Số vốn đầu tư cả năm 2014 chỉ gần bằng 1/2 kiều hối
Theo báo cáo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Văn phòng Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với Samsung, Samsung là tập đoàn nước ngoài đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký lũy kế đạt trên 12,6 tỷ USD. Trong đó, tính đến tháng 11/2014 Samsung đã đầu tư được 5,4 tỷ USD, chiếm 31% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực điện tử, Tập đoàn Samsung đang “nhắm” tới đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam, như công nghiệp, giao thông… Ước tính tới năm 2017, tổng số vốn “đổ” vào Việt Nam lên tới 20 tỷ USD.
Cụ thể Samsung có kế hoạch đầu tư vào Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), sân bay Long Thành (Đồng Nai), tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam, thậm chí cả hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chính phủ điện tử…
Samsung khởi công xây nhà máy thứ hai ở Việt Nam (nguồn Internet) |
Ngoài ra, các công ty con của Tập đoàn sẽ đầu tư thêm những nhà máy sản xuất các loại linh kiện điện và điện tử, phụ tùng các sản phẩm di động, điện tử viễn thông công nghệ cao...
Nếu nhìn số vốn đăng ký lũy kế đầu tư vào Việt Nam hiện nay của Samsung, 12,6 tỷ USD là số tiền không nhỏ, tuy nhiên đó là con số đăng ký còn hiện tại mới chỉ có 2 dự án của Samsung đi vào sản xuất. Ngoài nhà máy Samsung đang sản xuất tại Bắc Ninh (trị giá đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD) được đầu tư năm 2009 thì tháng 3/2014 Samsung đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao thứ 2 tại Thái Nguyên.
Tổ hợp công nghệ cao thứ 2 của Samsung tại Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ USD gồm: Nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động và các sản phẩm công nghệ cao, quy mô 2 tỉ USD; nhà máy sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lí và mạch tích hợp, quy mô 1,2 tỉ USD. Sau gần 1 tháng hoạt động, đến hết tháng 3/2014, SEVT đã xuất khẩu được 90 triệu USD các sản phẩm điện thoại di động.
Dù vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam rất lớn nhưng khi so sánh với kiều hối được gửi về Việt Nam mới thấy khoản đầu tư của Samsung hiện chỉ gần bằng 1/2.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, năm 2013 số tiền kiều hối gửi về Việt Nam lên đến 11 tỷ USD chiếm 8% GDP, năm 2014 dự tính kiều hối gửi về tăng lên khoảng trên 12 tỷ USD.
Đem số tiền kiều hối này so với tiền thuế mà Samsung đóng góp cho ngân sách lại càng thấy rõ sự khập khiễng.
Dù vốn đầu tư lớn nhưng thuế Samsung đóng góp cho ngân sách không đáng là bao (ảnh minh họa - nguồn Vne) |
Tờ Đầu tư dẫn lời ông Ha Chan Ho, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam - hiện là Cố vấn cao cấp chiến lược của Tập đoàn Samsung khi làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch - cho biết: Năm 2013, Samsung Electronics Việt Nam (SEV), sau thời gian miễn thuế, đã bắt đầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Con số dự kiến trong năm 2014 là 60 - 70 triệu USD.
Còn thông tin từ Ban quản lý KCN Bắc Ninh, năm 2013 Samsung đã nộp tổng cộng gần 92 triệu USD tiền thuế (tương đương 2.000 tỷ đồng), trong đó riêng thuế nội địa là 1.000 tỷ đồng.
Ưu đãi vô tiền khoáng hậu
Năm 2013, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) là doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam với kim ngạch đạt 23,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trước đó, năm 2012, SEV cũng đã xuất xưởng hơn 100 triệu sản phẩm/năm, 97% được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường quan trọng như Bắc Mỹ, khối EU, Trung Đông, Nga và các nước châu Á. Kim ngạch xuất khẩu 12,6 tỷ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Mặc dù kim ngạch suất khẩu luôn ở mức cao song thực tế, ngân sách nhà nước lại được hưởng một phần rất nhỏ do những ưu đãi về chính sách thuế mà Samsung đã nhận được.
Nguyên nhân xuất phát từ những chính sách siêu ưu đãi dành cho Samsung. Cụ thể là Samsung hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thậm chí sau khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cho biết sẽ đầu tư 3 tỷ USD vào giai đoạn 2 - Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên (SEVT2), tập đoàn này cũng kiến nghị được hưởng thêm những ưu đãi đầu tư đặc biệt mới.
Cụ thể Samsung đề nghị được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm kể từ năm đầu tiên công ty có doanh thu từ dự án; miễn thuế thu nhập trong 4 năm kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, Samsung đề xuất được giảm tiếp 50% tiền thuế trong 3 năm nữa.
Khi những đề nghị ưu đãi này của Samsung được đưa ra trên cả 2 địa phương Thái Nguyên và Bắc Ninh, thông tin được biết hiện UBND hai tỉnh này đều đã có tờ trình xin ưu đãi của Samsung ra Hội đồng nhân dân tỉnh.
Theo các chuyên gia kinh, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh gay gắt như hiện nay thì việc đưa ra các ưu đãi để hấp dẫn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các cảnh báo cho thấy sự ganh đua như vậy chưa chắc đã thu hút thêm được nhiều vốn đầu tư hơn.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, một nhà đầu tư nghiêm túc sẽ bỏ tiền ra nếu họ thấy có cơ hội và môi trường kinh doanh tốt, ngay cả khi không có những ưu đãi đặc biệt. Nhìn vào chính sách ưu đãi dành cho khối doanh nghiệp FDI hiện nay, ông Thành cho là quá lớn trong khi doanh nghiệp nội đang gặp khó khăn.
“Doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thực ra chỉ nhằm vào giá nhân công rẻ, nhằm vào chính sách ưu đãi để thu lợi nhuận đưa về nước họ. Trong khi, chúng ta không thu được đồng thuế nào trừ chút thuế giá trị gia tăng, thậm chí có thể bù thêm thông qua các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó là cậu chuyện chuyển giá trốn thuế. Sau cùng khi doanh nghiệp FDI rời đi hậu quả để lại cho chúng ta là ô nhiễm môi trường, là cạn kiệt tài nguyên”, ông Thành thẳng thắn chỉ ra.