Đang làm việc trong nhóm nghiên cứu lớn ở nước ngoài, Tiến sĩ 9X chọn "trở về"

09/11/2022 06:55
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vừa là nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng KHCN Quả cầu vàng 2022, Tiến sĩ Lương Văn Thiện còn là một nhà giáo tâm huyết, sáng tạo.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Hội đồng xét chọn giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã họp, thống nhất chọn ra 10 gương mặt trẻ tiêu biểu nhất để vinh danh nhận giải. Trong đó, người trẻ tuổi nhất được vinh danh lần này là Tiến sĩ Lương Văn Thiện.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lương Văn Thiện, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa, bày tỏ niềm tự hào và hạnh phúc khi nhận được giải thưởng danh giá này.

“Đây là niềm vui, niềm tự hào của tôi khi đạt giải thưởng lớn như vậy sau những nỗ lực trong quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy, dẫn dắt sinh viên.

Tiến sĩ Lương Văn Thiện, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Lương Văn Thiện, Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NVCC

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, khi còn nhỏ, tôi thấy quê hương mình quá nghèo, mọi thứ còn thô sơ, người dân làm nông rất vất vả. Vậy nên từ lúc học phổ thông, bố mẹ và chính tôi đã định hướng cho cuộc đời mình rằng: chỉ có con đường cố gắng học tập mới có thể thoát nghèo.

Từ trường làng đến trường huyện, rồi tôi cố gắng thi vào trường chuyên của tỉnh rồi đỗ hệ Kỹ sư tài năng - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau đó xin được học bổng tiến sĩ tại Vương Quốc Anh... để phát triển quá trình nghiên cứu của mình. Vì thế, tôi mong rằng những em học sinh, sinh viên, dù có xuất phát điểm khó khăn, sinh ra ở những vùng quê nghèo hãy luôn cố gắng: chúng ta có thể làm được, chỉ cần có quyết tâm và sự học hỏi.

Giải thưởng này chính là sự động viên lớn cho một nhà giáo còn trẻ như tôi để tiếp thêm sức mạnh cho bản thân, tiếp tục đào tạo, phát triển, giúp đỡ các em sinh viên thành công trong tương lai cũng như duy trì những công trình nghiên cứu xuất sắc, tiệm cận gần hơn và đạt quy chuẩn, chất lượng khoa học thế giới”, thầy Thiện chia sẻ.

"Có nhiều người hỏi tôi: Vì sao lại chọn trở về"

Chia sẻ về lý do trở về nước làm giảng viên sau khi học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, thầy Thiện nói:

“Có rất nhiều người hỏi tôi rằng vì sao đang làm việc trong một nhóm nghiên cứu rất lớn của thế giới, có chế độ đãi ngộ cao lại trở về.

Cũng nói thêm rằng, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, tôi được Giáo sư Lajos Hanzo, một trong những giáo sư hàng đầu thế giới về công nghệ viễn thông tuyển vào Nhóm nghiên cứu Communications Group của Đại học Southampton, Anh Quốc. Đây là vị trí mơ ước của nhiều người trong lĩnh vực này khi được làm việc với giáo sư nổi tiếng, nhưng tôi lại lựa chọn quay trở về quê hương.

Tiến sĩ Lương Văn Thiện trong thời gian học tiến sĩ tại Trường Đại học Queen's University Belfast, Vương Quốc Anh (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Lương Văn Thiện trong thời gian học tiến sĩ tại Trường Đại học Queen's University Belfast, Vương Quốc Anh (ảnh: NVCC)

Thực sự, cũng có rất nhiều người sau khi du học đứng trước 2 lựa chọn: tiếp tục ở lại nước ngoài làm việc hay quay trở về phục vụ, phát triển quê hương. Hầu hết bạn bè tôi lựa chọn ở lại nước ngoài, nhưng tôi thì không như vậy.

Từ trước khi bắt đầu xin học bổng để du học và nghiên cứu thì việc quay về phục vụ nước nhà sau khi đã tích lũy kiến thức, kỹ năng cần thiết đã luôn là kim chỉ nam cho các quyết định của tôi.

Tôi luôn mong muốn đóng góp sức lực, trí tuệ, năng lực cho quê hương đất nước và vẫn luôn đau đáu muốn trở về càng sớm càng tốt. Nếu như không có dịch Covid-19 dẫn tới việc tạm ngưng các chuyến bay về nước thì tôi đã có thể về sớm hơn. Hoàn cảnh bất khả kháng ấy khiến cho đến hè năm ngoái tôi mới có thể trở về và làm việc tại Việt Nam được.

Hơn nữa, tôi hi vọng bản thân có thể truyền lại đam mê học tập, nghiên cứu cho các bạn trẻ nên khi quay về nước tôi quyết định chọn công việc trở thành một giảng viên đại học. Môi trường đại học, đặc biệt là của Trường Đại học Phenikaa, nơi tôi đang giảng dạy là môi trường rất trẻ, năng động, cầu tiến, tạo điều kiện rất tốt cho các tiến sĩ trẻ về công tác, nghiên cứu, với trang thiết bị cơ sở vật chất phòng Lab hiện đại. Điều này giúp tôi có thêm động lực làm giảng viên, cung cấp kiến thức, và đồng hành cùng các em sinh viên trong các dự án nghiên cứu.

Mặc dù ban đầu khi về nước, do đã quen với môi trường làm việc bên Anh nên cũng có những khó khăn nhất định nhưng sau hơn 1 năm, tôi rất vui vì đạt được một số thành quả nho nhỏ, như dẫn dắt nhiều nhóm sinh viên đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học và sinh viên khởi nghiệp; một số sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao đã được ứng dụng trong thực tế.

Tôi cũng mong rằng, trong tương lai gần nhất, Nhà nước có thêm những quỹ nghiên cứu để hỗ trợ cho những nhà nghiên cứu trẻ, tài năng ở nước ngoài về. Ngoài ra các tổ chức trong nước nên có những đãi ngộ xứng đáng tùy theo năng lực của từng người, đề ra những mục tiêu lớn lao và ý nghĩa sẽ thu hút được nhiều nhân tài hơn”.

Xây dựng nhóm nghiên cứu khoa học với sản phẩm có chất xám cao

“Tôi đang cố gắng tạo dựng 1 nhóm nghiên cứu mạnh, đào tạo những em sinh viên có năng lực, kỹ năng nghiên cứu tốt, tạo ra những sản phẩm có chất xám khoa học cao.

Tiến sĩ Thiện (ở giữa) cùng hai sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi sinh viên khoa học công nghệ, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa, 2022. (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Thiện (ở giữa) cùng hai sinh viên đạt giải Nhất cuộc thi sinh viên khoa học công nghệ, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikaa, 2022. (Ảnh: NVCC).

Vì vậy, các bạn sinh viên trong phòng Lab của tôi luôn được hướng dẫn phải dám nghĩ lớn, dám chọn những mục tiêu thử thách khó để vượt qua. Tôi luôn tin rằng, chỉ có khó khăn, thử thách mới giúp sinh viên học hỏi được nhiều và trưởng thành hơn.

Bản thân khi tôi giảng dạy tại Trường Đại học Phenikaa đều định hướng nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngay từ khi các em học năm đầu tiên đại học. Không ai nghĩ rằng các sinh viên năm nhất, còn rất trẻ như vậy lại có thể nghiên cứu tốt và đạt được những công trình nghiên cứu được trình bày tại các Hội nghị nghiên cứu khoa học quốc tế. Ở AIoT Lab, Trường Đại học Phenikaa, tôi đã chứng minh điều đó hoàn toàn có thể.

Trong suốt hơn 1 năm gắn bó với Phenikaa, điều khiến tôi thấy tự hào nhất chính là thành quả của những sinh viên do mình tâm huyết hướng dẫn đạt được tại các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học, cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, và cả các công trình nghiên cứu được trình bày tại các Hội nghị khoa học quốc tế.

Đặc biệt, từ ngày 7 đến 10/11/2022, 3 sinh viên do tôi hướng dẫn - trong đó có bạn là sinh viên năm nhất, đều là tác giả chính của 3 bài báo khoa học - tham gia thuyết trình trước bạn bè quốc tế tại Hội nghị Asia Pacific Signal and Information Processing Association ở tỉnh Chiang Mai, Thái Lan.

Có một điều khiến tôi vẫn cảm thấy tiếc là năm học trước, do dịch Covid-19 nên phải dạy và học online, tôi khó có thể truyền được hết những cảm hứng, nhiệt huyết cho sinh viên”, thầy Thiện nói.

Mỗi nhà giáo đều có cách giảng dạy khác nhau, tuy nhiên, đối với Tiến sĩ Lương Văn Thiện, thầy luôn đau đáu làm sao để có thể truyền động lực, năng lượng, thái độ làm việc tốt nhất đến sinh viên.

“Một câu khẩu hiệu mà tôi luôn nói với sinh viên của mình là: Thái độ quan trọng hơn trình độ. Nếu các em có thái độ học tập tốt, có sự kiên trì, quyết tâm đúng đắn thì sẽ đạt được những kết quả cao trong học tập và nghiên cứu. Bởi vậy, tôi luôn hướng dẫn các em phải cố gắng trau dồi kiến thức của mình bằng cách đọc sách thật nhiều.

Sách là con đường ngắn nhất để mình làm chủ kiến thức, là những gì tinh túy của nhân loại đúc kết lại, là những nguồn kiến thức giúp ích cho rất nhiều người thành công. Do đó, ngay từ lúc thành lập AIoT Lab, tôi đã xây dựng một tủ sách trong Lab với những cuốn sách hay và cần thiết, phù hợp nhất cho sinh viên. Bản thân tôi đã đọc hết các cuốn sách đó nên sẽ thuận lợi hơn trong việc chỉ cho các bạn cuốn sách này hay ở đâu và nên đọc thế nào.

Đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều học trò của tôi, từ đang không thích đọc sách đã thích đọc hơn rất nhiều, thậm chí có bạn bây giờ còn đọc nhiều hơn cả thầy. Từ đó tôi cũng thấy thái độ của các bạn thay đổi tích cực hơn trước kia, kéo theo là sự tiến bộ trong học tập.

Nghiên cứu chuyên sâu thường rất khó, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực rất lớn, niềm đam mê, tâm huyết, không bỏ cuộc bởi nhiều khi dành rất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn chưa ra được giải pháp. Do đó tôi hy vọng bản thân sẽ truyền được động lực tốt nhất cho các em sinh viên, giúp các em vượt qua mọi thử thách trong nghiên cứu", thầy Thiện nói thêm.

Tôi may mắn vì trên con đường tri thức đã gặp những thầy giáo rất tận tụy

Chia sẻ về những tâm tư, nguyện vọng để giúp các nhà giáo Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, thầy Thiện nêu quan điểm:

“Đối với tôi thì nhà giáo là một nghề rất nhân văn và ý nghĩa. Tôi mong rằng, những nhà giáo Việt Nam sẽ luôn có đam mê và sự nhiệt huyết với nghề để tạo ra những lứa học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, không chỉ có kiến thức, kỹ năng tốt mà còn phát triển cả phẩm chất, nhân cách, và thái độ.

Bên cạnh đó, ngoài việc duy trì đam mê, các thầy cô cũng nên sáng tạo hơn nữa, tìm ra nhiều kiến thức để giúp học sinh, sinh viên được phát triển tốt nhất. Không chỉ là truyền đạt những kiến thức, kỹ năng mà hãy truyền cho họ cả động lực, dù điều này rất khó và không phải ai cũng làm được nhưng tôi mong rằng, các nhà giáo hãy cố gắng hết sức để đạt được điều này.

Bản thân tôi có được kết quả như ngày hôm nay cũng đã rất may mắn khi gặp được những người thầy luôn tận tâm, tận tụy, hết mình với học trò. Khi học Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, tôi đã gặp được những người thầy rất tâm huyết như thầy Ngô Vũ Đức, thầy Lê Minh Tuấn, thầy Trần Xuân Nam,... những người đã giúp tôi có những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu cũng như có cơ hội giành học bổng tiến sĩ tại Trường Đại học Queen’s University Belfast, Vương Quốc Anh.

Đến khi học tiến sĩ, và làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Southampton, tôi lại được làm việc với những giáo sư, chuyên gia hàng đầu thế giới như giáo sư Lajos Hanzo, giáo sư Michalis Matthaiou và giáo sư Youngwook Ko. Được làm việc ở một trong những nhóm nghiên cứu viễn thông lớn nhất của Châu Âu, tôi có cơ hội được hợp tác với nhiều đồng nghiệp giỏi khác, giúp mở rộng kiến thức, và tạo ra nhiều công trình nghiên cứu chất lượng cao. Tôi luôn trân trọng và biết ơn họ", thầy Thiện chia sẻ.

  • Tiến sĩ Lương Văn Thiện, sinh năm 1992, là Giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AloT Lab, Trường Đại học Phenikaa.
  • Đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng 2022 lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa
  • Ngay từ khi là sinh viên đã có 2 công trình nghiên cứu khoa học được trình bày tại Hội nghị quốc tế IEEE 26th Annual International Symposium on Personal Indoor, and Mobile Radio Communications – PIMRC 2015 và The International Conference on Advanced Technologies for Communications - ATC 2015.
  • Tác giả chính của bài báo “Deep Learning-Aided Optical IM/DD OFDM Approaches the Throughput of RF-OFDM” - Công trình đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công mạng nơ-ron học sâu vào trong miền tín hiệu thời gian của hệ thống thông tin quang dựa trên kỹ thuật phân chia theo tần số sóng mang trực giao (OFDM), giúp không những tăng gấp đôi tốc độ truyền dữ liệu mà còn giảm đáng kể tỷ lệ lỗi bit (BER) và tỷ số công suất trung bình (PAPR) (chỉ số này cao sẽ làm biến dạng tín hiệu).
Trà My