đức), các tổ chức, công ty của Đức tại Việt Nam giới thiệu các hoạt động chuyên ngành ở gần 40 gian hàng, kỷ niệm 10 năm triển khai dự án“Trường học: Đối tác của tương lai” (PASCH), giới thiệu các hoạt động dạy tiếng Đức tại Việt Nam; Thông tin về du học ở Đức và về hợp tác Đức - Việt trong bảo tồn văn hóa; Các trò chơi cho thiếu nhi (đua xe mô hình, sút bóng vào gôn, vẽ tranh và cắt dán), học tiếng Đức qua các trò chơi, biểu diễn văn nghệ của học sinh học tiếng Đức, trao đổi với cựu sinh viên Đức... |