Đắng lòng chuyện người chị mù lòa gần 60 năm nuôi em tàn tật

15/02/2012 14:10
Theo Công Lý
Hai người phụ nữ cùng khổ thì ôm nhau trên chiếc giường cáu bẩn, bề bộn áo quần. Thi thoảng họ vẫn phá lên cười, cười một cách sảng khoái.
Tôi ngồi trên cái ghế 4 chân siêu vẹo. Hai người phụ nữ cùng khổ thì ôm nhau trên chiếc giường cáu bẩn, bề bộn áo quần. Thi thoảng họ vẫn phá lên cười, cười một cách sảng khoái. Những tưởng nỗi bất hạnh mà họ đang gánh chịu chẳng hề hấn gì, họ vẫn nhìn thấy được ánh sáng để viết lên câu chuyện cổ tích đầy tình thương yêu. Đó là hai chị em Bùi Thị Hồng 62 tuổi và Bùi Thị Nục, 56 tuổi, ở thôn Thủ Chính, xã Thành Trực (Thạch Thành - Thanh Hóa).

Chuyện buồn của gia đình nghèo

Chính ngọ chúng tôi mới đặt chân đến khoảnh đất Thủ Chính. Trời rét mướt, tiếng mưa rơi nặng hạt sàn sạt trên nóc mái nhà tranh. Giữa cái không gian buồn tê tái ấy bà Bùi Thị Hồng nhấn nhá lần giở cái ký ức của hơn 60 năm sống cảnh tối tăm cho chúng tôi nghe.

Sinh ra vào thời kì đất nước khó khăn, loạn lạc nhưng với bà thì còn thêm một nỗi đau nữa là mù lòa bẩm sinh. Chào đời không nhìn thấy mặt trời, lớn lên không nhìn được dáng cha, mặt mẹ nhưng bà vẫn mường tượng ra sự khắc khổ ở bậc sinh thành ra mình là người cha Bùi Văn Khuyên và mẹ Quách Thị An. Đôi vợ chồng người dân tộc Mường lầm lũi sống qua ngày đoạn tháng bằng cây sắn, củ khoai giữa mảnh đất trống ven đồi.

Nương tựa nhau vượt lên số phận
Nương tựa nhau vượt lên số phận
Nghèo khó rồi thêm ốm đau không có thuốc chữa người cha nhắm mắt xuôi tay khi Hồng tròn 6 tuổi. Chồng mất thì bà An cũng đang mang bầu đứa con thứ 2. May mắn khi đứa con gái Bùi Thị Nục ra đời lành lặn, khỏe khoắn. Điều đó khiến người quả phụ nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau mất chồng.

Thời gian lặng lẽ trôi, 3 mẹ con sống lay lắt trong túp lều tranh mái lá. Bên trong là không gian trống trải không có một thứ gì đáng giá để bán cho dù là đồ ve chai, đồng nát. Vì thế mà có khỏe khoắn đến mấy, lành lặn thế nào thì Nục cũng chỉ được học hết lớp 1 rồi nghỉ để lo đi kiếm cái ăn.

Ngày ngày, người mẹ dẫn theo Nục lên rừng còn Hồng do không nhìn thấy gì nên được ở nhà. Thế nhưng số phận vẫn chưa buông tha cho ba mẹ con họ. Nục trong một lần theo mẹ lên rừng chặt cây do bất cẩn bị ngã làm mặt mày xây xát, răng rụng mất hai chiếc, đôi chân sưng tấy. Cũng từ tai nạn đó, Nục đờ đẫn như người mất trí. Bà An cũng chấp nhận đoạn tuyệt với nghề đi rừng đầy nguy hiểm. Bà làm thuê, làm mướn quần quật ngày đêm để nuôi 3 miệng ăn. Gắng gượng lắm đến khi Hồng 14 tuổi thì bà An lao lực rồi đổ bệnh nằm một chỗ. Bần cùng bất đắc dĩ hai chị em Hồng và Nục đành dắt díu nhau đi ăn xin.

Cô em gái khập khiễng lê đôi chân do vẫn còn di chứng tai nạn dắt tay người chị mù đi xin ăn. Thân phận "cái bang" thời ấy khó khăn nên của cải xin được chẳng nhiều nhặn gì, chỉ đủ cho mỗi bữa được một nồi cháo loãng. Hai chị em duy trì đến năm Hồng 38 tuổi thì bà An qua đời. "Lúc mất, mẹ tôi không dặn dò được gì nhiều chỉ bảo hai chị em cứ bám lấy nghề ăn xin mà sống. Lúc ấy, thú thật hai chị em tôi cũng không còn biết xoay sở kiểu gì nên cứ theo lời mẹ dặn mà thực hiện"-bà Hồng ngậm ngùi.

Nuôi em trong bóng tối

Không chồng con, chẳng người thân thích hai chị em tàn tật cứ nương tựa vào nhau để sống bằng nghề ăn xin. Đôi chân của hai chị em Hồng - Nục rong ruổi khắp nơi để có được miếng ăn qua ngày. Tưởng chừng đã là tận cùng của nỗi bất hạnh nhưng nào ngờ vận hạn vẫn đeo bám hai chị em tội nghiệp ấy đổ tiếp lên đầu họ những thử thách đắng cay.

Gần 30 năm ròng đi ăn xin đến năm 40 tuổi, bà Nục mắc căn bệnh lạ. Toàn thân phù thũng, bụng ngày càng to phình to, sức khỏe suy kiệt không thể đi lại được nữa. Thương em đôi mắt mù lòa của bà Hồng ngày nào cũng đẫm nước mắt. “Bản thân bị mù nên không thể làm gì ngoài việc xin xung quanh hàng xóm ít gạo để em sống được ngày nào hay ngày đấy”- bà Hồng tâm sự.

Không còn người dẫn đường nên một mình bà Hồng phải tự đi xin ăn. Với cái gậy đập lách cách để định vị đôi chân trần của bà cứ thế lê la khắp đường cùng, ngõ hẻm. Đến bất kì gia đình nào, ngoài việc xin ăn bà không quên chia sẻ về bệnh tình của em gái. May mắn trong một lần lếch thếch đi xin ăn bà được một người mách địa chỉ của thầy lang có thuốc chữa được bệnh phù thũng. Bà bẩm bụng mừng thầm gặp ai cũng hỏi địa chỉ tự mình dò dẫm tìm đến nhà thầy lang. Đến nơi thì trời đã tối sầm sập. Cảm thương hoàn cảnh của người phụ nữ mù lòa, thầy lang tốt bụng không những không lấy tiền thuốc mà còn cho bà thêm tiền và giữ lại cho ngủ qua đêm vì sợ bà đi đường gặp rủi ro.

"Cả đêm nằm ngủ ở nhà thầy lang tôi không tài nào ngủ được vì vui quá. Ngày hôm sau, tôi dậy rất sớm để mang thuốc về cho Nục. Đúng là thần dược chú ạ, uống vào bụng của em tôi không còn xệ và phình như trước nữa, sức khỏe dần được hồi phục đi lại được. Hai chị em đều sung sướng ôm lấy nhau òa khóc"- bà Hồng kể. Khỏi bệnh bà dẫn em gái đến tận nhà thầy lang để cảm tạ. Nghe hai chị em bà kể lại cuộc đời cay đắng, ông thầy lang không ngần ngại truyền lại cho Hồng bài thuốc chữa phù thũng và căn dặn nếu bệnh của em tái phát cứ lên rừng lấy loại lá này nhào nặn thành viên khô, uống là khỏi.

Về nhà hai chị em lại tiếp tục thực hiện lời trăn trối của mẹ trước khi hấp hối là rong ruổi bằng cái nghề ăn xin. Con đường đá cuội từ chợ làng in hằn dấu chân của 2 chị em. Màn đêm buông xuống trong túp lều rách nát tối đen như mực chỉ còn nghe hai nhịp tim đập dồn dập và tiếng khóc sụt sùi. Bà Hồng tâm sự với em gái về cuộc sống ăn xin mà nước mắt giàn giụa. Đi hết quá nửa cuộc đời, nếm trải vô vàn những đắng cay, tủi nhục hai chị em không còn đủ sức để tiếp tục lang thang ăn mày nữa. Bà Hồng tâm sự với em gái về dự định làm thuốc chữa bệnh phù thũng từ bí kíp thầy lang truyền lại để thay đổi cuộc đời. Dự định ấy đã quẩn quanh, nhảy nhót trong suy nghĩ của bà khi bước chân ra khỏi nhà thầy lang bữa ấy.

Nghe theo lời dặn của thầy lang, hai chị em mò mẫm lên rừng tìm loại lá có thể chữa được bệnh phù thũng đem về rửa sạch phơi khô. Hàng tuần lại dắt nhau ra tận chợ huyện tìm máy nghiền lá rồi đem về nhà nhào nặn thành những viên thuốc dạng viên. Tối đến ánh đèn bỗng dưng bật sáng trong mái nhà tranh một thời tăm tối, một người mù, một người tàn tật hì hụi nhào nặn những viên thuốc kỳ lạ một cách say sưa. Những viên thuốc sau khi được nhào nặn có hình dạng viên bi ve, hai chị em cho vào túi mang ra chợ bán. Không biết thuốc của bà có công hiệu đến đâu nhưng bà Hồng kể: "Lần nào mang ra chợ thuốc của chị em tôi cũng không còn một viên. Nhiều người còn đến tận nơi để xin lấy thuốc mang về".

Niềm vui tột cùng khi năm 2010 chính quyền xã và bà con lối xóm đã giúp đỡ xây tặng hai chị em bà một căn nhà tình nghĩa, thoát khỏi kiếp sống tồi tàn trong túp lều tranh rách nát. Có được chỗ ở mới khi tuổi đã xế chiều, hai chị em bà cứ ngỡ mình vừa trải qua một giấc mơ. Giấc mơ mà có lẽ khi còn sống bố mẹ hai bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Tôi ngồi đối diện nhưng đôi lúc bà Hồng cứ quay mặt vào phía góc tường mà nói rằng: "Ông trời không lấy đi hết của ai tất cả, chị em được như thế này cũng không còn muốn gì hơn. Thế là tốt rồi".

Rời mảnh đất Thủ Chính tôi cứ thầm cảm phục cái nghị lực phi thường của hai người phụ nữ đặc biệt ấy. Có cái gì đó nghẹn ngào, đắng chát nhưng cũng có điều gì đó sâu lắng, yêu thương. Câu chuyện cổ tích ly kỳ về hai con người tàn tật chưa đến hồi kết nhưng tôi tin nó sẽ khép lại bằng một kết thúc có hậu hơn.


Theo Công Lý