Dấu ấn nhiệm kỳ của Chính phủ là công tác xây dựng và rà soát pháp luật

26/03/2021 13:21
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ luôn xác định xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cả về số lượng và chất lượng.

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã để lại nhiều dấu ấn về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; rà soát văn bản và khắc phục tình trạng chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ luôn xác định xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt cả về số lượng và chất lượng. Chính phủ đã tập trung thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện để phù hợp tình hình mới, nhất là triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh do Chính phủ đề xuất đã thể hiện rõ thứ tự ưu tiên đối với một số lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt để tập trung nguồn lực thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.

Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: VGP/ Lê Sơn.

Về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, Chính phủ đã tổ chức 7 phiên họp chuyên đề của Chính phủ để thảo luận, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, Hội nghị chuyên đề toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 43/CT-TTg về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Do đó, đây là yêu cầu bức thiết của cuộc sống và công cuộc đổi mới của đất nước đặt ra, bởi hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao; một số quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khó đi vào cuộc sống; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để; các điều kiện thi hành pháp luật chưa được bảo đảm; việc tổ chức thi hành pháp luật ở một số nơi còn lúng túng, hiệu quả chưa cao…

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải chủ động rà soát pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện pháp luật, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, hoặc không phù hợp thực tiễn nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, quyền con người, quyền công dân, hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế Việt Nam mới gia nhập (CPTPP, EVFTA, RCEP…); chú trọng thể chế hóa, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); nâng cao tính dự báo, bảo đảm tính ổn định và chất lượng của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; đẩy mạnh, đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức; chú trọng việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thực chất các ý kiến góp ý để bảo đảm tính khả thi.

Đối với việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật để chỉ ra những chồng chéo, bất cập, hạn chế, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm Tổ trưởng. Qua đó, Tổ công tác đã rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hiện nay.

Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm loại bỏ những vướng mắc, bất cập của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, xây dựng, môi trường, đất đai; tổ chức nhiều cuộc đối thoại chính sách với người dân, doanh nghiệp, nghiên cứu và nhận diện những vấn đề pháp lý phát sinh cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… để thể chế thực sự trở thành động lực quan trọng, có giá trị dẫn đường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, không để thể chế cản trở sự phát triển.

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, Thủ tướng đã chỉ thị phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong nghiên cứu xây dựng, đề xuất chính sách và soạn thảo, trình văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết quả của hoạt động này được xem xét là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là tiêu chuẩn xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu. Chú trọng kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi “tham nhũng, trục lợi chính sách”.

Đồng thời, Chính phủ luôn chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật; cơ chế giám sát của cơ quan nhà nước và xã hội; tăng cường thiết chế theo dõi và đánh giá tình hình thi hành pháp luật để đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; đối với các vụ việc vi phạm trong tổ chức thi hành pháp luật, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, kịp thời có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để, đúng pháp luật.

Điểm sáng cải cách

Một thành tích nổi bật là việc từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 24/3/2021 thì đến nay chỉ còn nợ đọng 12 văn bản quy định chi tiết. Đây là thành tích đáng ghi nhận của Chính phủ, bởi khắc phục được tình trạng này thì các quy định mới sớm đi vào cuộc sống và tác động tích cực đến đời sống nhân dân.

Theo đó, nhiều “điểm nghẽn” về thể chế đã được phát hiện, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế theo phương châm kiến tạo, phát triển.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Luật sư Hà Thị Thanh (Hưng Yên), cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nhiệm kỳ 2016-2021, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã đạt được những thành tựu, tiến bộ rõ nét trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới phương thức làm việc tiến tới việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa và thực hiện một phần bằng giao dịch điện tử, đảm bảo tính công khai, minh bạch đồng thời tiết kiệm chi phí, công sức cho cả cơ quan cấp phép lẫn người thực hiện.

Cổng thông tin điện tử của khối cơ quan hành chính được triển khai rộng rãi từ Trung ương đến địa phương; để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách quản lý, điều hành của các cấp chính quyền đồng thời là kênh thông tin tiếp nhận sự phản ánh, đánh giá của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Việc thực hiện công bố chỉ số CCHC (Par Index) trong hệ thống cơ quan hành chính các cấp, song song với việc khảo sát, đánh giá và công bố Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS), Chính phủ đã thực sự quán triệt định hướng “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong quản lý hành chính Nhà nước.

Đối với quản lý hoạt động doanh nghiệp, đã dần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; bãi bỏ hàng loạt giấy phép con; giảm số lượng hồ sơ, giấy tờ trong khâu cấp phép ban đầu, để doanh nghiệp tự cam kết - tự chịu trách nhiệm trong khâu hồ sơ xin cấp phép; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động hậu cấp phép để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật.

Các lĩnh vực như đăng ký, cấp phép, thuế và Bảo hiểm xã hội vốn được coi “rào cản kinh doanh”, gây bức xúc... đã có những cải tiến thủ tục đáng kể, nhận được phản hồi, đánh giá tốt từ doanh nghiệp.

Luật sư Thanh bày tỏ hy vọng trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đồng thời có những giải pháp tích cực, hiệu quả hơn để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, giải ngân các gói hỗ trợ tài chính, vốn ODA để khắc phục những hệ quả, ảnh hưởng của dịch Covid-19 thiên tai.

Theo Baochinhphu.vn