Đại hội Đảng là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc chuẩn bị các văn kiện của có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần được tiến hành một cách khoa học, chu đáo, bảo đảm sự thành công của Đại hội.
Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. (Ảnh: Hiền Hòa). |
Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, vừa đánh giá những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, an ninh - quốc phòng, đối ngoại…., phân tích những nguyên nhân hạn chế, khó khăn.
Báo cáo chính trị không chỉ đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026, mà còn xác định mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cách thức xây dựng Báo cáo Chính trị, cần có chủ đề, tiêu đề, phương châm, xác định những định hướng lớn, tư tưởng chỉ đạo, nêu được mục tiêu, động lực, biện pháp thực hiện, có tính hiệu triệu, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tích cực thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, định hướng đã đề ra.
Kết cấu của Báo cáo phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, mỗi phần đều có ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và cuối cùng rút ra những bài học kinh nghiệm lớn.
Đối với Đại hội Đảng toàn quốc, việc hoàn chỉnh báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là cơ sở để xây dựng Báo cáo Chính trị tốt hơn. Nhiệm vụ này cũng được Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu đánh giá từ các cấp cơ sở.
Đánh giá thực chất, khách quan sẽ là cơ sở tốt để xây dựng Báo cáo chính trị mang tính định hướng trong 5 năm, thậm chí là 10 năm tới.
Yêu cầu đã rõ, nhưng trên thực tế trong những nhiệm kỳ trước không phải địa phương, đơn vị nào cũng thực hiện một cách triệt để.
Đã có những thời kỳ, số liệu thống kê tăng trưởng của các tỉnh đều ở mức 2 con số (từ 10% trở lên), nhưng tổng kết chung của cả nước lại vẫn dừng ở mức 1 con số.
Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị |
Thậm chí, giữa các đơn vị chức năng có nhiệm vụ thống kê cũng có những số liệu “vênh” nhau khiến cho việc đánh giá của Chính phủ và Quốc hội trở nên khó khăn hơn.
Đơn cử như, năm 2018, nhiều chỉ tiêu thống kê đưa ra nhưng các bộ ngành “thắc mắc” với cơ quan thống kê khiến không ít lần Chính phủ phải đứng ra phân xử.
Tại Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 do Bộ Kế hoạch - đầu tư tổ chức, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải yêu cầu các bộ, ngành phải coi trọng công tác thống kê thực chất, hiệu quả hơn.
Vấn đề này cũng được đại biểu Nguyễn Văn Giàu (Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) đã từng phát biểu tại Quốc hội, trong thời gian qua có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu do chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; thẩm quyền điều phối của cơ quan thống kê trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, cùng với việc thực thi Luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.
Phải khẳng định rằng, hoạt động thống kê có vai trò hết sức quan trọng nhằm giúp Đảng, Quốc hội và Chính phủ hoạch định các chủ trương, chính sách, do vậy yêu cầu số liệu thống kê phải chất lượng và chính xác để khắc phục tình trạng làm đẹp con số, chạy theo thành tích.
Thống kê đúng thì mới đánh giá được đúng tình hình và là cơ sở đẩy xác định những mục tiêu cho thời gian tới.
Tình trạng chạy theo thành tích vẫn còn tồn tại ở một số lĩnh vực nhất định cũng làm cho việc xây dựng Báo cáo chính trị thiếu chính xác.
Báo cáo chính trị cũng có tính kế thừa từ báo cáo của những nhiệm kỳ trước, tuy nhiên, việc thay đổi không chỉ dừng lại ở những con số mà kèm theo đó là những nhận định rõ về tình hình để có những dự báo cho tương lai.
Việc xây dựng Báo cáo chính trị đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII, trong đó, nêu rõ:
“Tư tưởng chỉ đạo là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiên định và đổi mới, đổi mới nhưng vẫn kiên định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội;
Mời toàn dân góp ý cho Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng |
Phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kế thừa và phát triển, giữa lý luận và thực tiễn, tiếp tục từng bước hoàn thiện cương lĩnh, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Yêu cầu của công cuộc đổi mới cũng phải được thể hiện rõ trong các Báo cáo chính trị, tuy nhiên, cần quán triệt tinh thần:
“Đổi mới có nguyên tắc, không được xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không được chệch hướng, đổi màu, hội nhập mà không hòa tan, nhưng dứt khoát phải đổi mới” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về phương pháp, cách làm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, phải phát huy tối đa dân chủ, bình tĩnh lắng nghe các ý kiến đóng góp, thu hút kết tinh tối đa trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, trong nhân dân.
Trên cơ sở lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các ý kiến đề xuất của cán bộ, đảng viên, chủ đề của Đại hội phải ngắn gọn, súc tích và có tính khái quát cao, thể hiện tầm nhìn, tư duy chiến lược của Đảng, phản ánh được mục tiêu lớn và phương hướng cơ bản, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Để có một báo cáo hoàn thiện cả về mặt lý luận và thực tiễn, Bộ Chính trị cũng như Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đã thành lập các đoàn khảo sát tại các cấp.
Yêu cầu việc khảo sát thực tế tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, phải có chọn lọc, có chủ đích, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, không làm tràn lan, gây vất vả cho địa phương; phải bảo đảm tính tiêu biểu, đúc rút được kinh nghiệm, làm sao tổ chức các chuyến đi khảo sát, làm việc thật thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, thu nhận được nhiều thông tin bổ ích phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo chính trị.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII cũng là một trong những nội dung sẽ được thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII sẽ diễn ra từ ngày 07 - 13/10.